Multimedia Đọc Báo in

Lắng nghe tâm tư của đồng bào dân tộc thiểu số

08:32, 20/12/2024

Tham dự hội nghị tiếp xúc với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vùng Tây Nguyên do Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam vừa tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột, các đại biểu là già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số đã gửi gắm tâm tư, nguyện vọng, những trăn trở về tình hình tại địa phương, cơ sở.

Những trăn trở từ cơ sở

Đại biểu H’Ngọc Niê (người có uy tín của buôn Sút M'đưng, xã Cư Suê, huyện Cư M’gar) đề cập vấn đề đang rất "nóng" tại nhiều địa phương ở Đắk Lắk, đó là tình trạng đồng bào dân tộc thiểu số bán đất, dẫn đến thiếu đất sản xuất, đất ở. Bà nhấn mạnh, nếu tình trạng này tiếp diễn, ngoài thực trạng đồng bào không còn tư liệu sản xuất thì dẫn đến mối nguy rất lớn là xảy ra tình trạng mất đoàn kết, mâu thuẫn giữa các thành viên trong gia đình như thực tế đã xảy ra tại địa phương.

Đến từ xã Nâm N'jang, huyện Đắk Song (tỉnh Đắk Nông), bà Thị Rơi bày tỏ trăn trở trước thực trạng văn hóa truyền thống của các dân tộc có nguy cơ mai một, biến mất, đơn cử như thế hệ trẻ không còn mặn mà, quan tâm theo học đánh chiêng, rất ít gia đình còn lưu giữ những bộ chiêng quý... Vì vậy, bà mong có chính sách đãi ngộ, hỗ trợ kinh phí cho các nghệ nhân trong công tác truyền thụ, đào tạo cho thế hệ trẻ.

Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr động viên, tặng quà các già làng, trưởng bản, người có uy tín.

Đại biểu Mỗ - người có uy tín trong cộng đồng dân tộc Xê Đăng đến từ huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng) nêu một thực tế là đội ngũ cán bộ địa phương ở cơ sở hiện nay còn thiếu, không đáp ứng được khối lượng công việc khá nhiều tại địa phương, cơ sở. Cùng với đó thì những chế độ, chính sách dành cho đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số, những người có uy tín chưa tương xứng, chưa đủ khuyến khích để họ toàn tâm, toàn ý với công việc. Ông cũng đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam có ý kiến, đề xuất hỗ trợ cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, kể cả vùng I, vùng II, giúp giảm bớt gánh nặng chi phí...

Đại biểu Đinh Văn Tuyển - người có uy tín tại làng Ring, xã Hà Bầu, huyện Đắk Đoa (tỉnh Gia Lai) nêu thực trạng quá trình triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững cũng như xây dựng nông thôn mới tại các địa phương, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang gặp không ít khó khăn, vướng mắc, trở ngại nhất là về tiêu chí tỷ lệ hộ nghèo. Vì vậy việc triển khai thực hiện chương trình cần có những giải pháp cụ thể, phù hợp với thực tiễn.

Phát huy vai trò "cầu nối”

Lắng nghe ý kiến tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hoàng Công Thủy khẳng định, những ý kiến, tiếng nói của những người trong cuộc mang hơi thở cuộc sống, có ý nghĩa quan trọng, giúp các đại biểu đại diện cho các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ có mặt tại hội nghị trực tiếp nắm bắt, từ đó cùng phối hợp, đưa ra những giải pháp hiệu quả, kịp thời tháo gỡ. Thực tế thời gian qua Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách quan trọng nhằm mục tiêu phát triển toàn diện vùng Tây Nguyên và đã đạt nhiều kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực. Tuy vậy, trong quá trình triển khai, với đặc thù vùng Tây Nguyên có nhiều dân tộc sinh sống, phong tục, tập quán các vùng miền khác đã ảnh hưởng, tác động trực tiếp đến hiệu quả của các chủ trương, chính sách.

Các già làng, trưởng bản, người có uy tín trao đổi với Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hoàng Công Thủy (thứ hai từ phải sang). 

Với tiếng nói có “trọng lượng” của mình, những già làng, trưởng bản, người có uy tín tại địa phương chính là những tuyên truyền viên đắc lực tại cơ sở, vì vậy cần thiết phải có những chính sách, chế độ phù hợp, động viên tinh thần, vật chất, tiếp thêm động lực để những người có uy tín khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hoàng Công Thủy nhìn nhận, chính sách cho người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đã được quy định chi tiết tại Quyết định số 28/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, song thực tế vẫn chưa đáp ứng đầy đủ nguyện vọng của nhóm đối tượng này. Do đó, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam có trách nhiệm phản ánh đến bộ, ngành liên quan để nhanh chóng sửa đổi cho phù hợp. Ông cũng đề nghị lãnh đạo các địa phương tham dự hội nghị này cần nghiên cứu, hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm y tế cho người uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng I, vùng II, thực tế nguồn chi phí này không quá nhiều và trong quyền tự quyết của địa phương.

Liên quan đến ý kiến cử tri H’Ngọc Niê của Đắk Lắk, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hoàng Công Thủy cho rằng để xảy ra tình trạng trên có một phần trách nhiệm của chính những người làm công tác Mặt trận khi chưa sâu sát với cơ sở, vận động, tuyên truyền cho đồng bào dân tộc thiểu số ý thức bảo vệ tài sản, tư liệu sản xuất của mình. Cùng với đó thì chính quyền các địa phương chưa làm hết trách nhiệm trong công tác quản lý đất đai trên địa bàn. Để chấm dứt tình trạng này, giải pháp then chốt, căn cơ vẫn là tuyên truyền, nâng cao ý thức của đồng bào dân tộc thiểu số, để họ không chạy theo cái lợi trước mắt mà quên đi những hệ lụy lâu dài.

"Với những trăn trở của các đại biểu liên quan đến việc đào tạo nguồn nhân lực dân tộc thiểu số, công tác giữ gìn bảo tồn văn hóa truyền thống, gỡ khó trong xây dựng nông thôn mới…, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ thực hiện trọng trách làm "cầu nối", chỉ đạo bộ phận chuyên môn tổng hợp, gửi các cơ quan có thẩm quyền xem xét và phúc đáp kịp thời, trong thời gian sớm nhất cho các đại biểu", Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hoàng Công Thủy khẳng định.

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nỗi đau từ pháo nổ
Khi Tết Nguyên đán cận kề, liên tiếp những vụ tai nạn do pháo nổ tự chế gây ra trên địa bàn tỉnh đã để lại nỗi đau khôn nguôi. Có không ít trường hợp gặp tai nạn là học sinh trong độ tuổi từ 11 đến 14 tuổi khiến nhiều em phải chịu những thương tổn vĩnh viễn.