Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội khóa XV:

Đề xuất thí điểm Viện Kiểm sát nhân dân khởi kiện vụ án dân sự nhằm bảo vệ lợi ích công và nhóm dễ bị tổn thương

20:21, 19/05/2025

Chiều ngày 19/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội xem xét tờ trình và báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về việc thí điểm Viện KSND khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công.

Trình bày tờ trình, Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Huy Tiến cho biết, bảo vệ nhóm người dễ bị tổn thương (trẻ em, người cao tuổi, khuyết tật, mất năng lực hành vi dân sự, phụ nữ mang thai hoặc nuôi con nhỏ, người dân tộc thiểu số) và bảo vệ lợi ích công là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, thể hiện bản chất ưu việt của Nhà nước xã hội chủ nghĩa, luôn được Đảng, Nhà nước rất quan tâm.

Tuy nhiên về trách nhiệm, vai trò khởi kiện của các cơ quan, tổ chức, cá nhân chưa thực sự hiệu quả; còn xảy ra vụ việc dân sự xâm hại các quyền dân sự của chủ thể thuộc nhóm dễ bị tổn thương và lợi ích công nhưng chưa rõ chủ thể được giao thực hiện việc khởi kiện hoặc chưa được các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm thực sự quan tâm, chủ động yêu cầu khởi kiện.

Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Huy Tiến trình bày tờ trình. Ảnh: quochoi.vn
Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Huy Tiến trình bày tờ trình. Ảnh: quochoi.vn

Thực trạng này có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là pháp luật chưa quy định cụ thể cơ chế bảo đảm cho các cơ quan, tổ chức khởi kiện, Viện KSND chưa được thực hiện quyền khởi kiện vụ án dân sự.

Do vậy, cùng với các cơ chế hiện có, Kết luận số 120-KL/TW ngày 22/1/2025 của Bộ Chính trị đã giao cho Viện KSND tối cao xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm Viện KSND khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công để trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Dự thảo Nghị quyết gồm 4 Chương, 19 Điều, trong đó quy định Viện KSND khởi kiện vụ án dân sự công ích trong trường hợp không có người khởi kiện để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công và việc bảo đảm quyền khởi kiện của Viện KSND, cùng như quy định trình tự, thủ tục giải quyết vụ án dân sự công ích.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn

Về tổ chức thực hiện, dự thảo Nghị quyết quy định về hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2026 và thí điểm trong 3 năm, tại 6 tỉnh, thành phố sau sáp nhập (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ninh, Đắk Lắk). Viện KSND tối cao sẽ tổ chức, bố trí, sắp xếp sử dụng nguồn lực hiện có, không làm phát sinh thêm biên chế và tổ chức bộ máy mới.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, nội dung dự thảo Nghị quyết bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính khả thi; cơ bản thống nhất với các luật có liên quan.

Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tán thành với phạm vi thực hiện thí điểm tại 6 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương với phạm vi như sau khi thực hiện sắp xếp, sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh; nhất trí thời điểm dự kiến có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2026 và thời gian thực hiện thí điểm trong 3 năm là phù hợp.

Đại biểu tham dự phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu tham dự phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn

Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, chỉnh lý các nội dung khác trong dự thảo Nghị quyết nhằm bảo đảm tính thống nhất với Bộ luật Tố tụng dân sự và các văn bản pháp luật có liên quan, nhất là các luật cùng được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới tại Kỳ họp thứ Chín.

Cũng trong phiên làm việc chiều nay, các đại biểu đã thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện KSND.

Lan Anh (tổng hợp)
 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Đa dạng sinh kế để giảm nghèo bền vững
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai, nhân rộng nhiều mô hình phát triển sản xuất phù hợp với nhu cầu canh tác và thế mạnh của từng địa phương. Từ đó, giúp người dân giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống, tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản.