Chủ tịch Hồ Chí Minh chuẩn bị cho toàn quốc kháng chiến
Từ sau Cách mạng Tháng Tám thành công đến trước ngày toàn quốc kháng chiến, dưới bút danh Q.Th và QT, Chủ tịch Hồ Chí Minh lần lượt công bố rất nhiều bài viết trên Báo Cứu quốc.
Các bài viết thể hiện được tầm nhìn chiến lược và tư duy quân sự sâu rộng. toát lên tư tưởng của Người về chiến tranh toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh; vừa chiến đấu, vừa bảo toàn, xây dựng, phát triển lực lượng, từng bước làm thay đổi so sánh lực lượng có lợi cho ta, tiến lên đánh bại âm mưu và hành động của địch, giành thắng lợi quyết định. Tư duy ấy cũng bao hàm truyền thống “cả nước đánh giặc”, “trăm họ đều là binh”, “lấy ít địch nhiều, kết hợp chặt chẽ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, “lực, thế, thời, mưu” để đánh địch của ông cha ta.
Trong các bài “Toàn dân kháng chiến” (Báo Cứu quốc, số 83, ngày 5/11/1945),“Hình thức chiến tranh ngày nay” (Báo Cứu quốc, số 351, ngày 20/9/1946) và “Chiến đấu vì chính nghĩa” (Báo Cứu quốc, số 427, ngày 6/12/1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, để đánh bại chiến tranh tổng lực của kẻ thù, nhất thiết ta phải dùng sức mạnh của toàn dân tộc, toàn thể nhân dân Việt Nam không phân biệt đảng phái, trai gái, trẻ già, giai cấp, tín ngưỡng và nghề nghiệp... đều phải trở thành chiến sĩ đấu tranh trên các mặt trận: quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa; vừa xây dựng lực lượng, vừa chiến đấu, kết hợp nhiều hình thức đấu tranh phong phú tạo ra sức mạnh tổng hợp để chiến thắng kẻ thù.
Do đó, phải chú trọng động viên tinh thần nhân dân, “phải tập trung hết thảy lực lượng tinh thần, ý chí, tư tưởng của từng cá nhân và của toàn quốc dân đều hướng về một chiều để cùng đi tới một mục đích kháng chiến”. Người khẳng định: “Trước kia chỉ đánh nhau về một mặt quân sự, nhưng ngày nay đánh nhau về đủ mọi mặt quân sự, kinh tế, chính trị, tư tưởng nên người ta gọi là toàn diện chiến tranh... chiến tranh ngày nay phức tạp và hết sức khó khăn. Không dùng toàn lực của nhân dân về đủ mọi mặt để ứng phó, không thể nào thắng lợi được”. Để tập hợp toàn dân đấu tranh, phải hết sức chăm lo đời sống của nhân dân, có phương pháp động viên, tổ chức lực lượng phù hợp mới phát huy được tinh thần đoàn kết, lòng yêu nước, tính năng động, sáng tạo của nhân dân trên tất cả các mặt. Có như vậy, đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện mới có điều kiện triển khai sâu rộng trong thực tế.
Trong bài “Phương pháp tác chiến” (Báo Cứu quốc, số 242, ngày 17/5/1946) và “Chiến lược của quân ta và của quân Pháp” (Báo Cứu quốc, số 434, ngày 13/12/1946), Người đã chỉ cho quân và dân ta thấy rõ, chiến lược của Pháp là chiến lược tiến công, đánh chớp nhoáng. Chúng sẽ huy động lực lượng lớn, gồm các quân binh chủng, cùng các loại vũ khí tối tân hòng đè bẹp cuộc kháng chiến của nhân dân ta từ trong trứng nước, sớm kết thúc chiến tranh. Do đó, để đương đầu với chiến lược của quân Pháp, cuộc kháng chiến của nhân dân ta “cần phải chuẩn bị đầy đủ và tất nhiên phải qua nhiều giai đoạn khổ sở, gian lao”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm một đơn vị “quyết tử” của Hà Nội đầu năm 1947. Ảnh: Tư liệu/TTXVN |
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Về phương pháp tác chiến, chúng ta áp dụng vận động chiến song song với du kích chiến”. Vận động chiến nhằm mục đích trừ diệt phần lớn quân địch, còn du kích chiến là làm sao cho lực lượng dân quân tự vệ có mặt khắp mọi nơi, vừa quấy rối, vừa làm hao mòn lực lượng địch, buộc chúng phải dàn quân trên một diện rộng đối phó với ta. Để thực hiện lối đánh du kích, quân và dân các địa phương phải tổ chức lực lượng, dùng đủ mọi phương pháp để cản trở quân địch, địch đến chỗ nào cũng không thể tiến quân được, bị tiêu hao lực lượng. Để kháng chiến, “mỗi làng, ngay từ bây giờ, phải biến ra một thành lũy kháng chiến”, phải tổ chức ra đội cảm tử, đội phá hoại, đội đánh úp, đội mai phục, đội cướp lương thực, súng đạn, đội trinh sát, đồng thời phải triệt để thực hiện “vườn không nhà trống”. Trên các đường giao thông phải đắp nhiều ụ đất, đặt nhiều địa lôi, nhất là nơi cầu, cống.
Trong các bài “Binh pháp Tôn Tử - Đặt kế hoạch tác chiến” (Báo Cứu quốc, số 260, ngày 7/6/1946), “Binh pháp Tôn Tử - Phương pháp đánh giữ và tiến thoái” (Báo Cứu quốc, số 365, ngày 4/10/1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh phương pháp tác chiến: “Bất luận một động tác gì cũng phải nhanh. Hành quân nhanh, đánh trận nhanh, súng bắn nhanh, càng nhanh càng có lợi”. Nhưng phải tuân theo nguyên tắc, phải luôn giữ thế chủ động, tránh nơi mạnh, đánh nơi yếu, hành động phải bí mật, nhanh chóng, chính xác; “đánh giữ và tiến thoái phải luôn luôn biến đổi hợp với thời cơ, hợp với tình hình trên mặt trận. Nhanh như chớp, biến hóa như thần, đó là bí quyết của phép dụng binh”.
Trong bài “Động viên kinh tế” (Báo Cứu quốc, số 434, ngày 13/12/1946), Người viết: “Một cuộc kháng chiến lâu dài để giữ vững chủ quyền của đất nước... không thể không chú ý đến vấn đề động viên kinh tế”. Việc động viên kinh tế có ý nghĩa rất lớn về vật chất nhằm tập trung được tiền của, sức lực cho kháng chiến; động viên kịp thời toàn dân tích cực tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, bảo đảm thực lực kinh tế đầy đủ, mạnh mẽ, đủ quân nhu, lương thực cung cấp cho dân chúng ở hậu phương và bộ đội ở tiền tuyến, tập trung được nhân lực, vật lực vào tham gia hoạt động quân sự, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật. Người khẳng định: “Cuộc kháng chiến lâu dài của chúng ta được thắng lợi là do nơi chúng ta động viên kinh tế được thành công, vì chúng ta có biết động viên kinh tế một cách khôn khéo, thực lực của chúng ta mới được đầy đủ và bền bỉ”.
Có thể khẳng định, những bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh không những động viên, tập hợp toàn quân và dân ta đứng lên đấu tranh, mà còn trang bị những kiến thức quân sự phù hợp với trình độ tác chiến, khả năng cơ động, trang bị vũ khí, động viên kinh tế… trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến. Đó còn là cơ sở để hình thành và từng bước hoàn chỉnh đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh của dân tộc ta trong cuộc đương đầu với quân xâm lược Pháp và can thiệp Mỹ.
Cẩm Trang
Ý kiến bạn đọc