Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội khóa XV:
Đề nghị hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi cho hộ dân tộc thiểu số khi xử lý rủi ro trong tín dụng
Chiều 20/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội khóa XV, các đại biểu thảo luận tại tổ về các dự án: Bộ luật Hình sự (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng.
Thảo luận tại Tổ 13, dưới sự điều hành của Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Đoàn ĐBQH của các tỉnh: Đắk Lắk, Hậu Giang, Bắc Ninh, Lào Cai đã có nhiều ý kiến đóng góp về nội dung của các dự thảo luật này.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu thống nhất với sự cần thiết của việc xây dựng các dự án luật; đồng thời đề cập đến nhiều nội dung liên quan đến dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi) như: cần làm rõ, phân định rõ những hành vi được quy định trong vấn đề quản lý khai thác khoáng sản; xác định rõ giữa trách nhiệm dân sự, trách nhiệm hành chính và trách nhiệm hình sự để tạo thuận lợi khi áp dụng trong thực tiễn…
Về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, đại biểu đề nghị cần có quy định thêm một số vấn đề liên quan đến việc số hóa hồ sơ vụ án; quy định về vấn đề dẫn độ …
![]() |
Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thị Thu Nguyệt chủ trì phiên thảo luận tại Tổ 13. |
Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, các đại biểu đã đề xuất nhiều vấn đề liên quan đến cơ chế kiểm soát, mở rộng các đối tượng được tiếp cận tín dụng; vấn đề hoàn trả, xác định trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương, cơ sở; tài sản bảo đảm… đây đều là những vấn đề đang diễn ra trong thực tiễn và còn có những vướng mắc, bất cập cần tháo gỡ kịp thời.
Đóng góp ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, đại biểu Lưu Văn Đức (Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Đắk Lắk) quan tâm đến việc phân cấp cho Ngân hàng Nhà nước quyết định cho vay đặc biệt được quy định tại khoản 1, Điều 1.
Đại biểu cơ bản tán thành chủ trương này để đảm bảo tính linh hoạt, kịp thời trong hoạt động tín dụng. Tuy nhiên, nội dung sửa đổi chưa quy định cơ chế kiểm soát, dễ dẫn đến áp dụng tiêu chí chung, không tính đến yếu tố đặc thù vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn; lĩnh vực nhiều rủi ro trong nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, hoặc có thể lạm quyền, cá nhân trong việc quyết định tiêu chí, lĩnh vực vay đặc biệt.
Đại biểu cho rằng, đây là những lĩnh vực, khoản vay có nguy cơ cao xảy ra nợ xấu do yếu tố khách quan, thiên tai dịch bệnh; kết quả nghiên cứu không thành công. Vì vậy, nên bổ sung thêm nội dung về cơ chế kiểm soát, thông qua Hội đồng thẩm định trước khi quyết định tiêu chí, lĩnh vực cho vay đặc biệt, có đại diện của Bộ Dân tộc và Tôn giáo, Bộ Tài chính, đại diện các tổ chức ngân hàng; bổ sung thêm lĩnh vực ưu tiên cho vay đặc biệt là: “ưu tiên lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; dự án đầu tư cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), vùng DTTS và miền núi”.
Đối với quyền thu giữ tài sản bảo đảm được quy định tại khoản 2, Điều 1, đại biểu cho rằng, việc thông báo thu giữ bất động sản nên nghiên cứu, bổ sung thêm cho phù hợp với vùng đồng bào DTTS và miền núi có địa hình phức tạp, đi lại khó khăn, đồng bào DTTS ở một số nơi không đọc được chữ phổ thông.
Vì vậy, để tránh xảy ra kiện tụng, gây phức tạp trong việc thu hồi tài sản đảm bảo, đề nghị nghiên cứu, bổ sung thêm trường hợp: “đối với tài sản thuộc sở hữu của đồng bào DTTS, ở vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn cho phép kéo dài thời gian thông báo đến 30 ngày và dịch sang tiếng dân tộc (nếu có thể); UBND cấp xã có trách nhiệm giải thích nội dung thông báo cho đồng bào DTTS”.
Về gửi thư thông báo cho bên bảo đảm, người đang giữ tài sản bảo đảm, nên bổ sung thêm hình thức thông báo bằng thư gửi bảo đảm, kể cả trường hợp thay đổi địa chỉ. Đại biểu lý giải, nhiều nơi khu vực nông thôn, miền núi, người dân không có thói quen, hoặc không được tiếp cận thuận lợi với công nghệ thông tin. Việc bổ sung này sẽ khắc phục được các lỗi kỹ thuật, khách quan mà thông tin công khai không đến được với bên bảo đảm.
![]() |
Đại biểu Lưu Văn Đức (Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Đắk Lắk) đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận. |
Liên quan đến nội dung thông báo thu giữ tài sản bảo đảm là động sản, đại biểu cho rằng, nội dung điểm này chưa có quy định về định giá tài sản bảo đảm là động sản của đồng bào DTTS, vùng DTTS và miền núi. Khi triển khai thực hiện, có thể sẽ dẫn đến việc định giá không phù hợp với giá trị thực tế như: trâu, bò, rừng…
Để không thiệt hại cho đồng bào, tránh xảy ra phực tạp, kiện tụng, đại biểu đề nghị bổ sung thêm quy định: “đối với tài sản này thuộc sở hữu của hộ nghèo, đồng bào DTTS, đồng bào ở vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, khi định giá cần phải có sự tham gia của Hội đồng thẩm định giá cấp xã, hoặc cộng đồng, tổ, nhóm dân cư”.
Về nội dung quy định tại khoản 6, Điều 198a cho phép tổ chức tín dụng ủy quyền thu giữ tài sản cho công ty quản lý nợ, đại biểu Lưu Văn Đức cho rằng, đối với tổ chức được ủy quyền thu giữ tài sản ở vùng DTTS và miền núi cần am hiểu về phong tục tập quán, xung đột văn hóa của đồng bào, nghiêm cấm sử dụng biện pháp cưỡng chế trái pháp luật, hoặc gây mất trật tự, an ninh.
Vì nhiều tài sản ở vùng này gắn với phong tục truyền thống, vật dụng thiêng, đất rừng gắn với tín ngưỡng… Nếu những hoạt động thu giữ tài sản này không tìm hiểu kỹ, tham khảo, thuyết phục người già, người có uy tín sẽ dẫn đến nhiều phức tạp, mâu thuẫn, xung đột.
Bên cạnh đó, đại biểu Lưu Văn Đức cũng đề nghị bổ sung thêm nội dung về hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi cho hộ đồng bào DTTS vùng DTTS và miền núi. Đại biểu nêu rõ, thực tế thời gian qua, nhiều hộ nghèo, cận nghèo ở miền núi bị thiên tai, dịch bệnh… ảnh hưởng rất nhiều đến sản xuất đời sồng, tài sản của đồng bào.
Vì vậy, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, không ai bị bỏ lại phía sau, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung thêm Điều 198d nội dung: “Đối với khoản nợ xấu của đồng bào DTTS, vùng DTTS và miền núi, tổ chức tín dụng phải xem xét gia hạn trả nợ, giảm lãi suất nếu nguyên nhân vỡ nợ do thiên tai, dịch bệnh, hoặc rủi ro do khách quan; trường hợp là đất ở, nhà ở duy nhất đề nghị báo cáo với Ngân hàng Nhà nước để quyết định đối với khoản vay đặc biệt, có thể áp dụng lãi suất bằng 0%”…
Lan Anh
Ý kiến bạn đọc