Nâng tầm công tác đối ngoại
Sáng 6/1, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác ngành ngoại giao năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2025.
Trong bối cảnh khó khăn, thách thức, Việt Nam vẫn vượt lên, ổn định, phát triển và thu nhiều thắng lợi trên tất cả các lĩnh vực, khẳng định bản lĩnh, trí tuệ, sự đoàn kết, trưởng thành của đội ngũ cán bộ, sự quyết đoán, ứng biến linh hoạt trong những thời khắc quan trọng.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk. |
Việt Nam – điểm đến an toàn, hấp dẫn
Theo Bộ Ngoại giao, năm 2024, ngành ngoại giao đã đạt được nhiều kết quả quan trọng nổi bật, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác cho phát triển.
Năm 2024 đã trở thành năm đầu tiên trong nhiều năm, Việt Nam đạt và vượt tất cả 15/15 chỉ tiêu đề ra. Đặc biệt, Việt Nam trở thành điểm sáng về tăng trưởng của khu vực và thế giới (trên 7%) với nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm.
"Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ thường xuyên, đẩy mạnh ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa, quảng bá hình ảnh quốc gia, tập trung xây dựng nền ngoại giao hiện đại và chuyên nghiệp để tạo đà, tạo lực, tạo thế, củng cố và nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế" - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. |
Việt Nam tiếp tục là điểm đến an toàn, hấp dẫn của đầu tư, kinh doanh quốc tế, nằm trong nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới với gần 40 tỷ USD đăng ký, vốn thực hiện đạt gần 25 tỷ USD. Mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt gần 7,2 triệu tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng của thị trường chứng khoán đạt hai con số, cao nhất khu vực. Xuất nhập khẩu ước đạt 786 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam ước đạt 17,6 triệu lượt, tăng 39,5% so với năm 2023.
Đi đôi với triển khai đồng bộ công tác đối ngoại, việc xây dựng và phát triển ngành ngoại giao tiếp tục được đẩy mạnh ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ, trong đó trọng tâm là tăng cường xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ ngoại giao toàn diện, hiện đại, chuyên nghiệp và gìn giữ, phát huy bản sắc độc đáo của ngoại giao Việt Nam, xây dựng bộ máy “tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả”.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đánh giá: Thực tiễn công tác đối ngoại, ngoại giao phong phú và sôi động trong năm qua đã làm sâu sắc hơn nhiều bài học quý báu đối với ngành ngoại giao. Đó là, luôn quán triệt, bám sát và vận dụng đúng đắn, sáng tạo, linh hoạt đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận, chỉ thị về đối ngoại của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Thủ tướng Chính phủ; phối hợp chặt chẽ giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân cũng như giữa các binh chủng, lực lượng làm công tác đối ngoại; luôn chủ động theo dõi sát, nắm chắc và đánh giá đúng tình hình, "biết mình, biết người", "biết thời, biết thế" để có quyết sách kịp thời, đúng đắn, tận dụng thời cơ và hóa giải thách thức.
Tăng tốc, bứt phá năm 2025
Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá về đích để thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, là năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước và cũng là năm tiến hành đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Trong khi đó, dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, có thể xuất hiện những yếu tố mới, có cả cơ hội và thách thức đan xen.
Sản phẩm chuối của Công ty Cổ phần Banana Brothers Farm (huyện M’Drắk) xuất khẩu sang nhiều thị trường nước ngoài. Ảnh: Minh Thuận |
Nhiệm vụ bao trùm đối với công tác đối ngoại và ngoại giao là phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò tiên phong, trọng yếu, thường xuyên trong việc tạo lập, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định đi đôi với bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, huy động các nguồn lực bên ngoài, nhất là các nguồn lực có tính đột phá, tiếp tục nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước, góp phần tạo đà cho đất nước tăng tốc, bứt phá.
Để góp phần thực hiện các mục tiêu năm 2025 của cả nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị toàn ngành ngoại giao tập trung vào thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm: mọi hoạt động đối ngoại, ngoại giao phải phục vụ đắc lực, hiệu quả cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế ít nhất 8% và phấn đấu cao hơn trong điều kiện có thể. Giữ vững, củng cố, tăng cường cục diện đối ngoại thuận lợi, môi trường hòa bình, hợp tác, phát triển, thúc đẩy quan hệ với tất cả các nước đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững, đặc biệt là các nước lớn, nước láng giềng và các nước bạn bè truyền thống.
Hoạt động ngoại giao phải góp phần thúc đẩy lực lượng sản xuất mới trong bối cảnh mới như chip bán dẫn, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, công nghiệp Internet và Internet vạn vật, công nghệ chuỗi khối, công nghiệp văn hóa, giải trí, công nghiệp y sinh học, năng lượng mới, vật liệu mới… Hoàn thành việc sắp xếp bộ máy tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; củng cố, tăng cường và đẩy mạnh hơn nữa ba trụ cột: đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và ngoại giao nhân dân. Xây dựng và thực hiện đề án cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, củng cố, tăng cường tiềm lực cơ sở vật chất trong và ngoài nước của ngành ngoại giao.
Quỳnh Anh
Ý kiến bạn đọc