Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội khóa XV:
Hoàn thiện cơ sở pháp lý bảo vệ dữ liệu cá nhân trong thời đại số
Sáng 24/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Tham gia thảo luận, các đại biểu nhất trí cao với sự cần thiết ban hành luật này. Việc hoàn thiện luật là một bước tiến quan trọng trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ quyền con người, quyền cá nhân, cũng như yêu cầu chuyển đổi số ở Việt Nam...
Góp ý về việc phân biệt giữa dữ liệu cá nhân cơ bản và dữ liệu cá nhân nhạy cảm, đại biểu cho rằng, việc dự thảo Luật phân biệt các loại dữ liệu cá nhân, bao gồm dữ liệu cá nhân cơ bản và dữ liệu cá nhân nhạy cảm là hết sức cần thiết vì dữ liệu nhạy cảm đòi hỏi các biện pháp bảo vệ chặt chẽ hơn.
![]() |
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp. Ảnh: quochoi.vn |
Đại biểu nêu rõ, theo quy định của dự thảo thì việc bảo vệ dữ liệu cá nhân trong lĩnh vực sức khỏe, bảo hiểm, tài chính, ngân hàng phải áp dụng quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân nhạy cảm. Theo kinh nghiệm của nhiều nước, dữ liệu cá nhân nhạy cảm là nội dung quan trọng, liên quan đến quyền của các cá nhân, nên luật các nước thường quy định một số những dữ liệu cá nhân nhạy cảm ngay trong luật.
Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo có thể quy định một số loại cơ bản ngay trong luật, còn những thông tin khác giao Chính phủ quy định, bổ sung thêm phù hợp với yêu cầu của từng thời kỳ.
Bên cạnh đó, các đại biểu đề xuất bổ sung các quy định nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý bảo vệ dữ liệu cá nhân trong thời đại số, trong đó có các nhóm yếu thế trong xã hội - như người khuyết tật, người già, dân tộc thiểu số, người không biết chữ, vốn dễ bị xâm phạm dữ liệu cá nhân mà không đủ khả năng tự bảo vệ.
Đại biểu đề nghị bổ sung một điều luật riêng quy định về xử lý dữ liệu cá nhân đối với nhóm yếu thế. Trong đó cần bắt buộc có sự đồng ý từ người đại diện hợp pháp, trình bày thông tin bằng hình thức dễ hiểu, ngôn ngữ phù hợp và có trợ giúp kỹ thuật nếu cần thiết.
Các đại biểu cũng quan tâm đến việc ngăn chặn việc lộ, lọt thông tin dữ liệu cá nhân, các hoạt động mua bán dữ liệu trái phép ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
![]() |
Đại biểu tham dự phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn |
Đại biểu nêu thực tế, thời gian qua, hiện tượng lộ lọt dữ liệu cá nhân đang diễn ra ngày càng phổ biến và tinh vi. Những thông tin như số điện thoại, địa chỉ email đến thông tin về tài khoản ngân hàng, hồ sơ y tế đều có thể bị thu thập, mua bán, sử dụng một cách trái phép. Hệ quả là các hành vi lừa đảo qua mạng bùng phát mạnh mẽ, dù các cơ quan chức năng đã rất nỗ lực trong công tác tuyên truyền và đấu tranh với loại tội phạm này.
Do vậy, việc hoàn thiện các quy định pháp luật là hết sức cấp thiết nhằm khắc phục khoảng trống pháp lý và tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, bảo vệ quyền con người trong không gian số và thúc đẩy phát triển kinh tế số một cách an toàn, bền vững.
Giải trình làm rõ các ý kiến đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang nhấn mạnh, mục tiêu của luật phải điều chỉnh được các vấn đề xâm phạm dữ liệu cá nhân đang nhức nhối trong thực tiễn. Đồng thời, cũng mang tính dự báo, bao quát các công nghệ mới để bảo vệ dữ liệu cá nhân toàn diện nhất.
![]() |
Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang giải trình lãm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: quochoi.vn |
Bộ trưởng cho biết: Thực tế trong các vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản với quy mô lớn mà thời gian qua mà lực lượng Công an đã đấu tranh và triệt phá thì yếu tố lộ, lọt, mua bán dữ liệu cá nhân là nguyên nhân chính khiến các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội.
Dữ liệu cá nhân được mua bán như hàng hóa với số lượng rất lớn, bán nhiều lần cho nhiều đối tượng để phân tích, khai thác, xây dựng kịch bản lừa đảo và tiếp cận nạn nhân chính xác, dễ dàng.
Cũng theo Bộ trưởng, nhiều tổ chức thiếu quy định, chính sách quản lý chưa chặt chẽ, phân quyền xử lý dữ liệu cá nhân đã dẫn đến nhân viên lấy thông tin khách hàng với tính chính xác rất cao, cập nhật theo thời gian để bán cho các đối tượng lừa đảo, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, viễn thông, điện lực, bảo hiểm, vận chuyển giao hàng.
Nếu không quy định cấm mua bán dữ liệu cá nhân như hàng hóa thông thường và không có chế tài xử lý nghiêm minh thì thực tiễn sẽ phát sinh rất nhiều phương thức, thủ đoạn để hình thành chợ đen dữ liệu cá nhân, gây hậu quả thiệt hại rất lớn và nỗi bất an cho người dân.
Từ thực tiễn công tác đấu tranh với hành vi xâm phạm dữ liệu cá nhân, Chính phủ đã trình Quốc hội dự thảo luật quy định các hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến dữ liệu cá nhân, trong đó có mua bán dữ liệu cá nhân. Bên cạnh đó, Dự thảo luật đã bổ sung, chỉnh lý để điều chỉnh hoạt động cho thuê, mượn dữ liệu cá nhân để thực hiện hành vi trái pháp luật.
Cũng trong phiên làm việc buổi sáng, các đại biểu xem xét, đánh giá các tờ trình, báo cáo thẩm tra dự án Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù; dự án Luật Dẫn độ và thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội.
Lan Anh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc