Multimedia Đọc Báo in

“Gỡ khó” trong xây dựng nông thôn mới

Kỳ cuối: Hướng tới xây dựng nông thôn mới toàn diện, bền vững

15:24, 31/08/2021

Hành trình 10 năm xây dựng nông thôn mới trên cao nguyên Đắk Lắk đã khoác lên buôn, làng một diện mạo mới, sức sống mới. Với phương châm “có điểm bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Đắk Lắk tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để xây dựng nông thôn trong giai đoạn mới.

Nông thôn khởi sắc 

Với xuất phát điểm chỉ đạt 2/19 tiêu chí, nhưng sau 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), xã Ea Ral (huyện Ea H’leo) đã có bước chuyển mình ngoạn mục, đạt 19/19 tiêu chí, đời sống nhân dân từng bước được nâng cao, diện mạo nông thôn cũng thay đổi căn bản. Ông A Bul Adrơng (buôn A Riêng) phấn khởi chia sẻ, buôn mình đã thay đổi rất nhiều, nhất là nhiều con đường trong buôn được mở rộng, sạch đẹp, bà con dễ dàng đi lại, thông thương hàng hóa cũng thuận lợi hơn. Đặc biệt, giờ đây hầu như các con đường bê tông kiên cố đều có điện đường sáng bừng trên mọi nẻo đường nông thôn mỗi khi đêm về. 

ảnh
Dự án điện gió triển khai trên địa bàn huyện Ea H'leo đã góp phần phát triển kinh tế cho địa phương. (Ảnh: Hoàng Gia)

Song song với việc quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, xã Ea Ral cũng đã nhanh chóng sắp xếp lại hình thức sản xuất, lồng ghép nhiều ngồn vốn khác nhau để tập trung hỗ trợ sản xuất cho nhân dân; vận động bà con nơi đây chuyển sang trồng tiêu, sầu riêng, cà phê… thay cho trồng khoai mì để cuộc sống khấm khá hơn, góp phần nâng mức thu nhập bình quân toàn xã đạt gần 40 triệu đồng/người/năm. 

Khi bước vào xây dựng NTM, xuất phát điểm của huyện Ea H’leo rất thấp, trong số 11 xã thì chỉ có một xã đạt cao nhất là 5 tiêu chí; tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 22,5%. Thế nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, chung tay của nhân dân, Chương trình xây dựng NTM không chỉ thay đổi bộ mặt nông thôn, mà đời sống của người dân được nâng lên đáng kể. Đến nay, đã có 7 xã đạt chuẩn NTM, số tiêu chí bình quân đạt 17,4 tiêu chí/xã; không còn xã dưới đạt dưới 10 tiêu chí; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 40 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 7%. 

Ông Nguyễn Văn Hà, Chủ tịch UBND huyện Ea H’leo cho biết, Chương trình xây dựng NTM đã góp phần làm cho nông thôn trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến tích cực. Đặc biệt, nhiều công trình trọng điểm về giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục, văn hóa được đầu tư xây dựng. Sản xuất nông nghiệp chuyển đổi theo hướng bền vững hơn, đa dạng các loại hình tổ chức sản xuất ở nông thôn, kinh tế hợp tác được củng cố và phát triển mạnh mẽ… Tất cả đã góp phần điểm tô cho bộ mặt nông thôn khang trang và xanh - sạch - đẹp hơn. 

ảnh
Hệ thống kênh mương được đầu tư xây dựng đã giúp các vùng lúa của xã Buôn Tría, Buôn Triết (huyện Lắk) phát triển trù phú.

Tương tự, sự thay đổi diện mạo nông thôn cũng thể hiện rõ ràng ở vùng đất lúa - xã Buôn Tría (huyện Lắk). Từ một xã nghèo, phụ thuộc hoàn toàn vào cây lúa và thường xuyên bị mất trắng do lũ, lụt; hệ thống cơ sở hạ tầng đều trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, thế nhưng sau 10 năm (2011 - 2020) thực hiện Chương trình xây dựng NTM, Buôn Tría trở thành xã đầu tiên của huyện Lắk về đích NTM. Đến nay diện mạo nông thôn của xã đã khởi sắc rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người đạt 41,33 triệu đồng/người/năm; 100% đường đến trung tâm xã được nhựa hóa; trên 80% đường trục thôn, buôn được bê tông hóa, đặc biệt 8/8 thôn, buôn ở các tuyến đường đều có hệ thống đèn đường chiếu sáng; 100% hộ dân được sử dụng điện thường xuyên, an toàn; hệ thống mương máng thủy lợi được đầu tư xây dựng cơ bản…

Ông Nguyễn Văn Long (thôn Đông Giang 1, xã Buôn Tría) vui mừng cho biết, bà con làm lúa ở đây phấn khởi nhất là nhiều tuyến đường nội đồng được bê tông hóa sạch sẽ, cao ráo giữa cánh đồng đã giúp bà con đi lại, vận chuyển nông sản được thuận lợi hơn, thoát khỏi cảnh lầy lội, ngập nước vào mùa thu hoạch như trước đây. Cùng với đó là bà con còn được hỗ trợ phát triển sản xuất lúa gạo theo hướng hữu cơ. Từ “bà đỡ” là Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đồng Nhất, nhiều hộ dân đã có thu nhập cao từ việc liên kết sản xuất lúa sạch. 

ảnh
Một trong những con đường nội đồng ở xã Buôn Tría (huyện Lắk) được đổ bê tông cao ráo, không còn lầy lội như trước đây

Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT đánh giá, từ một địa phương gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội, nhưng trong 10 năm, Chương trình xây dựng NTM đã tạo "bệ phóng" để nông thôn của Đắk Lắk thay đổi rõ rệt về diện mạo và chất lượng, nhất là ở các xã vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, việc thực hiện các chương trình, đề án lồng ghép như: tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, Chương trình mỗi xã một sản phẩm… đã trở thành nguồn "trợ lực" mạnh mẽ cho vùng nông thôn. Điều này đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng NTM, cải thiện nhanh hơn đời sống của nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường. Tính đến hết năm 2020, toàn tỉnh đã có 66 xã đạt chuẩn NTM, tăng 6 xã so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao trong giai đoạn 2016 - 2020.  

Để nông thôn trở thành “vùng quê đáng sống”

Có thể thấy, bức tranh NTM ở Đắk Lắk ngày càng rõ nét, với nhiều gam màu sáng, nhất là hệ thống hạ tầng nông thôn phát triển mạnh mẽ, làm thay đổi bộ mặt nhiều vùng nông thôn. Đặc biệt, TP. Buôn Ma Thuột đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và hoàn chỉnh hồ sơ trình Hội đồng thẩm định Trung ương đề nghị xem xét công nhận. Ngoài ra, thị xã Buôn Hồ cũng cơ bản hoàn thành Chương trình xây dựng NTM; xã Hòa Thuận (TP. Buôn Ma Thuột) đã hoàn thành 20/20 tiêu chí xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 5 huyện khó khăn của tỉnh (M'Drắk, Ea Súp, Buôn Đôn, Lắk, Krông Bông), mỗi huyện đã có 1 xã đạt chuẩn NTM trong năm 2020. 

ảnh
Lãnh đạo tỉnh tham quan sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của TP. Buôn Ma Thuột.

Đối với TP. Buôn Ma Thuột, đơn vị đầu tiên của tỉnh hoàn thành Chương trình xây dựng NTM, với 8/8 xã được công nhận chuẩn NTM.  Hiện nay, tổng số đường xã và đường từ trung tâm xã đến thành phố được nhựa hoặc bê tông hóa đạt 100%; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 40 triệu đồng/năm;  tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giai đoạn 2016 - 2020 chỉ còn 1,22%...

Ông Đoàn Ngọc Thượng, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết, hiện xã Hòa Thuận đang chờ được xét công nhận đạt NTM nâng cao. Thành phố cũng đang tích cực chỉ đạo, kiểm tra duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được ở 8 xã, phấn đấu có 2 xã (Hòa Thắng và Ea Tu) đạt NTM nâng cao vào năm 2021. Tiếp tục nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân khu vực nông thôn; môi trường và an toàn thực phẩm được đảm bảo cho người dân. Triển khai xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, giá trị gia tăng cao trên cơ sở thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn. 

ảnh
Nông dân ở xã Hòa Thuận (TP. Buôn Ma Thuột) ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.

Theo Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia của tỉnh, để tiếp tục đưa Chương trình xây dựng NTM của Đắk Lắk đi vào chiều sâu, phát triển toàn diện, bền vững, tỉnh xác định: “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là chiến lược; nông thôn mới là căn bản; tái cơ cấu ngành nông nghiệp cùng với thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm là then chốt; người nông dân là chủ thể”.

Xây dựng NTM hướng tới phát triển nông thôn toàn diện và bền vững, làm cho đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn khá giả, tiệm cận với khu vực đô thị. Trong đó, tập trung nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết theo chuỗi giá trị, phát triển du lịch nông thôn làm nền tảng cơ bản gắn với phát triển công nghiệp, dịch vụ nông thôn và phù hợp với quá trình đô thị hóa. Bên cạnh đó, chú trọng bảo tồn, phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống; đẩy mạnh công tác giữ gìn, bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan sáng - xanh - sạch - đẹp.

Xây dựng NTM phải là nông thôn của khát vọng khởi nghiệp, làm giàu, thu hút các nguồn lực phát triển và lan tỏa các giá trị bền vững, hướng đến xây dựng các “vùng quê đáng sống”…

Đắk Lắk phấn đấu đến năm 2025 có 4 đơn vị cấp huyện, 100 xã đạt chuẩn NTM; thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020 (đạt ít nhất 73,8 triệu đồng/người/năm). Mục tiêu đến năm 2030, có ít nhất 5 đơn vị cấp huyện, 119 xã đạt chuẩn NTM; thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2025…

Lan Anh - Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.