Những “đầu tàu” ở cơ sở
Phát huy vai trò đầu tàu, gương mẫu, nhiều người đứng đầu các tổ chức, đơn vị ở cơ sở đã tận tâm, tận lực, năng động trong triển khai thực hiện các phong trào, hoạt động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Nữ bí thư chi bộ năng động
Mấy năm gần đây, Chi bộ buôn Ea Kring luôn là đơn vị dẫn đầu trong triển khai thực hiện các phong trào thi đua tại xã Ea Sin (huyện Krông Búk). Đóng góp vào thành tích chung ấy là sự nhiệt tình, trách nhiệm, năng động của nữ Bí thư Chi bộ buôn Ea Kring Phạm Thị Thùy Giang.
Vốn là thạc sĩ chuyên ngành khoa học cây trồng, từng công tác ở Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum, năm 2017 chị Giang về sinh sống với gia đình và tham gia sinh hoạt tại Chi bộ buôn Ea Kring. Đến năm 2022, chị Giang được tín nhiệm bầu làm bí thư chi bộ. Để giảm bớt thời gian hội họp, trước khi triển khai công việc, chị Giang xin ý kiến góp ý của đảng viên qua nhóm Zalo rồi hội ý với cấp ủy, sau đó xây dựng dự thảo nghị quyết, kế hoạch và thống nhất tại buổi sinh hoạt định kỳ của chi bộ. Cách làm dân chủ này đã tạo được sự đồng thuận cao của đảng viên nên mọi việc đều thông suốt.
![]() |
Bí thư Chi bộ buôn Ea Kring Phạm Thị Thùy Giang (bìa trái) cùng ban tự quản buôn kiểm tra tuyến đường đã được giải phóng mặt bằng theo tiêu chí nông thôn mới. |
Điều đáng nói, Chi bộ buôn Ea Kring không chỉ đề ra chủ trương mà cùng ban tự quản, các đoàn thể buôn “bắt tay” cùng thực hiện. Đơn cử như việc tuyên truyền, vận động nhân dân giải phóng mặt bằng, xây dựng đường giao thông nông thôn mới. Chi bộ, ban tự quản đã tổ chức họp toàn thể nhân dân và họp dân theo từng cụm dân cư. Người dân trực tiếp quyết định mức đóng góp, cách làm, tham gia bảo dưỡng, giám sát công trình. Khi các hộ đồng thuận, chi bộ, ban tự quản tổ chức ký cam kết tự nguyện giải phóng mặt bằng, hiến đất, chặt bỏ cây trồng, đóng góp từ 5 triệu đồng đến 9 triệu đồng/ha rẫy/hộ, cùng với nguồn vốn của nhà nước để làm 1,8 km đường bê tông và đang triển khai làm thêm 800 m.
Có đường bê tông, chi bộ, ban tự quản lại triển khai lắp điện chiếu sáng năng lượng mặt trời tại các trục đường theo chủ trương của Đảng ủy xã Ea Sin. Với cách làm tương tự, nhiều gia đình đảng viên, hộ dân đã tự nguyện bỏ ra khoảng 1,5 triệu đồng để lắp đặt trụ và bóng diện năng lượng mặt trời. Chỉ sau một thời gian ngắn, buôn Ea Kring đã triển khai lắp được 127 bóng điện chiếu sáng công cộng. Đồng thời, chi bộ, ban tự quản còn triển khai cho Tổ an ninh dân nuôi và các hộ dân đóng góp, lắp đặt, chia sẻ 47 camera an ninh. Với kiến thức chuyên ngành của mình, chị Giang cũng tích cực vận động các hộ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao thu nhập.
Giúp nông dân làm giàu từ cây lúa
Từ khi Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp dịch vụ Cư Ni (xã Cư Ni, huyện Ea Kar) được thành lập năm 2016, với vai trò “đầu tàu”, ông Nguyễn Văn Thu, Giám đốc HTX đã nỗ lực tìm hướng đi phù hợp, tạo sự thay đổi đáng kể trong sản xuất lúa của các nông hộ trên địa bàn, góp phần nâng cao thu nhập của nông dân.
Những năm đầu mới thành lập, hoạt động của HTX gặp nhiều khó khăn, lại thêm tập quán sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm của người dân không dễ gì thay đổi được trong ngày một ngày hai. Ông Thu cùng ban giám đốc bàn thảo, vạch ra các nhóm hoạt động, ưu tiên đầu tiên là làm sao đưa được nước vào đồng ruộng, đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật, giống mới vào sản xuất, đồng thời vận động các hộ đẩy mạnh cơ giới hóa, hướng sản xuất có liên kết, bao tiêu sản phẩm.
![]() |
Ông Nguyễn Văn Thu (bìa trái), Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ Cư Ni (xã Cư Ni, huyện Ea Kar) kiểm tra tình hình điều tiết nước và sản xuất lúa của hợp tác xã. |
Phương hướng hoạt động được đưa ra, ông Thu đã chỉ đạo cải tạo lại hệ thống kênh mương, phân công người phụ trách 3 trạm bơm, mua sắm máy móc, thiết bị để dẫn và điều tiết nước từ đập Krông Búk hạ, hồ Ea Ô tưới cho đồng ruộng. Bài toán nước tưới được giải, sản xuất lúa của nông dân từ 1 vụ/năm tăng lên 2 vụ/năm, bảo đảm nước tưới cho 120 ha của 9 thành viên. HTX còn mở rộng liên kết sản xuất lúa với 230 hộ của 3 thôn gồm: 12, Quảng Cư 1B, Quảng Cư 2. Để nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất lúa gạo cho nông dân, HTX đã chủ động kết nối với Công ty TNHH MTV Cà phê 721 cung ứng các loại giống lúa chất lượng cao như ST 24, ST 25 và bao tiêu sản phẩm cho bà con. Nhờ vậy, nông dân đã thay đổi phương thức sản xuất lúa, đem lại hiệu quả rõ rệt.
Chẳng hạn như gia đình chị Hoàng Thị Kiều ở thôn Quảng Cư 2 (xã Cư Ni) trước đây chỉ trồng được một vụ lúa do thiếu nước tưới. Từ khi tham gia HTX Nông nghiệp dịch vụ Cư Ni, gia đình chị được cung cấp đủ nguồn nước, giống, hướng dẫn khoa học - kỹ thuật, cách sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, từ đó đã sản xuất được 2 vụ lúa/năm, năng suất tăng từ 4 - 5 tạ/sào lên 8 - 10 tạ/sào. Nhờ trồng giống lúa ST24, giá bán cao, ổn định, gia đình chị đã làm giàu từ cây lúa, xây dựng nhà cửa khang trang, mua sắm đủ máy cấy, máy gặt đập liên hợp phục vụ sản xuất.
Sự năng động, quyết đoán của người đứng đầu HTX Nông nghiệp dịch vụ Cư Ni đã giúp các thành viên và nông dân có thể làm giàu từ cây lúa.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc