Multimedia Đọc Báo in

Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự phát triển của giới công - thương

16:34, 25/10/2023

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: doanh nhân là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và “Công - Thương cứu quốc đoàn” là một thành viên của Mặt trận Việt Minh. Trong suốt tiến trình cách mạng, đội ngũ doanh nhân Việt Nam không ngừng lớn mạnh, phát triển, đã và đang trở thành lực lượng xung kích trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Ngày 18/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành thời gian gặp gỡ các doanh nghiệp và doanh nhân nhằm tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ đối với việc khôi phục, phát triển kinh tế đất nước.

Ngày 13/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh có “Thư gửi các giới công - thương Việt Nam”. Bức thư chưa đầy 200 chữ là sự cổ vũ lớn lao để giới công - thương vượt qua những khó khăn trước mắt, cùng toàn dân tham gia công cuộc bảo vệ và kiến thiết đất nước trong những năm tháng chiến tranh. Nội dung thư ngắn gọn, lời lẽ chân thành, giản dị, thể hiện rõ tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vị trí, vai trò quan trọng của giới công - thương; về trách nhiệm của các cơ quan công quyền đối với sự phát triển của giới công - thương, cùng với tư tưởng về khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân, nhằm phát huy cao nhất tinh thần yêu nước và đóng góp tích cực của giới công - thương vào nhiệm vụ kháng chiến, kiến quốc của dân tộc.

Không chỉ khẳng định vai trò của giới công - thương, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn trực tiếp giao nhiệm vụ cho họ: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà, thì giới công - thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng”. Có thể thấy, trong tư tưởng Hồ Chí Minh, giới công - thương Việt Nam không chỉ có tinh thần yêu nước; có khả năng, tiềm lực về tài chính mà ở họ còn có bản lĩnh kinh doanh, sự nhanh nhạy trong làm ăn kinh tế. Vì thế, “xây dựng một kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng” không chỉ là bổn phận, trách nhiệm mà còn là nghĩa vụ của giới công - thương đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ giới công - thương Hà Nội trong “Tuần lễ Vàng” ngày 18/9/1945 tại Bắc Bộ phủ. Ảnh tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng xác định trách nhiệm của các cơ quan công quyền đối với sự phát triển của giới công - thương. Người chỉ rõ: “Chính phủ nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới công - thương trong công cuộc kiến thiết này”. Đồng thời, Người chỉ ra mối quan hệ cũng như sự đánh giá kết quả, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của giới công - thương gắn với sự phát triển của nền kinh tế đất nước, “Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng”. Xác định việc nước, việc nhà phải đi đôi với nhau, đó là lời dạy rất quan trọng của Bác đối với doanh nhân trong sự nghiệp làm giàu, trong việc phụng sự đất nước, phụng sự nhân dân, là yêu cầu cơ bản của đạo đức, văn hóa kinh doanh và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Trong bức thư, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ dành sự trân trọng khi viết “cùng các ngài trong giới công - thương”, mà Người còn rất vui mừng vì “được tin giới công - thương đã đoàn kết lại thành “Công - Thương cứu quốc đoàn” và gia nhập vào Mặt trận Việt Minh”. Theo lời Người, thì tổ chức “Công - Thương cứu quốc đoàn” đương hoạt động để làm nhiều việc ích quốc lợi dân, nên Người rất hoan nghênh và mong đợi tổ chức này ngày càng đạt nhiều kết quả tốt.

Trong bài viết “Toàn dân kháng chiến” đăng trên Báo Cứu quốc ngày 5/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục đề nghị “Các nhà giàu có mau mau góp vốn lại mở các công ty kinh doanh công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp, tài chính, giao thông để tích cực tăng gia sinh sản, lưu thông buôn bán”. Trong Lời kêu gọi thi đua ái quốc, Người đề nghị “Đồng bào phú hào thi đua mở mang doanh nghiệp”...

Có thể thấy, xuyên suốt, nhất quán trong tư tưởng Hồ Chí Minh là tinh thần nước giàu, dân mạnh gắn bó chặt chẽ với việc phát triển nền kinh tế của quốc gia; và đó cũng là nhiệm vụ của ngành công thương nói riêng, doanh nghiệp và doanh nhân nói chung. Vì thế, hoạt động của ngành công thương có mối quan hệ chặt chẽ với sự hưng thịnh của nền kinh tế quốc dân; trong đó, sản xuất, kinh doanh tốt, có lãi không chỉ góp phần tạo việc làm cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội… mà còn cho thấy ngành công thương phát triển thịnh vượng thì đất nước phát triển giàu mạnh.

Nguyễn Cẩm


Ý kiến bạn đọc