Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội khóa XV:

Làm rõ cơ chế giám sát, phối hợp, kiểm tra giữa Tòa án nhân dân cấp tỉnh và cấp khu vực

14:44, 19/05/2025

Sáng 19/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội khóa XV, các đại biểu thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân.

Đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu cơ bản đồng thuận với những nội dung được nêu trong dự thảo luật.

Nhất trí với nội dung dự thảo luật quy định tổ chức Tòa án nhân dân (TAND) 3 cấp gồm: TAND tối cao, TAND cấp tỉnh và TAND khu vực, các đại biểu đánh giá, dự thảo luật đã phân định thẩm quyền mạnh cho TAND cấp khu vực tất cả các vụ án liên quan đến hành chính, kinh tế, dân sự, hôn nhân gia đình, tuy nhiên nội dung về hình sự chưa phân quyền triệt để.

Đại biểu đề nghị phải phân quyền cho TAND cấp khu vực được xét xử tất cả các vụ án hình sự, TAND cấp tỉnh sẽ thực hiện xét xử phúc thẩm. Và không cần thiết phải thành lập lại 3 Tòa phúc thẩm trên cơ sở giải tán 3 tòa án cấp cao.

Quan tâm đến nội dung về mối quan hệ phối hợp và chế tài kiểm tra giữa TAND cấp tỉnh và cấp khu vực (quy định từ Điều 55 đến Điều 60), đại biểu nêu rõ, dự thảo luật đã bổ sung cấp TAND khu vực thay cho TAND cấp huyện hiện hành; giữ nguyên TAND cấp tỉnh với vai trò quản lý theo địa bàn hành chính cấp tỉnh; giao quyền xét xử sơ thẩm thông thường cho TAND khu vực, quyền phúc thẩm và giám đốc thẩm cho TAND cấp tỉnh.

Đại biểu tham dự phiên làm việc. Ảnh: nhandan.vn
Đại biểu tham dự phiên làm việc. Ảnh: nhandan.vn

Tuy nhiên, cơ chế giám sát - phối hợp - kiểm tra giữa hai cấp này chưa được quy định rõ. Đại biểu cho rằng, nếu không làm rõ mối quan hệ và chế tài kiểm tra sẽ dẫn đến dễ xảy ra tình trạng quản lý chồng chéo hoặc bỏ ngỏ.

Nếu TAND tỉnh không có cơ chế kiểm tra thực chất với TAND khu vực, chất lượng xét xử tại cơ sở dễ bị bỏ ngỏ. Nếu kiểm tra thiếu ranh giới rõ ràng, có thể gây xung đột quyền lực nội bộ, ảnh hưởng đến tính độc lập xét xử.

Đồng thời, đây cũng có thể sẽ là nguyên nhân gây nên khó khăn trong điều hành, đào tạo và điều chuyển cán bộ. TAND tỉnh hiện đang là đơn vị điều phối nhân sự và đào tạo tập huấn toàn tỉnh. Nếu không rõ cơ chế điều phối với TAND khu vực, sẽ ảnh hưởng tới chất lượng nguồn nhân lực và tính thống nhất về chuyên môn.

Một khó khăn khác cũng được đại biểu nêu đó là thiếu kênh phản hồi và giám sát chéo, do vậy đề nghị bổ sung thêm một khoản vào Điều 55 (về nhiệm vụ TAND cấp tỉnh): “Thực hiện kiểm tra, thanh tra định kỳ và đột xuất đối với hoạt động xét xử, giải quyết vụ việc của TAND khu vực thuộc địa bàn; báo cáo kết quả và kiến nghị biện pháp xử lý sai phạm lên Chánh án TAND tối cao”.

Bổ sung nhiệm vụ giám sát chéo vào Điều 56 (cơ cấu TAND tỉnh): “Chánh án TAND cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức các đoàn kiểm tra định kỳ đối với TAND khu vực về hoạt động chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, thực hiện kỷ luật công vụ, báo cáo định kỳ về TAND tối cao".

Chánh án TAND tối cao Lê Minh Trí giải trình các nội dung liên quan. Ảnh: VOV

Ngoài ra, về chế tài xử lý vi phạm, đại biểu đề nghị bổ sung một khoản mới vào Điều 60 nội dung như sau: “Trường hợp phát hiện vi phạm nghiêm trọng trong xét xử, vi phạm kỷ luật công vụ, Chánh án TAND cấp tỉnh có quyền kiến nghị TAND tối cao xem xét xử lý kỷ luật hoặc thay đổi tổ chức, nhân sự tại TAND khu vực".

Góp ý vào quy định tại điểm a, khoản 4,  Điều 2 của dự thảo luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, cụ thể là về thẩm quyền và trách nhiệm giải quyết bồi thường của TAND tối cao và Tòa án Quân sự trung ương, đại biểu nêu rõ: Hiện nay, quy định tại điểm này chưa làm rõ cơ chế xác định cơ quan chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp có thiệt hại do oan sai xảy ra trong hoạt động xét xử.

Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo xem xét chỉnh lý quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 2 như sau: “TAND tối cao, Tòa án Quân sự trung ương chịu trách nhiệm giải quyết bồi thường trong phạm vi quản lý của mình, đồng thời có trách nhiệm xác định rõ cơ quan tiến hành tố tụng gây ra thiệt hại để yêu cầu thực hiện trách nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật. Trường hợp việc oan sai phát sinh do sai lầm trong hoạt động xét xử của nhiều cấp tòa án, thì trách nhiệm bồi thường được xác định theo cấp tòa án cuối cùng có hành vi trái pháp luật bị xác định là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại". 

Đối với quy định “thành lập các Tòa chuyên trách gồm Tòa Phá sản, Tòa Sở hữu trí tuệ tại một số TAND khu vực” trong dự thảo luật, đại biểu đề nghị cân nhắc quy định trên, vì thực tiễn xét xử hiện nay cho thấy số lượng vụ án trong hai lĩnh vực này là không lớn, thậm chí tại nhiều tỉnh, thành phố hầu như không phát sinh loại án này trong cả năm.

Nếu thành lập tòa chuyên trách về phá sản và sở hữu trí tuệ ở các tòa khu vực là không hợp lý, sẽ kéo theo việc bổ nhiệm thêm chức danh lãnh đạo, biên chế, trong khi hiệu suất xét xử của các tòa này trong bối cảnh hiện nay vẫn thấp.

Đại biểu đề xuất có thể bố trí thẩm phán chuyên trách trong Tòa Kinh tế hoặc Tòa Dân sự đảm nhiệm các vụ việc về phá sản hoặc sở hữu trí tuệ thay vì tổ chức thêm tòa chuyên trách sẽ phù hợp với thực tiễn hơn…

Cũng trong phiên làm việc sáng nay, các đại biểu xem xét, đánh giá các tờ trình, báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư xây dựng hai dự án đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku và Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1; việc bổ sung ngân sách chi thường xuyên (nguồn viện trợ không hoàn lại nước ngoài) năm 2025.

Lan Anh (tổng hợp)
 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Đa dạng sinh kế để giảm nghèo bền vững
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai, nhân rộng nhiều mô hình phát triển sản xuất phù hợp với nhu cầu canh tác và thế mạnh của từng địa phương. Từ đó, giúp người dân giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống, tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản.