Multimedia Đọc Báo in

“Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”

16:34, 25/10/2023

Lịch sử hàng nghìn năm của một đất nước bị ngoại bang xâm lược đã viết lên truyền thống của những người phụ nữ cầm quân chống giặc từ thời Bà Trưng, Bà Triệu. Trong đấu tranh, vũ khí của họ không chỉ là súng đạn, mà hơn hết thảy là lòng yêu nước, là tinh thần quật khởi của phụ nữ Việt Nam.

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã phát động nhiều cao trào đấu tranh chính trị của quần chúng, trong đó các cuộc biểu tình đều có đông đảo phụ nữ tham gia. Từ những cao trào đấu tranh 1930 – 1931,1936 - 1939, các cuộc biểu tình, bãi công, bãi thị của công, nông đã nổ ra, trong đó đều có đông đảo phụ nữ tham gia. Ngoài những yêu sách chống đánh đập, cúp phạt lương của công nhân, còn có những yêu sách riêng cho nữ công nhân. Các cuộc đấu tranh công khai hợp pháp trên diễn đàn báo chí cũng được khởi xướng như cuộc vận động nữ quyền trên báo Phụ nữ tân văn… Ngoài ra, các hình thức đấu tranh khác như: biểu tình đòi dân sinh, dân chủ, chống thuế, chống phát xít cũng hết sức rầm rộ.

Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và 9 năm kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954), phụ nữ miền Nam tham gia đông đảo trên nhiều lĩnh vực của đấu tranh chính trị như đòi dân sinh dân chủ, đòi quyền lợi thiết thân hằng ngày cho công nhân, chống đuổi nhà, đốt nhà của nhân dân lao động, chống bắt lính, chống hãm hiếp phụ nữ…

Trong giai đoạn 1954 - 1960, khi liên minh Mỹ - Diệm định hình chế độ cai trị ở miền Nam, phong trào đấu tranh chính trị của phụ nữ Nam bộ diễn ra với quy mô rộng lớn, sôi nổi, rầm rộ. Phụ nữ Nam bộ không chỉ dũng cảm, gan dạ, kiên trung mà còn khéo léo, mềm dẻo vận động, tranh thủ binh lính Sài Gòn góp phần hạn chế các hành động đàn áp, khủng bố khốc liệt từ chính quyền Ngô Đình Diệm.

Thời kỳ này ở đô thị, Ban phụ vận được thành lập để chỉ đạo các tỉnh tổ chức Hội Phụ nữ Việt Nam với phương châm là kết hợp giữa bí mật, công khai và bán công khai. Trong công tác bảo vệ hòa bình có nhiều phụ nữ tham gia như liên lạc với Ủy ban quốc tế kiểm soát và giám sát. Các chị em hoạt động công khai, hợp pháp còn được cử vào Ban Chấp hành “Nghiệp đoàn Ký giả Việt Nam”.

Phụ nữ tỉnh Long An đấu tranh chính trị chống gom dân vào ấp chiến lược (1969 - 1972). Ảnh tư liệu

Năm 1957, khi chính sách “tố cộng”, “diệt cộng” được chính quyền Sài Gòn thực thi rộng rãi khắp các thôn xã của Nam bộ, truy bức quần chúng nhân dân ly khai Đảng, các mẹ, các chị em đã dũng cảm đấu tranh với những lý lẽ cương quyết, không khuất phục. Nhiều buổi tố cộng của quân đội Sài Gòn ở một số nơi lại trở thành các buổi tố cáo tội ác, vạch trần âm mưu thâm độc của chính quyền Ngô Đình Diệm. Các cuộc đấu tranh chính trị mạnh mẽ của lực lượng phụ nữ Nam bộ còn góp phần bảo tồn các cơ sở, tổ chức Đảng, che chở và bảo vệ cán bộ, đảng viên trong những lúc khó khăn nhất của cách mạng.

Thực hiện đường lối chiến lược và phương châm đấu tranh “hai chân, ba mũi” (chính trị, quân sự, binh vận) của Đảng, có thể nói đấu tranh chính trị tiêu biểu nhất, sáng tạo nhất của phụ nữ Nam bộ là đấu tranh trực diện của “Đội quân tóc dài” – đội quân đặc biệt này xuất hiện từ cao trào Đồng khởi ở Bến Tre năm 1960, sau đó lan rộng toàn miền Nam. Nội dung, hình thức đấu tranh, tổ chức đội ngũ của “đội quân tóc dài” luôn thay đổi, biến hóa linh hoạt, thích nghi với từng hoàn cảnh cụ thể. Ở thành thị, nữ công nhân, sinh viên học sinh, tiểu thương, trí thức, ni sư phật tử… có mặt trong nhiều cuộc mít tinh, biểu tình. Từ lực lượng phụ nữ, phong trào tập hợp thêm nhiều tầng lớp nhân dân khác: nông dân, học sinh, trí thức, tu sĩ, thậm chí cả binh sĩ ngụy.

Đấu tranh chính trị của phụ nữ không những đánh trực tiếp vào quân ngụy mà còn trực tiếp với cả Mỹ. Bên cạnh đó là các cuộc đấu tranh chính trị chống càn tại chỗ, phụ nữ kéo cả đoàn người dùng giáo mác, gậy gộc bao vây chặn đầu xe M113, M41 không cho lính Mỹ đốt nhà, triệt phá xóm làng, chống thảm sát… với quy mô lớn và liên tục chủ yếu là phong trào chống và phá ấp chiến lược.

Có thể khẳng định, những đóng góp bền bỉ, to lớn của các thế hệ nối tiếp thế hệ phụ nữ nước ta ngày càng tô thắm thêm truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam và chính những đóng góp của họ trong các phong trào đấu tranh cách mạng ở chặng đường đã qua là hành trang, kinh nghiệm đáng quý để phụ nữ các thế hệ tiếp theo tiếp tục đem tài năng, trí tuệ góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước trong giai đoạn mới.

Cẩm Trang


Ý kiến bạn đọc