“Chìa khóa” xây nền hành chính phục vụ
Tăng cường trách nhiệm trong thực thi công vụ, đổi mới mạnh mẽ phương thức làm việc của cán bộ, công chức, viên chức đã giúp tỉnh Đắk Lắk có sự bứt phá trong công tác cải cách hành chính.
Cụ thể hóa các nhiệm vụ của cải cách hành chính (CCHC), yêu cầu quan trọng của tỉnh đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương là “lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp (DN) là thước đo đánh giá chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước các cấp” làm phương châm hành động. Tỉnh Đắk Lắk xác định một trong các giải pháp trọng tâm là: luôn luôn lắng nghe, tiếp nhận ý kiến người dân, tăng cường hỗ trợ công dân một cách dễ hiểu, dễ tiếp cận và quan trọng là chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao thái độ phục vụ.
Ông Hoàng Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, thời gian qua tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo, nâng cao chỉ số CCHC. Trong đó, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp, người đứng đầu các tổ chức chính trị xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập đối với việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ CCHC. Đặc biệt, trong năm 2024, thủ trưởng các sở, ban, ngành cam kết với UBND tỉnh thực hiện và hoàn thành 100% các nội dung của kế hoạch CCHC. Đồng thời, tỉnh tăng cường hiệu quả hoạt động kiểm tra CCHC, lấy hiệu quả phục vụ người dân làm thước đo.
Công chức, viên chức Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính. |
Xác định CCHC để thay đổi phương thức làm việc, cải thiện quan hệ giữa chính quyền với người dân, huyện Krông Ana đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ CCHC trên địa bàn, quan trọng nhất là thái độ xứng xử, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức để nâng cao sự hài lòng, đáp ứng kỳ vọng của tổ chức, cá nhân.
Cụ thể, huyện giao trách nhiệm cho người đứng đầu các đơn vị, địa phương thực hiện các nội dung của nhiệm vụ CCHC và xử lý kịp thời các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức đối với các thủ tục thành chính (TTHC) thuộc thẩm quyền. Đi đôi với đề cao trách nhiệm, kỷ cương hành chính, huyện còn quán triệt sâu sắc đến cán bộ, công chức, viên chức chú trọng thái độ phục vụ người dân, DN; thực hiện kiểm tra, giám sát thường xuyên và xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức cửa quyền, sách nhiễu, đùn đẩy trách nhiệm, gây phiền hà, khó khăn cho tổ chức, cá nhân thực hiện TTHC. Năm 2024, có 2 ý kiến của người dân góp ý trong quá trình thực hiện TTHC tại UBND xã Ea Bông và Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện. Các địa phương, đơn vị liên quan đã tiếp nhận, phối hợp kịp thời xử lý và thực hiện phản hồi cho người dân biết.
Đổi mới cách làm để phục vụ người dân là một trong những “chìa khóa” làm nên thành công ở Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Đây là đầu mối tập trung để các sở, ban, ngành bố trí công chức, viên chức đến thực hiện việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết 19 lĩnh vực TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của 17 sở, ban, ngành và 2 cơ quan ngành dọc. Bình quân mỗi ngày, Trung tâm tiếp nhận đến hơn 500 TTHC. Trung tâm đã công khai, niêm yết TTHC thông qua hình thức quét mã QR thay cho niêm yết giấy.
Đặc biệt, triển khai các giải pháp kỹ thuật để nâng cao chất lượng giải quyết hồ sơ TTHC như: gửi tin nhắn SMS đến người dân; gửi tin nhắn thông báo thuế cho người dân; gửi tin nhắn SMS cảnh báo hồ sơ đến hạn cho lãnh đạo các đơn vị; gửi văn bản nêu rõ lý do đối với các hồ sơ trả bổ sung, trả không giải quyết qua các hình thức như gửi email, zalo đến người dân, DN; thường xuyên rà soát quy trình, thành phần hồ sơ… của từng TTHC trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC và phối hơp với các đơn vị liên quan để cập nhật, bổ sung kịp thời, đầy đủ nội dung của TTHC trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC theo quy định.
Công chức bộ phận Một cửa xã Băng A Drênh (huyện Krông Ana) hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. |
Cùng với đó, Trung tâm áp dụng nhiều giải pháp, sáng kiến như: thành lập tổ hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện TTHC; dùng tài khoản quản trị nộp hồ sơ trực tuyến cho công dân trong trường hợp công dân không thể thực hiện dịch vụ công trực tuyến bằng tài khoản của mình; triển khai mô hình “Ngày thứ hai không viết, ngày thứ tư trực tuyến”... Nhờ đó, qua khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của tổ chức và cá nhân đối với việc giải quyết trước và đúng hạn TTHC kết quả đạt từ 90% trở lên.
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc