Multimedia Đọc Báo in

Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nguyện trung thành và tiếp nối sự nghiệp vĩ đại của Người

11:39, 17/05/2025

Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025), toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nguyện trung thành và tiếp nối sự nghiệp vĩ đại của Người; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vững bước vào Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, kỷ nguyên phát triển giàu mạnh, thịnh vượng.

Thân thế và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu.
Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu.

Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc nhỏ tên là Nguyễn Sinh Cung, khi đi học tên Nguyễn Tất Thành, hoạt động cách mạng lấy tên là Nguyễn Ái Quốc, sau đổi tên Hồ Chí Minh. Sinh ra trong gia đình nhà nho yêu nước, lớn lên trong cảnh đất nước lầm than, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã sớm nung nấu ý chí ra nước ngoài.

Ngày 5/6/1911, Người rời bến cảng Sài Gòn đi Mácxây (Marseille) bắt đầu hành trình tìm đường cứu nước. Ngày 18/6/1919, với tên gọi Nguyễn Ái Quốc, Người thay mặt Hội những người Việt Nam yêu nước tại Pháp gửi tới Hội nghị Vécxây (Versailles) Bản yêu sách của nhân dân An Nam, yêu cầu các nước thừa nhận quyền tự do, dân chủ và quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam.

Năm 1920, tại Đại hội Tua, Người tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp. Năm 1924, Người tham dự Đại hội lần thứ V của Quốc tế Cộng sản và được chỉ định là Ủy viên Thường trực Bộ Phương Đông, trực tiếp phụ trách Cục Phương Nam. Để chuẩn bị cho việc thành lập Đảng Cộng sản tại Việt Nam, năm 1925, Người thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Quảng Châu (Trung Quốc) và tổ chức Cộng sản Đoàn, đào tạo cán bộ để lãnh đạo Hội và truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam.

Năm 1929, ba tổ chức Đông Dương Cộng sản Đảng; An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn ra đời tại Việt Nam. Ngày 3/2/1930, Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị thống nhất ba tổ chức trên, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Từ năm 1930 - 1940, Người tiếp tục hoạt động cho sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam và các dân tộc bị áp bức khác trong điều kiện khó khăn, gian khổ, bị tù đày và cô lập. Năm 1941, Người về nước triệu tập Hội nghị lần thứ 8 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, xác định đường lối đấu tranh giải phóng dân tộc, chỉ đạo thành lập Hội Việt Nam độc lập đồng minh (Việt Minh), tổ chức lực lượng vũ trang, xây dựng căn cứ địa cách mạng, lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa từng phần và tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.

Ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình, Người đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; tổ chức Tổng tuyển cử tự do trong cả nước, bầu Quốc hội và thông qua Hiến pháp dân chủ đầu tiên của Việt Nam.

Quốc hội khóa I (năm 1946) Người được bầu làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tại Đại hội lần thứ II của Đảng (năm 1951), Người được bầu làm Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược đã giành thắng lợi vẻ vang, kết thúc bằng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” (năm 1954).

Miền Bắc hoàn toàn giải phóng, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục lãnh đạo nhân dân ta thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc; đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Ngày 2/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời là tổn thất vô cùng lớn lao. Di chúc Người để là văn kiện lịch sử vô giá, kết tinh trong đó cả tinh hoa tư tưởng, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của một vĩ nhân hiếm có đã suốt đời phấn đấu hy sinh vì Tổ quốc và nhân loại.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, chiến sĩ lỗi lạc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế

Đối với cách mạng Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là con người của những quyết định lịch sử ở những bước ngoặt lịch sử. Khi cuộc đấu tranh của dân tộc đang trong thời kỳ bế tắc về đường lối, Nguyễn Ái Quốc đã tìm ra con đường cho cách mạng Việt Nam. Người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam - cơ quan đầu não của cách mạng, sáng lập Mặt trận Việt Minh và quân đội nhân dân Việt Nam - lực lượng tiến hành cách mạng. Người lãnh đạo nhân dân tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân, lập ra một nhà nước mới - nhà nước của dân, do dân và vì dân

Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa yêu nước chân chính kết hợp nhuần nhuyễn với chủ nghĩa quốc tế vô sản. Ngay từ khi đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, Người luôn hướng về nhân dân các dân tộc bị áp bức, chiến đấu không mệt mỏi vì một thế giới hòa bình, tự do và bình đẳng, con người được sống hạnh phúc. Người đã hết lòng, hết sức xây dựng sự đoàn kết nhất trí giữa các Đảng Cộng sản anh em trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản trong sáng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Nhà văn hoá kiệt xuất

Cả cuộc đời cách mạng gần 80 năm, Người đã chiến đấu chống áp bức bất công, đem lại cuộc sống ấm no cho nhân dân, dân tộc, mưu cầu hạnh phúc cho nhân loại.

Những năm tháng hoạt động cách mạng ở nước ngoài, Hồ Chí Minh nghiên cứu và tiếp thu tinh hoa văn hoá phương Tây; viết sách, báo bằng tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga, đặc biệt là tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin, đỉnh cao tư tưởng nhân văn của nhân loại. Người làm thơ chữ Hán, văn thơ chữ Hán của Người đạt đến trình độ của bậc Hán học. Người kế thừa truyền thống văn hoá phương Đông, tiếp thu tinh hoa của Nho giáo, Phật giáo.... Hồ Chí Minh vận dụng, phát triển và làm phong phú chủ nghĩa Mác - Lênin để phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam.

Hồ Chí Minh là chiến sĩ tiên phong của nền văn học - nghệ thuật, báo chí cách mạng, đấu tranh không mệt mỏi cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, cho công bằng, lẽ phải trên trái đất.

Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; giữ trọn niềm tin và vững bước trên con đường cách mạng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã lựa chọn.

Từ khi tìm ra chân lý của cách mạng vô sản, tiếp thu và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, Lãnh tụ Hồ Chí Minh vạch ra con đường cách mạng phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội (CNXH) là tư tưởng lớn, mục tiêu hướng tới suốt hành trình tìm đường cứu nước và lãnh đạo cách mạng Việt Nam của Người.

Trải qua cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo nhân dân nhất tề đứng lên, chiến đấu kiên cường, đánh bại các kiểu chiến tranh xâm lược, bảo vệ thành quả cách mạng, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước quá độ lên CNXH, bước vào Kỷ nguyên thống nhất đất nước, đổi mới, phát triển.

Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta luôn kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội và đường lối đổi mới đất nước; kiên định phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần, bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nguồn lực con người là quan trọng nhất.

Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng “Đảng cầm quyền”; nâng cao hơn nữa bản lĩnh và trí tuệ của Đảng, để Đảng thực sự "là đạo đức là văn minh".

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập, rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam để lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn thể dân tộc Việt Nam. Tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng cầm quyền là hệ thống những quan điểm toàn diện, sâu sắc về vị trí, vai trò; mục đích, lý tưởng; nhiệm vụ và phương pháp hoạt động; những thách thức, nguy cơ của Đảng cầm quyền; về mối quan hệ giữa Đảng cầm quyền và nhân dân...

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Nhà máy xe lửa Gia Lâm (ngày 19-5-1955),
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Nhà máy xe lửa Gia Lâm ngày 19/5/1955.

Thực hiện những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong suốt quá trình lịch sử ra đời và phát triển 95 năm qua, Đảng ta luôn coi trọng công tác xây dựng Đảng. Chỉ tính riêng 10 năm gần đây, ngay từ đầu mỗi nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Trung ương đều bàn và ban hành những nghị quyết, kết luận, quy định hết sức quan trọng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; lần sau sâu sắc, toàn diện và cụ thể, rõ ràng hơn so với lần trước.

Để thực hành và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực cầm quyền cần triển khai mạnh mẽ các nhóm giải pháp chiến lược sau đây: Thực hiện nghiêm phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, tuyệt đối không để xảy ra bao biện, làm thay hoặc buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng. Đảng lãnh đạo thông qua hệ thống chính trị mà Đảng là hạt nhân; lãnh đạo bằng tư tưởng, đường lối, chính sách và sự tiên phong gương mẫu, thường xuyên tự phê bình và phê bình của cán bộ, đảng viên; bằng thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng thành pháp luật của Nhà nước.

Đồng thời, tập trung tinh gọn bộ máy, tổ chức các cơ quan của Đảng, thực sự là “hạt nhân tri tuệ”, là “bộ tổng tham mưu”, đội tiên phong lãnh đạo cơ quan nhà nước. Xây dựng cơ quan tham mưu của cấp ủy tinh gọn; cán bộ tham mưu có phẩm chất chính trị, năng lực, trình độ chuyên môn giỏi, tinh thông nghề nghiệp, trách nhiệm và thông thạo công việc; bảo đảm nhiệm vụ lãnh đạo của Đảng không trùng với nhiệm vụ quản lý của Nhà nước.

Thực hiện ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên năm 2025 và tăng trưởng giai đoạn 2026 - 2030 liên tục đạt 2 con số

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc: là làm sao cho nước nhà được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc và hạnh phúc của quốc dân”, “Một Đảng cầm quyền mà để cho người dân nghèo hết còn chỗ để nghèo thì đó là lỗi của Đảng với nhân dân”.

Thực hiện ý nguyện của Người, những thành quả của gần 80 năm thành lập nước và 40 năm đổi mới đã mang lại cuộc sống đầy đủ ấm no cho các tầng lớp nhân dân. Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ về xóa đói giảm nghèo trước 10 năm. Thời gian gần đây nhiều chính sách quan tâm đến đời sống nhân dân như miễn giảm học phí, xóa nhà tạm, nhà dột nát, phát triển nhà xã hội... đang được triển khai mạnh mẽ.

Đặc biệt, thực hiện ước nguyện của Người về một quốc gia giàu mạnh, “sánh vai các quốc năm châu”, cả hệ thống chính trị đang nỗ lực thực hiện những mục tiêu phát triển bứt phá về kinh tế - xã hội, đó là các mục tiêu được xác định trong Đại hội XIII của Đảng và mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên năm 2025, tăng trưởng liên tục đạt 2 con số giai đoạn 2026 - 2030.

Để đạt được mục tiêu trên, cả hệ thống chính trị đang tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, khơi thông, giải phóng mọi nguồn lực, tận dụng cơ hội, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh để phát triển nhanh và bền vững. Trong đó, tập trung thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; chủ động triển khai các giải pháp toàn diện, đồng bộ về kinh tế, văn hóa, xã hội, ngoại giao... để thúc đẩy thương mại công bằng, hài hoà, bền vững với Mỹ, Trung Quốc, ASEAN, EU và các đối tác lớn của Việt Nam. Chủ động dự báo và có phương án ứng phó với các yếu tố đột xuất, bất lợi như thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh thương mại, khủng hoảng kinh tế, xung đột vũ trang...

Phát triển vận dụng tư tưởng của Hồ chí Minh về xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong bối cảnh hợp tác quốc tế sâu rộng

Tư tưởng Hồ Chí Minh về nền quốc phòng toàn dân là xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng "từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân chiến đấu", được tổ chức bằng ba thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích); là xây dựng căn cứ địa cách mạng, khởi nghĩa toàn dân, toàn diện và tiến hành chiến tranh nhân dân...

Tư tưởng của Người đã được Đảng ta vận dụng sáng tạo đề ra những giải pháp chiến lược, huy động được sức mạnh tổng hợp, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc qua các giai đoạn cách mạng và tiếp tục phát huy trong thời kỳ phát triển mới của đất nước.

Ngày nay, công cuộc xây dựng và phát triển đất nước đang bước vào một trang sử mới, nắm vững; phát huy những tư tưởng của Người, chúng ta thực hành nghệ thuật ngoại giao thời đại mới trên cơ sở cốt cách con người Việt Nam yêu hòa bình, đạo lý “lấy chí nhân thay cường bạo”, luôn giữ vững nguyên tắc độc lập, tự chủ; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế; bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; duy trì môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; tăng cường đóng góp thiết thực của Việt Nam trong duy trì hòa bình trong khu vực và trên thế giới.

Theo Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương


Ý kiến bạn đọc


(Video) Đưa việc học tập và làm theo gương Bác đi vào chiều sâu
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk vừa tổ chức Hội nghị cán bộ chủ chốt toàn tỉnh để nghiên cứu, học tập, quán triệt Chuyên đề năm 2025 "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; quan tâm chăm lo vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc tỉnh Đắk Lắk".