Multimedia Đọc Báo in

Tấm bản đồ quý trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

08:48, 25/05/2025

Cuối năm 1953, đầu năm 1954, cả ta và địch đều chạy đua chuẩn bị cho cuộc quyết chiến ở Điện Biên Phủ.

Trong những ngày đấu trí đầy căng thẳng, ta đã đoạt được chiến lợi phẩm đặc biệt quan trọng – đó là tấm bản đồ tỷ lệ 1/25.000 khu vực lòng chảo Điện Biên Phủ cùng nhiều bức ảnh hàng không, chụp rất rõ bố phòng của các cụm cứ điểm quân viễn chinh Pháp từ trên cao.

Trong Hồi ký “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận định, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ nằm trong một lòng chảo, chung quanh là núi, cao trên dưới 1.000 m. Những ngọn núi lớn khống chế được sân bay Mường Thanh đều ở cách xa từ 10 – 12 km. Nếu đặt pháo ở sườn núi bên ngoài lòng chảo thì mục tiêu cũng ở ngoài tầm bắn. Chúng ta buộc phải bố trí pháo ở sườn núi bên trong lòng chảo. Nhưng đây lại chính là điều nằm trong sự tính toán trước của địch. Viên chỉ huy pháo binh ở Mường Thanh đã cam kết với Navarre: chỉ cần sau 3 phát pháo của Việt Minh, hỏa điểm sẽ lập tức dập tắt.

Tấm bản đồ Điện Biên Phủ tỷ lệ 1/25.000 được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân

Tuy nhiên, phía ta chỉ có tấm bản đồ 1/100.000 thiếu rất nhiều chi tiết, lực lượng công pháo phải dùng ống nhòm vừa đi vừa mở đường quan sát độ dốc, bổ sung những ngọn núi, con suối không có trên bản đồ. Lúc này, không chỉ riêng ta mà cả Bộ Tham mưu Pháp cũng rất lo lắng vì những tấm bản đồ cũ nhiều sai sót sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc sử dụng hỏa lực không quân, đặc biệt là pháo binh. Chính vì thế, người Pháp đã dùng máy bay để chụp ảnh và hệ thống lại bản đồ bố phòng Điện Biên Phủ.

Ngay từ đầu chiến dịch, các đơn vị quân báo, trinh sát ở mặt trận đã nhận lệnh phải tìm mọi cách đoạt bản đồ của địch. Trong mùa đông lạnh cắt da cắt thịt, các chiến sĩ quân báo thuộc Đại đội 62, Tiểu đoàn 426 vẫn kiên nhẫn giấu mình trong các bụi rậm cạnh sông Nậm Rốm, ngày thì quan sát, đêm thì ra vị trí địch. Khi phát hiện địch thả dù hàng màu đỏ (loại dù của sĩ quan), Trung đội trưởng Trần Văn Phận hội ý và quyết định cùng đồng đội đột nhập vào khu vực sân bay Mường Thanh để tìm kiếm chiếc dù này. Khoảng 6 giờ tối hôm ấy, tổ trinh sát bò trên quãng đường gần 6 km, chui qua 7 lớp rào thép gai và mang được thùng hàng về vào rạng sáng 25/12/1953. Phát hiện bên trong thùng hàng là cuộn bản đồ và những bức ảnh đã rửa, tổ trinh sát lập tức chuyển chiến lợi phẩm lên phòng quân báo chiến dịch. Từ đây, cơ quan tham mưu chiến dịch đã cử người tức tốc mang những tấm bản đồ 1/25.000 quý giá về Phòng Bản đồ, Bộ Tổng tham mưu ở hậu phương. Với phương tiện hết sức thô sơ, ta đã in tấm bản đồ tỷ lệ 1/25.000 này thành hơn 3.000 bản, kịp đưa ra mặt trận vào đúng lúc bộ đội triển khai công tác chuẩn bị theo phương châm tác chiến mới là “đánh chắc, tiến chắc”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước bàn kế hoạch mở Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Ảnh tư liệu 

Khi nhớ lại những kỷ niệm này, trong Hồi ký “Điện Biên Phủ - Chiến dịch lịch sử”, Đại tướng Hoàng Văn Thái, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ cho biết, những người phấn khởi nhất khi nhận tấm bản đồ còn thơm mùi giấy mực là cán bộ lựu pháo. Chính trên bản đồ chi tiết đó, đội hình pháo binh và các mục tiêu được xác định chính xác. Chúng ta đã dùng bản đồ đó để chuẩn bị phần tử bắn, cũng như sau này dùng đạn lựu pháo 105 mm đoạt được của địch để nã lên đầu chúng. Đúng như anh em nhà pháo nói, trong chiến dịch này, bộ đội pháo binh lần đầu xuất trận đã hai lần “dùng gậy Tây để đập lưng Tây”.

Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(E-Magazine) Viết tiếp bản hùng ca nơi tuyến đầu Tổ quốc
50 năm qua (23/5/1975 - 23/5/2025), nơi mảnh đất biên cương đầy nắng gió, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng đã sống, chiến đấu và trưởng thành với một niềm tin sắt đá: "Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt".