Multimedia Đọc Báo in

Những sinh viên năng động

06:02, 09/01/2022

Nỗ lực trau dồi kiến thức chuyên môn và tích cực tham gia hoạt động vì cộng đồng, nhiều sinh viên ngành y Trường Đại học Tây Nguyên đã trang bị cho mình hành trang quý giá trong cuộc sống.

Những ngày mới nhập học tại lớp YK18A2, Khoa Y Dược, sinh viên Huỳnh Tâm Nguyện (quê xã Hòa Tân, huyện Krông Bông) không khỏi bỡ ngỡ. Khắc phục những khó khăn ban đầu, được gặp gỡ, trò chuyện với thầy cô, bạn bè từ các vùng miền khác trên cả nước, Nguyện đã nỗ lực học tập để tiếp cận cái mới, học thêm kiến thức ngoài sách vở, giáo trình để không bị “lỗi nhịp”. Em đã tận dụng công nghệ 4.0, cụ thể là mạng Internet để học tập theo chủ đích của mình; học những cái mình thích, tìm kiếm tài liệu mình cần; giao lưu với các bạn sinh viên trên cả nước... Những ngày cùng nhóm sinh viên y khoa tham gia  hoạt động phòng, chống dịch COVID-19, Nguyện cũng học được nhiều điều bổ ích. Ngoài ra, em còn tham gia vào hoạt động nghiên cứu khoa học tại trường, hiện Nguyện và bạn cùng lớp Huỳnh Hiếu Kiên đang nghiên cứu đề tài “Chất lượng giấc ngủ và một số yếu tố liên quan ở sinh viên Y khoa, Trường Đại học Tây Nguyên năm 2022”.

Huỳnh Tâm Nguyện (bìa trái) tham gia truy vết F0 tại xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Nỗ lực học tập, chịu khó tìm tòi, nắm bắt cái mới, em Tà Yên Đông (dân tộc Raglai), sinh viên năm thứ 6, lớp YK16B, khoa Y Dược đạt kết quả 3.0 trong thang điểm 4.0 của trường và đạt danh hiệu Sinh viên 5 tốt cấp tỉnh năm 2021. Để có được kết quả đó, Đông đã lên kế hoạch học tập một cách cụ thể và cố gắng hoàn thành từng mục tiêu, nhất là trau dồi kiến thức ngoại ngữ. Đông tâm sự, ngoại ngữ là yêu cầu bắt buộc đối với những người theo ngành y, bởi các tài liệu nghiên cứu y khoa liên quan đến con người luôn được cập nhật, thay đổi từng ngày, từng giờ. Lúc mới bước chân vào đại học, em chỉ có khả năng giao tiếp ngoại ngữ thông thường. Khi bước vào năm thứ ba, em bắt đầu dành thời gian trau dồi vốn ngoại ngữ chuyên ngành. Từ ngữ ngành y đơn nghĩa (chỉ có một nghĩa) và không yêu cầu nhiều về kỹ năng nói, do đó việc học ngoại ngữ cũng thuận lợi hơn: gặp từ khó thì tra từ điển chuyên ngành; khi không hiểu có thể đọc hình ảnh đi kèm, tài liệu liên quan để suy đoán nghĩa của từ… Lâu dần thành quen, vốn từ được tích lũy, trau dồi đã thôi thúc người học tìm tòi cái mới, cái hay để đọc, để học nhiều hơn.

Tà Yên Đông thăm khám cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.

Bên cạnh kiến thức chuyên môn thì các kiến thức, kỹ năng mềm, kinh nghiệm làm việc cũng quan trọng không kém. Hiểu được điều đó, Tà Yên Đông tích cực tham gia hoạt động ngoại khóa, công tác xã hội, như tham gia Chương trình Tình nguyện mùa đông năm 2020, ủng hộ các bạn sinh viên miền Trung chịu ảnh hưởng của lũ lụt; hiến máu nhân đạo; hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 tại Đắk Lắk; tham gia xây dựng hệ sinh thái Y khoa online của trường; tham gia khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho người dân vùng sâu... Hiện tại, Đông là thành viên của Câu lạc bộ Tình nguyện Y khoa (Mạng lưới tình nguyện Quốc gia khu vực Miền Trung), là thành viên tích cực của Câu lạc bộ Sinh viên 5 tốt, Câu lạc bộ Onehealth Trường Đại học Tây Nguyên.

Tà Yên Đông tâm sự, dù bận học nhưng em vẫn tranh thủ thời gian tham gia các hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng. Cách đây khoảng 2 năm, sau khi hoàn thành thời gian thực tập theo chương trình học, Đông đã xin thực tập thêm tại Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa khu vực Ninh Sơn (tỉnh Ninh Thuận). Quá trình đó, Đông đã gặp một bệnh nhân “đặc biệt”: bị bệnh thận mãn tính, bị viêm phổi nặng, không có người thân chăm sóc.  Tết Nguyên đán năm 2020 cận kề, bệnh viện tạo điều kiện cho nhiều bệnh nhân xuất viện để về quê ăn Tết với gia đình nhưng ông ấy một phần vì bệnh nặng, phần chỉ có một mình nên vẫn ở lại bệnh viện. Được Đông thường xuyên thăm hỏi, trò chuyện và động viên, bệnh nhân này rất xúc động, lúc chia tay bịn rịn dặn dò: “Con trai nhớ học thật tốt để sau này cứu được nhiều người". Lời động viên đó đã thôi thúc Đông thêm nỗ lực học tập để thực hiện được ước mơ là trở thành bác sĩ đa khoa. Gần đây nhất, từ tháng 8 đến tháng 10/2021, Đông đã tham gia Chương trình khám, điều trị cho bệnh nhân F0 từ xa (bệnh nhân ở quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh). Với Đông, mỗi chương trình dù ý nghĩa khác nhau nhưng đều giúp bản thân trau dồi kiến thức, kỹ năng mềm, sống có ý nghĩa hơn.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.