Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội khóa XV:
Rà soát, sửa đổi quy định về hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật
Chiều 16/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL); dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 71/2022/QH15 của Quốc hội.
Tham gia thảo luận tại Tổ 13, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều ý kiến góp ý vào các dự thảo này.
Đóng góp ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân (Phó Giám đốc Công an tỉnh) cơ bản nhất trí với các nội dung của dự thảo luật. Đồng thời cho biết, qua 14 năm thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính vẫn còn phát sinh nhiều bất cập liên quan đến mức phạt tiền, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Có thể thấy mức phạt tiền tối đa trong Luật hiện hành còn thấp, chưa đủ mạnh để tạo sức răn đe và tình trạng “nhờn” luật hay cố tình vi phạm pháp luật trên lĩnh vực trật tự an toàn giao thông còn diễn ra trong một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông; đặc biệt là đối với các trường hợp vi phạm với tính chất, mức độ nghiêm trọng hoặc là các trường hợp cố tình vi phạm. Do đó đại biểu đề nghị cần điều chỉnh tăng mức phạt tiền tối đa đối với các lĩnh vực liên quan đến an ninh trật tự; giao thông, an toàn dữ liệu, an ninh mạng, an toàn thông tin, bảo vệ môi trường, khoáng sản…
Góp ý về xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản, đại biểu cho rằng không nhất thiết phải lập biên bản vi phạm hành chính, do đó đơn vị soạn thảo cần nghiên cứu chỉnh lý theo hướng: trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ mà hành vi vi phạm hành chính có quy định hình thức xử phạt cảnh cáo hoặc quy định mức tối đa của khung tiền phạt đối với hành vi đó đến 1 triệu đồng đối với cá nhân, đến 2 triệu đồng đối với tổ chức thì được xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản.
Cũng liên quan đến dự thảo luật này, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk) cho biết, tại khoản 4, Điều 1 dự thảo luật quy định “Chủ tịch UBND các cấp có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước ở địa phương, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại điểm a, b, c, d, đ, e và tại khoản 1, Điều 3 của dự thảo luật quy định “thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực ngành mình quản lý hoặc thuộc phạm vi, nội dung theo cái thẩm quyền”… đại biểu đề nghị cần bổ sung thêm “… hoặc thuộc phạm vi nội dung cuộc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán trong thời hạn thanh tra, kiểm toán”. Việc bổ sung sẽ đảm bảo dự phù hợp với quy định tại khoản 1, Điều 38 quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.
![]() |
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk) phát biểu tại phiên thảo luận. |
Tại điểm d, khoản 9, Điều 1 dự thảo luật quy định về thời hạn chuyển biên bản vi phạm hành chính, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, quy định cụ thể, rõ ràng về thời gian chuyển biên bản vi phạm hành chính cho cá nhân, tổ chức vi phạm cũng như cho người có thẩm quyền xử phạt, chứ không chỉ quy định chung chung là “kịp thời”, gây khó khăn trong xác định thời gian.
Bên cạnh đó, tại khoản 9, Điều 1 dự thảo sửa đổi, bổ sung khoản 2, Điều 59 quy định về xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính, đại biểu đề nghị chỉnh lý lại như sau: “người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 điều này tự mình hoặc tổ chức phân công người thực hiện xác minh bằng văn bản”, nhằm thể hiện việc xác minh phải bằng văn bản, góp phần đảm bảo lưu trữ, tạo cơ sở pháp lý cho người xử phạt cũng như người bị xử phạt trong các hoạt động liên quan…
Đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản QPPL, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt quan tâm đến việc sửa đổi Điều 72 quy định về điều khoản chuyển tiếp. Thống nhất với các nội dung ở dự thảo luật, tuy nhiên đại biểu nhận thấy cơ quan soạn thảo mới chỉ đề cập đến việc điều chỉnh quy định chuyển tiếp đối với văn bản QPPL cấp huyện, song các văn bản QPPL của cấp trên như các nghị quyết của Quốc hội, HĐND cấp tỉnh còn hiệu lực thi hành mà đối tượng bị chi phối, tác động điều chỉnh là cấp huyện và trong thời gian tới là cấp xã thì còn chưa được quy định cụ thể, do đó dễ gây tác động lớn đến đời sống xã hội và các lĩnh vực khi tiến hành kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện cũng như sát nhập đơn vị hành chính cấp xã…
![]() |
Đại biểu Phúc Bình Niê Kđăm (Bí thư Huyện ủy Cư Kuin) tham gia thảo luận. |
Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản QPPL, đại biểu Phúc Bình Niê Kđăm (Bí thư Huyện ủy Cư Kuin) cho rằng, tại khoản 2, Điều 57 của luật hiện hành đang quy định là “văn bản quy định chi tiết, quy định biện pháp cụ thể để tổ chức hướng dẫn thi hành văn bản đó tiếp tục có hiệu lực trong trường hợp không trái với văn bản QPPL thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung”, nhưng lại không có cơ quan nào của Nhà nước khẳng định rằng văn bản đó không trái. Người dân, doanh nghiệp khi thực hiện những văn bản dưới luật mà căn cứ ban hành văn bản đó đã hết hiệu lực thì cũng rất dè dặt và lo lắng. Đồng thời liệu cơ quan Nhà nước có vì quy định này mà chậm ban hành văn bản quy định chi tiết hay không?
Vì vậy đại biểu đề nghị, trong bất cứ trường hợp nào cơ quan Nhà nước cũng phải có trách nhiệm rà soát để công bố và văn bản công bố là cơ sở pháp lý vững chắc để người dân, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước khác yên tâm thực hiện.
Mặt khác, trong quá trình xây dựng luật, nghị quyết thì cơ quan chủ trì cũng đã rà soát các quy định hiện hành đang được áp dụng. Trên cơ sở rà soát, cơ quan đó sẽ công bố những quy định tiếp tục được áp dụng mà không phải ban hành văn bản quy định chi tiết; điều này sẽ vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp yên tâm áp dụng, vừa tiết kiệm được chi phí, thời gian xây dựng, ban hành văn bản mới, vừa thể hiện rõ được trách nhiệm của cơ quan Nhà nước.
Cùng với đó, đại biểu Phúc Bình Niê Kđăm cũng đề nghị nghiên cứu bổ sung, rà soát văn bản QPPL hiện hành trong hồ sơ thẩm định và hồ sơ thẩm tra đối với trường hợp ban hành văn bản mới theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Theo đại biểu, luật hiện hành chỉ mới quy định bản so sánh đối với văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế; thực tế hiện nay và thời gian tới cũng có nhiều vấn đề mới và xu hướng mới cần thể chế hóa theo chỉ đạo của Đảng, cũng như đáp ứng yêu cầu cấp thiết trong quá trình hội nhập thì thay bản so sánh với văn bản QPPL hiện hành cần có tài liệu này trong hồ sơ dự án, dự thảo để đại biểu có thể nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo đối với những văn bản theo trình tự, thủ tục rút gọi.
Đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo bổ sung, làm rõ trường hợp xây dựng, ban hành văn bản theo trình tự, thủ tục rút gọn thì có phải gửi phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam hay không? Vì quy trình xây dựng, ban hành văn bản theo trình tự, thủ tục rút gọn tại Điều 52, Luật Ban hành văn bản QPPL chưa thể hiện rõ vấn đề này. Trong khi đó, nếu căn cứ vào Điều 6, Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2025 thì phản biện xã hội là thủ tục bắt buộc trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản QPPL.
Tuy nhiên, theo khoản 1, Điều 51 của Luật Ban hành văn bản QPPL thì việc ban hành văn bản theo trình tự, thủ tục rút gọn được áp dụng đối với các trường hợp khẩn cấp, cấp bách phải ban hành ngay để kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Do đó, nếu gửi MTTQ để lấy ý kiến phản biện đối với các văn bản xây dựng theo quy trình rút gọn thì sẽ khó đảm bảo được tiến độ, thời gian ban hành văn bản…
![]() |
Đại biểu Ngô Trung Thành (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội) thảo luận tại phiên làm việc. |
Tham gia góp ý vào dự thảo luật này, đại biểu Ngô Trung Thành (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội) quan tâm đến việc đổi mới quy trình đối với hoạt động xây dựng luật hiện nay, đặc biệt là đối với việc chịu trách nhiệm đến cùng của cơ quan trình dự án và cơ quan thẩm tra trong việc tiếp thu, chỉnh lý dự án luật.
Đại biểu đặt vấn đề: Nếu đến giai đoạn cuối cùng, hai cơ quan này có ý kiến khác nhau thì xử lý như thế nào? Trong luật hiện hành đã quy định rõ: nếu đến cuối cùng, cơ quan trình và cơ quan thẩm tra không thống nhất quan điểm thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ là cơ quan xem xét và cho ý kiến. Tuy nhiên, trong trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội có ý kiến rất khác với ý kiến của Chính phủ thì sẽ xử lý ra sao? Dĩ nhiên, trong thực tế hiện nay, đa số các nội dung đến giai đoạn cuối cùng đều đã cơ bản được xử lý, thống nhất giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cơ quan trình (Chính phủ, Tòa án, Viện Kiểm sát...), nhưng giả sử vẫn còn ý kiến khác nhau thì thế nào?
Đại biểu cho rằng dự thảo luật cần làm rõ cơ chế giải quyết nếu còn có bất đồng ở giai đoạn cuối. Trong trường hợp chưa xử lý ngay thì phải có cơ chế báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và báo cáo Quốc hội để cho lùi lại việc xem xét, thông qua dự án đó đến kỳ họp sau các cơ quan liên quan tiếp tục xem xét, làm rõ hơn, kỹ hơn, hoàn thiện thêm, để đảm bảo sự thống nhất, nhất quán, tránh thông qua một dự án còn nhiều ý kiến khác biệt…
Lan Anh
Ý kiến bạn đọc