Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ Chín, HĐND tỉnh khóa X:

Khơi thông, giải phóng các nguồn lực, tạo động lực mới phục vụ phát triển kinh tế - xã hội

14:00, 05/12/2024

Sáng 5/12, trong khuôn khổ chương trình Kỳ họp thứ Chín, HĐND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021 – 2026, các đại biểu xem xét, đánh giá nhiều nội dung quan trọng.

GRDP đứng đầu khu vực Tây Nguyên

Trình bày báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng -an ninh năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2025, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà cho biết: Năm 2024, mặc dù đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng KT-XH của tỉnh tiếp tục duy trì phát triển; có 12/16 chỉ tiêu thực hiện đạt và vượt kế hoạch năm 2024, tăng so với năm 2023.

Quy mô nền kinh tế tiếp tục duy trì đà phát triển tốt, đến hết năm 2024, GRDP giá hiện hành của tỉnh ước đạt 145.366 tỷ đồng, tăng 19,53% so với năm 2023, bằng 108,74% kế hoạch, đứng đầu khu vực Tây Nguyên.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà trình bày báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Ảnh: Vạn Tiếp
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà trình bày báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Ảnh: Vạn Tiếp

GRDP bình quân đầu người ước đạt 74,7 triệu đồng/người. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.650 triệu USD, tăng 10,3%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 105.000 tỷ đồng, tăng 4,96%. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 8.500 tỷ đồng, tăng 7,78%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,5%.

Nhiều sự kiện văn hóa, lễ hội, thể thao diễn ra sôi nổi, đặc biệt là tỉnh đã tổ chức thành công các hoạt động kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh. Công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế tiếp tục phát triển, hội nhập quốc tế ngày càng mở rộng trên một số lĩnh vực. An sinh xã hội, chăm sóc người có công, giảm nghèo, thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát tiếp tục được quan tâm, triển khai kịp thời. Quản lý đất đai, tài nguyên, môi trường, cải cách hành chính tích cực thực hiện. Quốc phòng được tăng cường; chủ quyền, lãnh thổ, an ninh biên giới giữ vững…

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) chưa đạt kế hoạch đề ra; chuyển dịch kinh tế còn chậm. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội chưa đạt kế hoạch.

Quang cảnh phiên làm việc. Ảnh: Vạn Tiếp
Toàn cảnh phiên làm việc. Ảnh: Vạn Tiếp

Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn; số lượng doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng hoạt động tăng so với cùng kỳ (có 222 doanh nghiệp giải thể và 1.250 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 53% so với cùng kỳ). Một số công trình, dự án trọng điểm chậm triển khai, đưa vào sử dụng. Thu tiền sử dụng đất cấp tỉnh đạt thấp (đạt 26% kế hoạch)...

Chủ động xây dựng cơ chế, chính sách triển khai quy hoạch

Phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung khẳng định: Những kết quả đạt được trong năm 2024 là hết sức cơ bản và có ý nghĩa to lớn, là tiền đề quan trọng cho việc phát triển KT-XH của tỉnh trong năm 2025 và hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng, an ninh cả giai đoạn 2021 - 2025.

Bên cạnh những kết quả đạt được, cũng thẳng thắn nhìn nhận còn rất nhiều các vấn đề cần phải khắc phục. Đây là những vấn đề mà kỳ họp cần quan tâm thảo luận, phân tích làm rõ để kịp thời đề ra giải pháp khắc phục trong thời gian đến.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp. Ảnh: Vạn Tiếp
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp. Ảnh: Vạn Tiếp

Để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị năm 2025 và tạo tiền đề quan trọng cho nhiệm kỳ 2026 – 2031, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung đề nghị, HĐND tỉnh phải thực hành dân chủ thực chất, phát huy trí tuệ, bản lĩnh, đề cao trách nhiệm của từng đại biểu trước cử tri để thảo luận kỹ lưỡng, làm rõ hơn, sâu sắc và toàn diện hơn nữa tình hình, kết quả đã đạt được và những hạn chế trong quá trình thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh trong năm 2024, từ đó quyết nghị các nghị quyết sát với tình hình thực tế, có tính khả thi cao để khi ban hành phải bảo đảm thiết thực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu công khai, minh bạch, phòng ngừa tham nhũng, lãng phí có cơ sở pháp lý, chính trị đầy đủ và chặt chẽ; đảm bảo giải quyết được các nhu cầu, động lực phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân và cử tri trong tỉnh. 

Để các nghị quyết của HĐND tỉnh sớm đi vào cuộc sống, Thường trực HĐND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh, UBND tỉnh và các cơ quan, đơn vị của tỉnh phải khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện tốt ngay sau khi nghị quyết được thông qua. HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh và đại biểu HĐND tỉnh cần tăng cường công tác giám sát việc thực hiện các nghị quyết HĐND tỉnh đã ban hành, các quy định pháp luật và giải quyết các vấn đề bức xúc, nổi cộm được dư luận, cử tri và nhân dân quan tâm.

UBND tỉnh cần kịp thời xây dựng và trình HĐND tỉnh ban hành các chính sách, cụ thể hóa các Luật mới ban hành, phù hợp với điều kiện của tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, huy động, phân bổ, sử dụng các nguồn lực đầu tư phù hợp để thúc đẩy phát triển KT-XH nhanh và bền vững; trong đó tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư cho phát triển TP. Buôn Ma Thuột; các dự án thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột và các dự án trọng điểm khác.

Đồng thời, tích cực, chủ động xây dựng cơ chế, chính sách triển khai hiệu quả các phương án, kế hoạch thực hiện: Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk; Quy hoạch vùng Tây Nguyên; Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia; Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển KT-XH và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Đề án phát triển KT-XH gắn với bảo vệ an ninh, quốc phòng địa bàn Tây Nguyên...

Cùng với đó, tăng cường tổ chức các kỳ họp chuyên đề, để kịp thời giải quyết các vấn đề quan trọng, cấp bách, phát sinh trong quá trình chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và những vấn đề liên quan khác; chú trọng công tác chuẩn bị nội dung các kỳ họp, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác thẩm tra các nội dung trình tại kỳ họp để các nội dung được quyết nghị đúng thẩm quyền, bảo đảm quy định của pháp luật, phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương.

Bên cạnh đó, không ngừng đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh, đẩy nhanh việc ban hành, thể chế hóa các cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của tỉnh nhằm khơi thông và giải phóng các nguồn lực, tạo động lực mới phục vụ phát triển KT-XH, nâng cao chất lượng sống của nhân dân về mọi mặt; để xứng đáng với vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân; chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức thành công cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031…

Lan Anh
 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Chắc địa bàn, xây dựng cơ sở vững mạnh sau khi không tổ chức Công an cấp huyện
Từ 1/3, Tổ chức bộ máy của Công an tỉnh Đắk Lắk được sắp xếp, tinh gọn thành 2 cấp (Công an cấp tỉnh và Công an cấp xã). Tiếp nhận thêm nhiều nhiệm vụ mới, cán bộ, chiến sĩ công an các xã nhanh chóng bắt tay, nỗ lực thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ để không ngắt quãng, bỏ trống địa bàn, giữ vững an ninh trật tự, nâng cao chất lượng phục vụ người dân.