Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV
“Đi tắt, đón đầu” các công nghệ mới, công nghệ tương lai
Sáng 17/2, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu đồng thuận với sự cần thiết của việc ban hành Nghị quyết. Đồng thời cho rằng, để thúc đẩy phát triển nhanh khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia trong tình hình hiện nay, nhất là thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đến làm việc, đón đầu các công nghệ mới, công nghệ tương lai, điều quan trọng nhất hiện nay là phải có những cơ chế để đầu tư nhanh kết cấu hạ tầng phục vụ cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
![]() |
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: quochoi.vn |
Cụ thể, cần có các phòng nghiên cứu công nghệ sinh học; địa điểm thử nghiệm công nghệ mới cùng với hạ tầng về năng lượng, nước sạch, hạ tầng số, trung tâm dữ liệu, cáp quang, các trạm thu phát sóng 5G, 6G; các phòng trưng bày, triển lãm hiện đại; phòng thí nghiệm (Lab); phòng thí nghiệm kết hợp sản xuất thử nghiệm (Lab- Fab)… đạt tiêu chuẩn quốc tế để phục vụ công tác thiết kế, đào tạo, tiến tới xây dựng các nhà máy kiểm thử, đóng gói trong lĩnh vực bán dẫn, AI.
Tuy nhiên, theo đại biểu, hiện nay, quy định pháp luật Việt Nam chưa có hoặc mới đề cập chung chung, đặc biệt là trình tự, thủ tục để đầu tư, xây dựng rườm rà, chưa có các quy chuẩn kỹ thuật cụ thể và không đáp ứng với yêu cầu của Nghị quyết 57.
Do đó, đại biểu đề xuất Quốc hội xem xét bổ sung một hoặc một số điều luật, cụ thể: Về trình tự, thủ tục đặc biệt trong đầu tư kết cấu hạ tầng khoa học, công nghệ bằng nguồn ngân sách Nhà nước và cơ chế đầu tư kết hợp giữa ngân sách nhà nước với vốn ngoài nhà nước cùng các nguồn vốn hợp pháp khác.
Đồng thời, có các hình thức giao thầu chìa khóa trao tay, chỉ định thầu hoặc đấu thầu rút gọn… như các quy định trong dự thảo Nghị quyết về đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư áp dụng như quy định tại khoản 8 Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu (Điều 36a Luật Đầu tư) vừa có hiệu lực từ ngày 15/1/2025…
Đóng góp ý kiến vào việc bảo đảm “đầu ra” của các nghiên cứu khoa học và công nghệ trong nước, đại biểu đề nghị cần bổ sung các chính sách, trong đó tập trung vào việc có chính sách để Nhà nước trở thành khách hàng đầu tiên và quan trọng nhất đối với các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ trong nước.
![]() |
Quang cảnh phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn |
Việc bảo đảm sử dụng các kết quả nghiên cứu, phát triển trong các chương trình của Nhà nước còn thể hiện niềm tin vào năng lực của các nhà khoa học, các tổ chức khoa học và công nghệ trong nước.
Liên quan đến nội dung trên, một số đại biểu cho rằng, đối với sản phẩm, dịch vụ được đặt hàng trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, sau khi nghiên cứu thành công và được nghiệm thu, đơn vị đặt hàng có thể trực tiếp ký kết hợp đồng cung cấp sản phẩm với đơn vị nghiên cứu mà không phải tuân thủ các quy định của Luật Đấu thầu.
Các bộ, ngành, địa phương phải dành tối thiểu 20% ngân sách để đặt hàng sản phẩm khoa học công nghệ trong nước. Hằng năm, các bộ, ngành, địa phương phải ban hành danh mục đặt hàng sản phẩm khoa học công nghệ để các tổ chức, đơn vị nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, thậm chí cả các cá nhân có thể đăng ký tham gia và được hỗ trợ đầu ra sau khi nghiên cứu thành công sản phẩm.
Đánh giá cao việc Chính phủ đề xuất vào trong Nghị quyết quy định chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đại biểu khẳng định, việc làm này sẽ góp phần tháo gỡ nút thắt và tạo niềm tin, yên tâm hơn trong công tác nghiên cứu đối với nhiều nhà khoa học.
Đại biểu đề nghị bổ sung cơ chế miễn trừ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân quyết định việc đầu tư, quản lý, sử dụng kết cấu hạ tầng phục vụ cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đối số khi xảy ra thất thoát, lãng phí mà không có nguyên nhân từ tham nhũng, tiêu cực…
Trong khuôn khổ phiên thảo luận, các đại biểu cũng tập trung đóng góp ý kiến vào các nội dung: Khoán chi trong triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước; ưu đãi thuế cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; quản lý kinh phí ngân sách nhà nước cấp hằng năm và nhiều năm…
Cũng trong phiên làm việc buổi sáng, Quốc hội thảo luận tại hội trường về các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và tiến hành họp riêng về một số nội dung khác.
Lan Anh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc