Kỳ họp thứ Chín, HĐND tỉnh khóa X: Tập trung thảo luận các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
Sáng 6/12, tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ Chín, HĐND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026, các đại biểu HĐND tỉnh tiến hành chia 3 tổ thảo luận.
Đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận tổ, đại biểu tập trung đề cập đến các nhóm vấn đề về kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2025; các nội dung trình tại kỳ họp và những vấn đề đại biểu, cử tri quan tâm.
Liên quan đến lĩnh vực tài chính, ngân sách, đại biểu cho rằng, trong quá trình xây dựng chỉ tiêu về KT-XH năm 2025 cần bám sát với các chỉ tiêu theo Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh; cần phân tích cụ thể các chỉ tiêu không hoàn thành, nguyên nhân chủ quan, khách quan từ đó đánh giá cụ thể để đề ra phương án khắc phục trong thời gian tới, đưa ra giải pháp, kế hoạch tổ chức thực hiện trong năm 2025 cho phù hợp để đạt được kế hoạch cho cả nhiệm kỳ 2020 - 2025.
![]() |
Các đại biểu tham gia thảo luận tại Tổ 2. Ảnh: Vạn Tiếp |
Cùng với đó, có giải pháp khắc phục tình trạng thu ngân sách chưa đạt; xem xét lại yếu tố trong thu thuế về công nghiệp và đề ra các giải pháp để tăng thu ngân sách sát thực tế, nhất là nguồn thu từ tiền sử dụng đất.
Đóng góp ý kiến về chỉ tiêu thu ngân sách, đại biểu Vũ Văn Mỹ (tổ đại biểu huyện Krông Năng) nêu ý kiến: “Nếu nói về tổng quan, chỉ tiêu thu ngân sách thì đạt nhưng phân tích ra các chính sách thuế với nguồn thu thì chưa đạt. Kết quả chưa đạt ấy ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế. Chính vì thế xây dựng kế hoạch là phải có cơ sở, chứ khi xây dựng mà không mang tính khả thi thì trong quá trình thực hiện rất khó khăn…”.
Đối với vấn đề đầu tư công, điều chỉnh chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu Quốc gia, đại biểu đề nghị có giải pháp trong quản lý, sử dụng tài sản công như: đất đai, các vị trí “đất vàng” của tỉnh, các công trình dự án đầu tư công kéo dài, các trụ sở cơ quan để trống và sử dụng vào việc khác, cần tập trung giải quyết, thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống lãng phí tài sản Nhà nước.
Đối với kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 – 2025, đại biểu nêu rõ, trên địa bàn tỉnh có một số dự án khả năng không thực hiện được, do vậy đề nghị tổng hợp, rà soát, điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công và đề xuất chuyển sang giai đoạn sau.
Đại biểu cũng đề nghị tiếp tục quan tâm, bố trí kinh phí, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công đối với 3 chương trình mục tiêu Quốc gia, góp phần xây dựng cơ sở hạ tầng, thúc đẩy phát triển KT-XH, đảm bảo an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
![]() |
Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Trần Trung Hiển đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận. Ảnh: Vạn Tiếp |
Đề cập đến việc thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Trần Trung Hiển đề nghị, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho UBND tỉnh có các giải pháp để thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia gắn với Đề án 104 và Đề án 53 của Chính phủ cho Tây Nguyên. Đại biểu nhấn mạnh: “Đề án 104 có những chỉ tiêu rất cụ thể nếu chúng ta thực hiện tốt cơ bản chúng ta giải quyết được câu chuyện nhà tạm, đất ở, đất sản xuất, an ninh chính trị ở cơ sở”.
Đóng góp ý kiến về lĩnh vực nông nghiệp, đại biểu cho biết: Giá nông sản một số mặt hàng những năm gần đây tăng, do vậy cần có dự báo và biện pháp để phát triển bền vững những mặt hàng nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Thực tế hiện nay người dân tập trung trồng sầu riêng nhiều, diện tích tăng cao nhưng việc kiểm soát vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cây giống chưa chặt chẽ, thường xuyên.
Đại biểu đề nghị cần quản lý chặt chẽ đầu vào đối với cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đối với phát triển nông nghiệp, nhất là cây sầu riêng. Cùng với đó, cần quan tâm đến công nghiệp chế biến sâu đối với cây trồng chủ lực ngành nông nghiệp như sầu riêng, cà phê...
Cho ý kiến về các vấn đề liên quan đến đất đai, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tài nguyên, khoáng sản, môi trường, đại biểu đề nghị có đề xuất với Trung ương sửa đổi Luật Khoáng sản và các văn bản hướng dẫn thi hành vì hiện nay công tác đấu thầu, cấp phép đối với khai thác các mỏ đất còn gặp khó khăn do quy trình thủ tục tốn nhiều thời gian, chi phí; chỉ đạo UBND cấp huyện chủ động, sớm rà soát, lập kế hoạch sử dụng đất năm 2025; đẩy nhanh phê duyệt phương án sử dụng đất cấp huyện, phương án sử dụng đất có nguồn gốc thu hồi từ các công ty nông, lâm trường để có quỹ đất thực hiện chính sách hỗ trợ đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số...
![]() |
Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 3. Ảnh: Vạn Tiếp |
Đối với công tác giảm nghèo, lao động, việc làm, đại biểu cho biết: Hiện nay có một số địa phương chưa thực hiện được việc cấp đất cho đồng bào dân tộc thiểu số làm ảnh hưởng đến chỉ tiêu giảm nghèo giai đoạn 2021 - 2025, do vậy đề nghị UBND tỉnh có giải pháp để người dân giữ đất và biết phát triển sản xuất, chuyển đổi nghề.
Quan tâm đến việc triển khai thực hiện Đề án xoá nhà tạm, nhà dột nát, đại biểu cho rằng, tỉnh cần rà soát, có chính sách đặc thù ngoài chính sách của Trung ương hỗ trợ, có phương án nâng cao hiệu quả công tác huy động nguồn vốn tài trợ thêm cho tỉnh. Về định mức xây dựng nhà cần nghiên cứu, quy định hỗ trợ tối thiểu bằng định mức xây dựng theo Chương trình của Bộ Công an.
Tại phiên thảo luận tổ, các đại biểu cũng nêu nhiều ý kiến liên quan đến tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế, cải cách hành chính; chuyển đổi số; tinh thần thái độ của cán bộ, công chức; việc tổ chức thi tuyển, tuyển dụng công chức, viên chức; đề xuất mở rộng nâng cấp Tỉnh lộ 1; duy tu, bảo dưỡng Quốc lộ 14; áp dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong công tác bảo vệ quản lý rừng; vấn đề tăng chỉ tiêu biên chế của hạt kiểm lâm để đảm bảo biên chế so với yêu cầu nhiệm vụ được giao...
Lan Anh
Ý kiến bạn đọc