Multimedia Đọc Báo in

Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 66 và Nghị quyết số 68 của Bộ Chính trị

13:28, 18/05/2025

Sáng 18/5, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW, ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết số 68-NQ/TW, ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân (KTTN).

Tổng Bí thư Tô Lâm dự và chỉ đạo hội nghị.

Tham dự hội nghị có Chủ tịch nước Lương Cường; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Cùng dự còn có nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (tại điểm cầu tỉnh Bình Dương); nguyên chủ tịch nước Trương Tấn Sang (tại điểm cầu tỉnh Long An); nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng (tại điểm cầu Thành phố Hồ Chí Minh); nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú; các Ủy viên, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương Đảng; các đảng ủy trực thuộc Trung ương; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương. 

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: TTXVN
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: TTXVN

Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến tới 37.000 điểm cầu trong cả nước với trên 1,5 triệu đại biểu tham dự.

Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk có đồng chí Huỳnh Thị Chiến Hòa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí nguyên lãnh đạo Trung ương, nguyên Thường trực Tỉnh ủy, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk, Đắk Nông; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, sở, ban, ngành, đoàn thể, các hiệp hội doanh nghiệp tỉnh.

Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình thăm các gian trưng bày sản phẩm của các doanh nghiệp tư nhân. Ảnh: VGP
Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình thăm các gian trưng bày sản phẩm của các doanh nghiệp tư nhân. Ảnh: VGP

Trước khi diễn ra hội nghị, tại điểm cầu chính Nhà Quốc hội, các đại biểu tham quan triển lãm “Những thành tựu trong xây dựng và thực thi pháp luật” và “Những thành tựu trong phát triển kinh tế tư nhân và các gian hàng trưng bày sản phẩm của các doanh nghiệp tư nhân”.

Tại hội nghị, các đại biểu được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính quán triệt Chuyên đề “Nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 68-NQ/TW, ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển KTTN và kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW”.

Thủ tướng khẳng định, việc ban hành Nghị quyết 68/NQ-TW là một bước tiến đột phá về tư duy phát triển, trở thành một “cuộc cách mạng về tư duy và thể chế” cho KTTN, tạo lập và củng cố niềm tin, thúc đẩy KTTN vươn lên, bứt phá, đóng góp cho đất nước.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội dự hội nghị. Ảnh: VGP
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội dự hội nghị. Ảnh: VGP

Nghị quyết đặt ra mục tiêu tầm nhìn đến năm 2045, KTTN Việt Nam phát triển nhanh, mạnh, bền vững, chủ động tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu; có năng lực cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế; phấn đấu đến năm 2045 có ít nhất 3 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế; đóng góp khoảng trên 60% GDP.

Nghị quyết đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm giải quyết những vấn đề quan trọng, cấp bách nhất đối với phát triển KTTN hiện nay. Chính phủ cũng đã ban hành Kế hoạch hành động kèm theo Nghị quyết số 138/NQ-CP ngày 16/5/2025 của Chính phủ nhằm cụ thể hoá, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhóm nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Thủ tướng Phạm Minh Chính quán triệt nội dung chính của Nghị quyết số 68-NQ/TW. Ảnh:
Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính quán triệt nội dung chính của Nghị quyết số 68-NQ/TW. Ảnh: VGP

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn quán triệt Chuyên đề “Nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 66-NQ/TW, ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW”.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định, việc ban hành Nghị quyết 66-NQ/TW là đòi hỏi khách quan của tiến trình đổi mới, nhằm tạo đột phá nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên mới vươn mình giàu mạnh, thịnh vượng của đất nước.

Nghị quyết số 66 đặt ra mục tiêu trung hạn và dài hạn cho công tác xây dựng và thi hành pháp luật, bám sát yêu cầu và mốc thời gian thực hiện 2 mục tiêu chiến lược 100 năm mà Đảng ta đã đề ra; xác định 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện trong thời gian tới.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thành Mẫn quán triệt nọi dung chính của Nghị quyết số 66-NQ/TW. Ảnh:
Chủ tịch Quốc hội Trần Thành Mẫn quán triệt nọi dung chính của Nghị quyết số 66-NQ/TW. Ảnh: VGP

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: Sau gần 40 năm kiên trì thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước ta đã đạt những thành tựu to lớn, có thể nói là những thành tựu vĩ đại. Đến thời điểm hiện nay có thể gọi 4 Nghị quyết của Bộ chính trị gồm: Nghị quyết 57 thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, Nghị quyết 59 về chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, Nghị quyết 66 và Nghị quyết 68 là “Bộ tứ trụ cột” để giúp chúng ta cất cánh.

Điểm đột phá chung của cả 4 nghị quyết là tư duy phát triển mới: từ “quản lý” sang “phục vụ”, từ “bảo hộ” sang “cạnh tranh sáng tạo”, từ “hội nhập bị động” sang “hội nhập chủ động”, từ “cải cách phân tán” sang “đột phá toàn diện, đồng bộ và sâu sắc”.

Đây là bước chuyển tư duy căn bản, kế thừa thành tựu đổi mới 40 năm qua và phù hợp với xu thế toàn cầu trong kỷ nguyên số.

Các đại biểu tham dự hội nghị tạo điểm cầu tỉnh Đắk Lắk.
Các đại biểu tham dự hội nghị tạo điểm cầu tỉnh Đắk Lắk.

Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ những nhiệm vụ trọng tâm trong 5 năm tới (2025 - 2030) gồm: Hoàn thiện thể chế pháp luật hiện đại, đồng bộ, thúc đẩy phát triển; Đột phá trong khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; Tăng tốc hội nhập quốc tế toàn diện, chủ động, hiệu quả; Phát triển khu vực kinh tế tư nhân thực chất, trở thành “một động lực quan trọng nhất” của nền kinh tế quốc gia.

Nhấn mạnh năm 2025 là năm bản lề mở ra kỷ nguyên mới, Tổng Bí thư đề nghị toàn hệ thống chính trị khẩn trương thực hiện 8 nhiệm vụ trọng tâm: nhanh chóng hoàn thiện và ban hành các chương trình, kế hoạch hành động quốc gia thực hiện 4 nghị quyết; khẩn trương rà soát toàn diện hệ thống pháp luật; khởi động ngay các chương trình trọng điểm về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; tập trung đàm phán, thực thi hiệu quả các FTA thế hệ mới, chủ động chuẩn bị tham gia các hiệp định mới; thực hiện đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; kiện toàn bộ máy lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp thực hiện các nghị quyết; ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực để triển khai nghị quyết; đẩy mạnh truyền thông, tạo đồng thuận xã hội.

Các đại biểu điểm cầu tỉnh Đắk Lắk nghe quán triệt các nội dung nghị quyết.
Các đại biểu điểm cầu tỉnh Đắk Lắk nghe quán triệt các nội dung nghị quyết.

Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình; chủ động, sáng tạo, đoàn kết thi đua yêu nước, quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và nâng cao đời sống nhân dân, làm cho nhân dân có đời sống thực sự ngày một tốt hơn. Mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân Việt Nam phải trở thành chiến sĩ tiên phong trên mặt trận phát triển đất nước.

Lãnh đạo các cấp, từ Trung ương đến địa phương, phải gương mẫu, tiên phong trong đổi mới tư duy và hành động; dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích quốc gia, thậm chí dám hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung. Các chương trình hành động phải được triển khai quyết liệt, bài bản, lấy hiệu quả thực tế làm thước đo năng lực và kết quả công tác. Tiếp tục kiến nghị, đề xuất để xây dựng những nghị quyết mới theo phương châm “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân” như Bác Hồ từng dạy. Người dân và doanh nghiệp phải được xác định là trung tâm và chủ thể sáng tạo trong phát triển.

Mỗi cấp ủy, chính quyền, tổ chức, cá nhân cần xác định rõ trách nhiệm của mình, biến cam kết chính trị thành kết quả cụ thể, thiết thực.

Tổng Bí thư Tô Lâm kêu gọi hãy cùng nhau thắp lên ngọn lửa Đổi mới - Khát vọng - Hành động, vì một Việt Nam giàu mạnh, phồn vinh, hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu vào năm 2045.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc