Những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tinh gọn bộ máy nhà nước
Ở Việt Nam, vấn đề tinh gọn bộ máy nhà nước không phải là mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là người đầu tiên phác thảo, khởi xướng và đặt nền móng cho việc đổi mới, tinh gọn bộ máy nhà nước, lấy chất lượng và tinh thần phục vụ nhân dân lên trên hết, trước hết.
Thực tiễn, ngay trong những ngày đầu của nền độc lập, Hồ Chí Minh nói nhiều về sự cần thiết, những nội dung, yêu cầu đổi mới tổ chức bộ máy của chính quyền cách mạng non trẻ qua loạt bài như: "Cách tổ chức các ủy ban nhân dân", "Thư gửi các đồng chí tỉnh nhà", "Chính phủ là công bộc của dân", "Tinh thần tự động trong các ủy ban nhân dân", "Sao cho được lòng dân"… Năm 1947, Người viết một số bài chấn chỉnh lề lối, phương pháp, nhất là về tổ chức bộ máy như "Thư gửi các đồng chí Bắc Bộ"; "Thư gửi các đồng chí Trung Bộ"...
![]() |
Đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại phiên thảo luận Tổ 01 (Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội). Ảnh minh họa: Cổng thông tin Điện tử Quốc hội) |
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: mục đích của việc thực hành chấn chỉnh biên chế nhằm “để bớt sự đóng góp cho dân và thêm lực lượng vào công việc tăng gia sản xuất”. Rõ ràng, tinh giản biên chế theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh là giảm số lượng nhưng tăng năng suất, nhằm hướng đến sự phát triển chung của đất nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Tất cả mọi người, bất kỳ ở một chức vụ nào, cao hay thấp, to hay nhỏ, tất cả mọi người làm thành một bộ máy. Thiếu một người nào hay có một người không làm tròn nhiệm vụ là hỏng cả”. Nhưng, từ thực tiễn, Người nhận thấy “từ các bộ, các ngành và các địa phương, bộ máy đều quá cồng kềnh và càng ngày càng phình ra. Vì vậy mà sinh ra quan liêu, lãng phí”; “bộ máy cồng kềnh, nhiều giấy tờ, hình thức... Từ cấp trên xuống cấp dưới, công việc chậm trễ, nhiều khi không ăn khớp. Chúng ta phải sửa chữa các khuyết điểm kể trên, coi trọng và thật sự kiện toàn chính quyền dân chủ nhân dân về các mặt công tác, tổ chức, cán bộ”.
Từ đó, Người yêu cầu: “Cần chỉnh đốn và kiện toàn bộ máy từ trên xuống dưới làm cho nó gọn gàng, hợp lý”. Gọn gàng, hợp lý thể hiện ở chỗ, “mọi người đều có công việc thiết thực, những người thừa phải đưa đi chỗ thiếu, những người ở lại phải thi đua nâng cao năng suất của mình. Thế là tinh giản, tinh là năng suất lên cao, làm cho mau, cho tốt, giản là vừa phải, không kềnh càng, tránh hình thức”. Do đó, “các cơ quan chính quyền và đoàn thể, các cơ quan kinh tế và các ủy ban, cần phải nâng cao năng suất, giảm bớt số người (tinh giản)... Vô luận thế nào cũng phải tìm đủ cách để biên chế các cơ quan lại”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định, “vì nước mình nhỏ nên không cần nhiều bộ”. Cho nên, ở thời kỳ đầu Chính phủ mới được thành lập, Người đã chủ động xây dựng bộ máy nhà nước chỉ có 13 bộ, ngành. Từ năm 1946, Chính phủ chỉ còn có 10 bộ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ dẫn: “Chấn chỉnh bộ máy chính quyền từ dưới lên trên, bắt đầu từ xã; dưới làm lên trên, trên làm xuống dưới, tự nhiên mọi việc sẽ thành. Trong quá trình thực hiện tổ chức phải gọn gàng. Nhiệm vụ của mỗi bộ phận, mỗi người phải quy định rõ ràng. Các cấp và các cán bộ lãnh đạo phải giúp đỡ và đôn đốc thường xuyên, phải kiểm tra chặt chẽ”. Người cũng nói: “Các địa phương sẽ thi đua với nhau, Trung ương sẽ thi đua với địa phương, làm cho bộ máy ấy chạy nhanh hơn, đều hơn, để đi mau đến thắng lợi hoàn toàn”.
Tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị là một cuộc cách mạng, do đó, từ thực tiễn lãnh đạo xây dựng bộ máy tinh gọn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết, phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa đổi mới và kế thừa, phù hợp với thực tiễn.
Kế thừa tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta nhiều lần đề ra chủ trương sắp xếp, kiện toàn hệ thống chính trị gắn với việc tinh giản biên chế. Đặc biệt, trong xu thế và bối cảnh hiện nay, với những cơ hội để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển đã đặt ra yêu cầu cấp bách, thực hiện quyết liệt cuộc cách mạng nhằm xây dựng hệ thống chính trị thật sự tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới. Do đó, những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là cơ sở, là định hướng cho việc kiện toàn, tinh gọn bộ máy nhà nước đang được thực hiện quyết liệt hiện nay.
Cẩm Trang
Ý kiến bạn đọc