Tây Nguyên bất khuất
Đã có một Tây Nguyên thượng võ, hào sảng, nhân văn trong suốt chiều dài quá khứ mà lịch sử, văn hóa đã từng minh chứng và chỉ cần nhắc đến trường ca Đăm San thì ai ai cũng đồng tình công nhận.
Khi thực dân Pháp sang xâm lược thì địa bàn Tây Nguyên vẫn là một thách đố khó khăn bậc nhất khi chúng muốn thu phục, bình định Việt Nam. Nhiều người dân tộc bản địa thà chết không chịu làm nô lệ, đã đứng lên phản kháng, tiêu biểu là Anh hùng Núp như đại thụ sừng sững giữa đại ngàn.
Năm 1946, thực dân Pháp với dã tâm muốn cướp nước ta lần nữa, nền cộng hòa non trẻ vừa mới được một năm đang đứng trước vô vàn khó khăn, nguy hiểm. Trong tình thế “dầu sôi lửa bỏng”, Hồ Chủ tịch đã ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến vào 19/12/1946:
“Hỡi đồng bào toàn quốc!
Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa!
Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.
Hỡi đồng bào!
Chúng ta phải đứng lên!
Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”.
Lời hiệu triệu toàn quốc kháng chiến đã nói rõ toàn dân đoàn kết một lòng chống giặc ngoại xâm, không phân biệt, dân tộc hay tôn giáo.
Trong bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam họp tại Pleiku, ngày 19/4/1946, có đoạn viết: …“Ðồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, J’rai hay Êđê, Xơ Ðăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt”.
Tây Nguyên bất khuất, ngay trong đêm 20/12/1946, quân dân Buôn Ma Thuột đã tiến công giặc và nhiều nơi khác cũng không khoanh tay nhìn kẻ thù ngang ngược muốn chà đạp lên quê hương đất nước. Khúc tráng ca với biết bao chiến công anh hùng của đồng bào Tây Nguyên đã góp phần xứng đáng vào chiến thắng đỉnh cao Điện Biên Phủ: “Chín năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng” như nhà thơ lớn Tố Hữu đã hoan ca.
Niềm vui chưa được bao lâu thì Mỹ đưa quân vào miền Nam, bước tiếp theo dấu chân của thực dân Pháp, Tây Nguyên lại một phen đứng lên quyết tâm sắt đá bảo vệ cho được độc lập, tự do. Biết bao anh hùng được biết tên hay lặng lẽ, biết bao dũng sĩ đã tận hiến, biết bao sự hy sinh của đồng bào, chiến sĩ Tây Nguyên đã trở thành tượng đài kỳ vĩ trong lòng nhiều thế hệ.
Trong điện gửi đồng bào, chiến sĩ Tây Nguyên, ngày 30/11/1968, Bác khen ngợi: “Quân và dân Tây Nguyên, già, trẻ, gái, trai, Kinh, Thượng đoàn kết một lòng, luôn luôn nêu cao truyền thống anh hùng, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, thi đua giết giặc, lập công, giữ gìn buôn rẫy, thu được những thành tích to lớn, cùng đồng bào cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Người căn dặn: “Ðồng bào và chiến sĩ Tây Nguyên đã đoàn kết càng phải đoàn kết chặt chẽ hơn nữa, cố gắng không ngừng, phát huy mạnh mẽ thắng lợi đã giành được, luôn luôn nêu cao cảnh giác, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu của địch, ra sức củng cố và phát triển vùng giải phóng và phục vụ tiền tuyến”.
Hết thảy những hy sinh và cống hiến của khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam, trong đó có Tây Nguyên bất khuất đã cộng hưởng thành đại thắng mùa xuân 1975, thống nhất giang sơn về một mối, mở ra kỷ nguyên hòa bình và tái thiết quê hương đất nước.
Dũng khí của Tây Nguyên đã vượt qua muôn vàn cam go, thử thách, đã thuốc thang cho những vết thương chiến tranh, đã cùng nhau đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi để quyết tâm dựng xây một vùng đất giàu truyền thống ngày càng an lành và thịnh vượng. Điều này cần đến những tinh thần can trường, tấm lòng nhân hậu, vị tha, dám nghĩ, dám làm, biết làm và dám chịu trách nhiệm, để trên dưới một lòng, gần xa một hướng vì đại cuộc quốc gia.
Hy vọng và tin rằng những giá trị vô vàn tốt đẹp của Tây Nguyên sẽ cùng cả nước tạo nên một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình như đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã tha thiết hiệu triệu non sông.
Phạm Xuân Dũng
Ý kiến bạn đọc