Multimedia Đọc Báo in

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ánh sáng của đạo đức cách mạng

10:40, 26/05/2025

Nếu phải tìm một hình mẫu đạo đức cách mạng tiêu biểu nhất thì Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là hiện thân sinh động.

Điều đặc biệt là đạo đức của Người không phải lời giảng dạy khô cứng mà là một triết lý sống được thể hiện trong từng hành động cụ thể. Từ cách ăn, mặc, ở đến phong cách lãnh đạo, tiếp dân, Người luôn giữ sự giản dị đến mức tối thiểu nhưng vô cùng sâu sắc.

Người từng nói: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán hai chữ “cộng sản” là họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức”. Và chính Người là tấm gương sáng nhất của điều đó. Dù là Chủ tịch nước, Bác không ở trong dinh thự mà chọn sống trong ngôi nhà nhỏ nép mình dưới bóng cây xanh bên Phủ Chủ tịch, với những đồ dùng thật đơn sơ như giường gỗ, chăn đơn, chiếu cói, quạt lá cọ… Những hình ảnh đó đã trở thành biểu tượng cho lối sống thanh liêm, gần gũi, được nhà thơ Tố Hữu khắc họa trong trường ca “Theo chân Bác”: “Nhà gác đơn sơ, một góc vườn/ Gỗ thường mộc mạc, chẳng mùi sơn/ Giường mây chiếu cói, đơn chăn gối/ Tủ nhỏ vừa treo mấy áo sờn”.

Tư tưởng “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” không phải là khẩu hiệu, mà là phương châm sống của Hồ Chí Minh, được Người thực hành một cách nghiêm túc và triệt để. Chính vì vậy, Người có thể cảm hóa, thuyết phục và dẫn dắt cả một dân tộc bằng uy tín đạo đức chứ không bằng quyền lực hành chính.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phòng làm việc ở căn cứ Việt Bắc. Ảnh tư liệu

Tư tưởng Hồ Chí Minh không phải là một hệ thống khô cứng mà là một dòng chảy sống động, kết tinh từ nhiều nguồn: chủ nghĩa yêu nước, truyền thống văn hóa Việt Nam, tinh thần nhân văn phương Đông, tư tưởng dân chủ phương Tây.

Quan điểm “lấy dân làm gốc” xuyên suốt trong tư tưởng và hành động của Người. Với Hồ Chí Minh, Nhân dân không phải là khái niệm trừu tượng mà là những con người cụ thể với cuộc sống, nỗi đau, ước mơ rất đời thường. Người từng viết: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Đó là tư tưởng vượt trước thời đại, đặt con người làm trung tâm của mọi chính sách phát triển.

Không chỉ nhìn ra bên ngoài, Hồ Chí Minh còn nhìn thẳng vào bên trong bộ máy cách mạng. Người luôn nhấn mạnh sự liêm chính, chống chủ nghĩa cá nhân, phản đối bệnh hình thức và thói quan liêu. Ngay cả khi chúng ta đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, Hồ Chí Minh vẫn căn dặn: “Chiến thắng là của Nhân dân. Cán bộ không được kiêu ngạo, xa rời dân”.

Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là dịp để tưởng nhớ công ơn trời biển của Người đối với đất nước, mà còn để hành động. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh không thể dừng lại ở các phong trào hình thức, mà cần đi vào thực chất: đổi mới tư duy quản lý, liêm chính trong công vụ, công tâm trong đánh giá, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, đặt lợi ích dân tộc, lợi ích Nhân dân lên trên hết, trước hết.

Duy Xuân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hiện thực hóa giấc mơ thương hiệu gạo Lắk
Là một trong những vựa lúa lớn của tỉnh, huyện Lắk đã xây dựng thành công nhãn hiệu gạo Lắk. Đây là tiền đề quan trọng để địa phương triển khai các bước tiếp theo nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường và nâng tầm thương hiệu gạo Lắk.