Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội khóa XV
Cần đảm bảo chính sách giảm thuế thực sự đến tay người tiêu dùng
Chiều 28/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết giảm thuế giá trị gia tăng.
Nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết, tiếp tục áp dụng chính sách giảm thuế giá trị gia tăng cho 6 tháng cuối năm 2025 và cả năm 2026, đại biểu nêu rõ, trước bối cảnh nền kinh tế trong nước đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, kinh tế thế giới có nhiều biến động không lường trước được, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng được coi là một trong những chính sách tài khóa có hiệu lực ngay trong việc kích thích tiêu dùng.
Đại biểu phân tích, thuế giá trị gia tăng tác động tới tất cả tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, tác động đến cả hoạt động sản xuất - lưu thông - tiêu dùng, có nghĩa là tác động cả đầu vào lẫn đầu ra của hoạt động kinh tế nên việc giảm thuế giá trị gia tăng tác động ngay tới toàn xã hội.
![]() |
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung thảo luận. Ảnh: quochoi.vn |
Việc giảm thuế lần này đặc biệt có ý nghĩa khi thời gian tới chuẩn bị đại hội đảng các cấp và tổ chức chính quyền địa phương hai cấp. Ban Chấp hành khóa mới sẽ là lực lượng tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2025 - 2030.
Đại biểu nhấn mạnh, việc giảm thuế giá trị gia tăng cũng như liều thuốc kích thích hoạt động sản xuất kinh doanh là sự động viên của Đảng, Nhà nước với người dân và doanh nghiệp khi bắt tay vào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tới, tiến tới hoàn thành Chiến lược phát triển kinh tế giai đoạn 2021 - 2030.
Về thời gian áp dụng, đại biểu đánh giá cao việc Chính phủ đề xuất kéo dài thời gian giảm thuế giá trị gia tăng từ 1/7/2025 đến hết năm 2026 - thời gian giảm thuế gấp 3 lần so với các năm trước đây là hết sức có ý nghĩa.
Đặc biệt, đại biểu đồng tình với việc mở rộng đối tượng được giảm thuế giá trị gia tăng, bổ sung thêm một số nhóm hàng hóa, dịch vụ như: sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin; sản phẩm kim loại đúc sẵn và cả xăng dầu - vốn thuộc nhóm chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi ngay từ việc giảm giá hàng hóa, dịch vụ; doanh nghiệp được giảm chi phí đầu vào, giảm giá thành sản phẩm, qua đó tăng sức cạnh tranh và mở rộng hoạt động.
![]() |
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu. Ảnh: quochoi.vn |
Một số ý kiến đề nghị cần đảm bảo chính sách giảm thuế thực sự đến tay người tiêu dùng chứ không bị giữ lại ở khâu trung gian. Trên thực tế, không ít trường hợp doanh nghiệp được giảm thuế đầu ra nhưng không giảm giá bán làm cho người tiêu dùng không được hưởng lợi từ chính sách. Nếu không kiểm soát tốt, chính sách giảm thuế có thể trở thành hình thức, hỗ trợ không hiệu quả.
Đại biểu đề nghị Chính phủ tăng cường cơ chế theo dõi, kiểm soát giá bán trên thị trường đối với các mặt hàng thiết yếu, nằm trong danh mục giảm thuế để đảm bảo chính sách đúng mục tiêu là hỗ trợ người dân và kích cầu tiêu dùng. Đồng thời đề nghị đưa vào Nghị quyết về trách nhiệm của cơ quan thu và cơ quan hoàn thuế giá trị gia tăng.
Ghi nhận và giải trình ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, trong trường hợp hoàn thuế sau, sau khi kiểm tra chứng từ, theo quy định của pháp luật tối đa là 40 ngày các cơ quan có nghĩa vụ hoàn thuế cho doanh nghiệp (có trường hợp thời gian dài hơn). Bộ trưởng nêu rõ, thời gian tới, các cơ quan sẽ có chương trình đảm bảo thời gian hoàn thuế sớm nhất có thể cho các doanh nghiệp.
Cũng trong phiên làm việc chiều nay, Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 71/2022/QH15 của Quốc hội.
Lan Anh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc