Multimedia Đọc Báo in

Kiêng húy dưới thời vua Thiệu Trị

08:57, 29/10/2023

Chữ húy vốn là một tập tục thời phong kiến, được biểu hiện cụ thể bằng sự ứng xử đối với tên của vua hoặc bề trên: tay không viết thẳng chữ, miệng không đọc tròn âm. Dưới thời nhà Nguyễn, các vị vua ban hành rất nhiều lệnh kiêng húy, đặc biệt vua Thiệu Trị làm vua trong hơn 7 năm (1840 - 1847) đã 8 lần xuống dụ ban bố lệnh kiêng húy, “khiến cho định lệ kiêng húy thời Thiệu Trị trở thành phức tạp nhất đời Nguyễn” (Ngô Đức Thọ - Chữ húy Việt Nam qua các triều đại, NXB Văn hóa Hà Nội 1997, trang 176).

Kiêng húy tên tổ các vua tiền triều

Luật Gia Long hay còn gọi là Hoàng triều luật lệ của nhà Nguyễn quy định xử phạt khá nặng đối với các bản tâu trình lên nhà vua và các giấy tờ khác mắc lỗi phạm húy: “Phàm dâng thư và tâu việc lỡ ra phạm đến tên vua và tên húy của các miếu thì phạt 80 trượng. Còn các giấy tờ việc quan khác lỡ ra phạm đến chữ húy thì phải phạt xuy 40 roi. Nếu là tên hay tên tự lỡ ra phạm đến chữ húy thì phạt 100 trượng”.

Qua các lần ban dụ của vua Thiệu Trị và chuẩn định tờ tâu của Bộ Lễ phải kiêng húy một số chữ: Cổn húy Hưng Tổ (cha vua Gia Long); Noãn, Ánh, Chủng liên quan đến tên tục của vua Gia Long. Kiểu, Đảm liên quan đến vua Minh Mạng; Tuyền, Dung, Miên, Tông trực tiếp là tên gọi đương triều của vua Thiệu Trị.

Lệnh được ban bố ghi rõ: “Ván in sách hiện giữ ở các tư gia thì gia chủ phải tự mình kiểm tra mà sửa, trong đó nếu có những chữ đồng âm, cận âm mà khác tự dạng và thiên bàng thì không bắt buộc phải khắc lại. Các biển ngạch, hoành phi làm theo lệnh của vua bản triều, không phải khắc lại nhưng phải viết bớt một nét. Đối với sách kinh, truyện, sử, thi văn, tạp thuyết đã in ra mà hiện ván in vẫn còn giữ ở Quốc tử giám thì quan ở Giám phải kiểm duyệt, nếu thấy các chữ quốc húy sau đây thì phải trình lên Bộ Lễ để theo văn nghĩa đổi khắc chữ khác để in ra mà dùng” (theo Ngô Đức Thọ - Chữ húy Việt Nam qua các triều đại, NXB Văn hóa Hà Nội 1997, tr 49, 50).

 

Thay đổi tên gọi địa danh có chữ “Hoa”

Ngày 12/3/1841, Thiệu Trị nguyên niên quy định: “… Bộ Lễ xin ban bố quy định kiêng húy các chữ ngự danh (tên của vua) và ngự húy hoàng tỷ (mẹ vua): Viết gia dạng trên đầu, khi đọc phải kiêng âm, tên người, tên đất cấm dùng tên Hoa và Thật”.

Đây là trường hợp đặc biệt, Hoa và Thật là tên mẹ đẻ vua Thiệu Trị, bà là Hồ Thị Hoa (tên gọi khác là Hồ Thị Thật, sinh năm 1791), là con quan đại thần Chưởng cơ Hồ Văn Bôi, một gia tộc họ Hồ nổi tiếng đất Biên Hòa. Năm 1806, bà sinh Hoàng tử Nguyễn Phúc Miên Tông được 13 ngày thì mất. Dù chỉ ở trong cung cấm hơn một năm nhưng mối tình của bà và vua Minh Mạng vô cùng sâu đậm. Vì vậy, 21 năm Minh Mạng ở ngôi thiên tử “trong cung vẫn để trống ngôi chính, há chẳng phải là để tưởng nhớ người vợ hiền lương chăng?” (theo Đại Nam liệt truyện – Quốc sử quán triều Nguyễn). Sau sự kiện này, đồng loạt các quan Nội các phụng Thượng dụ căn cứ lập tâu Bộ Hộ trình về tên các tổng, xã, thôn để sửa đổi.

Phủ Thăng Hoa ở Quảng Nam đổi thành phủ Thăng Bình; huyện Mộ Hoa ở Quảng Ngãi đổi thành Mộ Đức; các địa danh ở Hà Tĩnh như phủ Hà Hoa đổi thành Hà Thanh, huyện Kỳ Hoa đổi thành Kỳ Anh, huyện Hoa Xuyên thành Cẩm Xuyên (Châu bản triều Nguyễn – Thiệu Trị, tập 7, tờ 197).

Riêng địa danh Thừa tuyên Thanh Hoa là tên gọi cho vùng đất trung tâm của triều đại Hậu Lê (Thanh Hoa gồm 4 phủ, 16 huyện và 4 châu), vì thế khi thay đổi tên gọi là thay cả một vùng rộng lớn từ miền xuôi đến miền ngược, miền núi đến đồng bằng, cộng đồng người thiểu số ở vùng rừng núi không chấp nhận. Thanh Hoa đã từng là vùng đất sản sinh ra 4 triều đại phong kiến với 44 vị vua khác nhau, vì vậy trong dân chúng không thay đổi tên địa danh, ngấm ngầm chống đối. Năm 1843 Bộ Hình gõ cửa từng địa phương ở Thanh Hoa, giữa năm ấy đổi thành tỉnh Thanh Hóa.

Không thể kể hết các địa danh thay đổi dưới thời vua Thiệu Trị, kể cả các vị vua sau này của nhà Nguyễn đã gây rất nhiều khó khăn cho các nhà nghiên cứu văn hóa làng xã Việt Nam qua các thời kỳ, đặc biệt là các địa phương thay tên đổi họ vùng đất ở Quảng Nam ngày nay như xã Hoa Thử thành Phong Thử, xã Hoa Tú thành Thanh Tú (Điện Bàn); thôn Hoa Trúc thành thôn Thanh Trúc (Trà Dương, Bắc Trà My); xã Hoa Phô thành Sơn Phô (Hội An)...

Võ Hữu Lộc


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.