Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội khóa XV:
Đề xuất nghiên cứu mức trần miễn, hỗ trợ học phí đối với các địa phương chưa tự chủ ngân sách
Chiều 22/5, Quốc hội tiến hành thảo luận tổ về dự thảo Nghị quyết miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Đóng góp ý kiến thảo luận, các đại biểu thống nhất cao với việc ban hành dự thảo nghị quyết; đồng thời nhấn mạnh mục tiêu và ý nghĩa nhân văn của chính sách đã thể hiện được tính ưu việt: mọi trẻ em, học sinh đều không bị gặp rào cản về tài chính khi đến trường. Việc miễn học phí rộng rãi sẽ giảm gánh nặng chi phí cho nhiều gia đình, khuyến khích những học sinh có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục đi học, qua đó nâng cao mặt bằng học vấn và nguồn nhân lực trong tương lai.
Tuy nhiên, để chính sách quy định tại Điều 2 được triển khai hiệu quả và công bằng, đại biểu đề nghị cần bổ sung, làm rõ về mức độ và cơ chế “hỗ trợ học phí” đối với cơ sở ngoài công lập.
![]() |
Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ 13. Ảnh: quochoi.vn |
Theo đại biểu, dự thảo mới dừng ở nguyên tắc hỗ trợ, nhưng chưa nêu chi tiết hỗ trợ mức nào và bằng hình thức gì. Nếu Nhà nước hỗ trợ, có thể hiểu là ngân sách sẽ cấp một khoản tiền để bù đắp một phần hoặc toàn bộ học phí mà lẽ ra học sinh phải đóng cho trường tư thục, dân lập. Trong thực tế, học phí tại các cơ sở ngoài công lập rất đa dạng và cao so với cơ sở giáo dục công lập.
Do vậy, để đảm bảo công bằng và hiệu quả ngân sách, trong Nghị quyết nên giao Chính phủ quy định rõ mức hỗ trợ học phí cho học sinh ngoài công lập. Có thể quy định mức hỗ trợ không thấp hơn mức trần học phí công lập tại địa phương hoặc mức ngân sách Nhà nước chi bình quân cho một học sinh công lập…
Tham gia thảo luận tại Tổ 13, đại biểu Y Vinh Tơr (Thứ trưởng, Bộ Dân tộc và Tôn giáo, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk) đánh giá cao chính sách miễn, hỗ trợ học phí cho cả học sinh trong các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập. Đây cũng là một bước tiến rất lớn, vượt trội, mạnh hơn, cụ thể hơn so với Nghị định 81 và một số chính sách khác liên quan, thể hiện sự công bằng trong giáo dục và khuyến khích xã hội hóa giáo dục.
![]() |
Đại biểu Y Vinh Tơr (Thứ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk) thảo luận tại Tổ 13. Ảnh: quochoi.vn |
Đại biểu cũng đề nghị cơ quan thẩm định cần phải đánh giá chính xác nguồn lực của ngân sách nhà nước đảm bảo đủ để có thể thực hiện liên tục, nhất là đối với các địa phương còn nhiều khó khăn, chưa cân đối được ngân sách, còn đang phụ thuộc ngân sách trung ương thì cần nghiên cứu mức trần hỗ trợ nhất định để đảm bảo công bằng.
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị, chính sách hỗ trợ đặc thù học sinh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng khó khăn thì ngoài miễn, hỗ trợ học phí cũng phải cần tính đến chính sách hỗ trợ về chi phí về ăn ở, một số chi phí về hỗ trợ học tập.
Ngoài ra, đại biểu cũng đề xuất cần có thêm các cơ chế, chính sách hỗ trợ giáo viên đến giảng dạy tại các điểm trường ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn như ưu đãi về lương, phụ cấp, hoặc đối với những trường hợp ở xa nhà thì cần bố trí nhà ở công vụ để đảm bảo ổn định đời sống, đồng thời thu hút, khuyến khích đội ngũ giáo viên về công tác ở những lĩnh vực, địa bàn này…
Tại phiên thảo luận tổ, các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến vào các dự thảo nghị quyết: Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi; kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp được quy định tại Nghị quyết số 55/2010/QH12 của Quốc hội về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 28/2016/QH14 và Nghị quyết số 107/2020/QH14.
Lan Anh
Ý kiến bạn đọc