Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội khóa XV:
Sửa đổi, bổ sung các quy định về tổ chức bộ máy của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên
Sáng 21/5, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội xem xét tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Trình bày Tờ trình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam Đỗ Văn Chiến nêu rõ, quan điểm sửa đổi luật là thể chế hóa đầy đủ các quan điểm chỉ đạo của Đảng, nhất là Đề án sắp xếp, tinh gọn hợp nhất cơ quan MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương, cấp tỉnh và cấp xã (theo Nghị quyết số 60-NQ/TW, ngày 12/4/2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng).
Việc sửa đổi bám sát và cụ thể hóa đầy đủ các quy định được sửa đổi, bổ sung của Hiến pháp năm 2013 liên quan trực tiếp tới MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan trực tiếp đến vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền, trách nhiệm, tổ chức bộ máy và hoạt động của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ.
![]() |
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày tờ trình. Ảnh: quochoi.vn |
Dự thảo Luật gồm 5 điều, trong đó Điều 1 sửa đổi, bổ sung 11/41 điều của Luật MTTQ Việt Nam; Điều 2 sửa đổi, bổ sung 9/37 điều của Luật Công đoàn; Điều 3 sửa đổi, bổ sung 2/41 điều của Luật Thanh niên; Điều 4 sửa đổi, bổ sung 31/91 điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và Điều 5 Hiệu lực thi hành.
Cụ thể, sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật MTTQ Việt Nam, gồm: Quy định về vị trí, vai trò, nguyên tắc tổ chức, hoạt động và tổ chức bộ máy của MTTQ Việt Nam; quy định rõ MTTQ Việt Nam giữ vai trò chủ trì, các tổ chức chính trị - xã hội cùng với các tổ chức thành viên khác phối hợp, đồng thời phát huy sự chủ động, sáng tạo của mỗi tổ chức trong hiệp thương dân chủ, thống nhất hành động.
Quy định các tổ chức chính trị - xã hội, các hội do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ là các tổ chức thành viên trực thuộc MTTQ Việt Nam, được tổ chức và hoạt động thống nhất trong Ủy ban MTTQ Việt Nam nhằm bảo đảm quy định tại Điều 9, Điều 10 Hiến pháp năm 2013 (sau sửa đổi, bổ sung).
![]() |
Quang cảnh phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn |
Quy định về tổ chức MTTQ Việt Nam ở cấp tỉnh, cấp xã, không tổ chức ở cấp huyện để đồng bộ với việc sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp...
Về sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Công đoàn, gồm có: Quy định về vị trí, nhiệm vụ của Công đoàn, trong đó khẳng định Công đoàn "là tổ chức thành viên trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam", là "đại diện của người lao động ở cấp quốc gia trong quan hệ lao động và quan hệ quốc tế về công đoàn" để cụ thể hóa Điều 10 Hiến pháp năm 2013 (sau sửa đổi, bổ sung); các quy định liên quan đến hệ thống tổ chức của Công đoàn để đồng bộ với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp...
Đối với Luật Thanh niên, nội dung sửa đổi liên quan đến việc khẳng định Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là tổ chức thành viên trực thuộc MTTQ Việt Nam; mối quan hệ giữa MTTQ Việt Nam với Đoàn Thanh niên trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội, bảo đảm thống nhất với nội dung sửa đổi của Luật MTTQ Việt Nam.
Đối với Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, nội dung sửa đổi gồm: Các quy định để thực hiện chủ trương kết thúc việc sử dụng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; bãi bỏ các quy định về trách nhiệm của tổ chức Công đoàn, Ban Chấp hành công đoàn tại các cơ quan, đơn vị không có tổ chức công đoàn cơ sở khi thực hiện chủ trương chấm dứt hoạt động của Công đoàn Viên chức Việt Nam (Nghị quyết số 60-NQ/TW)...
![]() |
Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: quochoi.vn |
Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết: Ủy ban Văn hóa và Xã hội tán thành sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung 4 luật với các cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn đã được nêu.
Ủy ban tán thành việc xây dựng, ban hành dự án Luật theo trình tự, thủ tục rút gọn theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 50 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Hồ sơ dự án Luật cơ bản đầy đủ theo quy định tại điểm b khoản 5 Điều 51 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Ủy ban Văn hóa và Xã hội đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo lưu ý tiếp tục rà soát, kịp thời cập nhật việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp và các luật có liên quan để bảo đảm tính hợp hiến, tính thống nhất, đồng bộ, khả thi của hệ thống pháp luật; làm rõ tính chất "trực thuộc" của các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam, mối quan hệ công tác giữa MTTQ Việt Nam và các thành viên trực thuộc nhưng vẫn bảo đảm tính độc lập tương đối, chủ động sáng tạo, hoạt động theo pháp luật và điều lệ của mỗi tổ chức theo đúng tinh thần của Hiến pháp và các Nghị quyết của Trung ương...
Cũng trong phiên làm việc sáng nay, Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; thông qua Nghị quyết về ngày bầu cử toàn quốc đối với bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 – 2031. Tiếp đó thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND.
Lan Anh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc