Nghị quyết về “tam nông”: Cuộc mở đường cho hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn (kỳ 3)
Bắt nhịp 4.0, đổi mới và hành động
Nắm bắt thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Đắk Lắk đã có những bước đi cụ thể trong chủ động lựa chọn lĩnh vực trọng tâm để có thể tận dụng các cơ hội mà nó mang lại nhằm thúc đẩy quá trình đổi mới, cơ cấu lại nền kinh tế. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp, một trong những ngành kinh tế chủ lực của tỉnh đang có nhiều đổi mới để phát triển nhanh, bền vững dựa trên nền tảng công nghệ số và đổi mới sáng tạo.
Bắt kịp xu hướng
Nhận thấy nông nghiệp công nghệ cao là xu thế tất yếu, ngay từ khi bắt đầu đi vào hoạt động, Công ty TNHH Ban Mê Green Farm đã ứng dụng vào sản xuất cà chua trái cây nova. Đây cũng là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất của tỉnh với 11 trang trại. Hiện tất cả các trang trại sản xuất cà chua trong nhà màng của công ty đều lắp đặt hệ thống thiết bị nông nghiệp thông minh. Hệ thống này giúp người sản xuất nắm bắt kịp thời môi trường và có biện pháp tác động đáp ứng nhu cầu của cây, tạo điều kiện cho cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt; đồng thời cũng góp phần nâng cao trình độ, giúp nông dân thích ứng với công nghệ số.
Chị Nguyễn Thái Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Ban Mê Green Farm cho biết, hiện công ty đang xúc tiến một số sản phẩm chủ lực mới phục vụ thị trường xuất khẩu như ớt, măng tây, dứa, sầu riêng…, trong đó sản phẩm ớt đã xuất khẩu sang thị trường của Nhật và Hàn Quốc. Ngoài việc điều hành công ty thông qua các phần mềm quản lý thì công ty cũng triển khai ứng dụng số tại các trang trại liên kết sản xuất với nông dân, đó là hệ thống điều khiển tự động thông minh và sắp tới là triển khai nhật ký số, giao việc và nhận lệnh công việc thông qua app (phần mềm) trên điện thoại. Người nông dân và công nhân kỹ thuật của công ty sẽ tương tác qua phần mềm này, qua đó, sẽ đánh giá được hiệu suất công việc, năng suất cây trồng. Đối với hệ thống phân phối, công ty cũng sử dụng phần mềm để người tiêu dùng nhận diện được sản phẩm cũng như truy xuất nguồn gốc (nơi sản xuất, sản xuất bằng phương pháp gì, các điểm bán hàng, những phản hồi của khách hàng về sản phẩm), đó cũng là cơ sở để xây dựng chiến lược phát triển cho từng sản phẩm.
Sản xuất cà chua theo công nghệ cao tại Công ty TNHH Ban Mê Green Farm. Ảnh: Thuận Nguyễn |
Có thể thấy, nền nông nghiệp Đắk Lắk đang chuyển dịch theo xu hướng chuyển đổi từ “tư duy sản xuất nông nghiệp” sang “tư duy kinh tế nông nghiệp”. Trong đó, xác định 3 yếu tố chủ đạo là nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông thôn thông minh, nắm bắt các công nghệ mới, thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đẩy mạnh sự phát triển của ngành nông nghiệp trong điều kiện chịu tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu và các rào cản phi thuế quan của các hiệp định hợp tác kinh tế tự do song phương.
Chính vì vậy, việc tỉnh triển khai thực hiện các chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn, tạo điều kiện cho nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao phát triển đã tạo điều kiện, thúc đẩy các trang trại, nhà kính, nhà màng, cùng nhiều cơ sở sản xuất sản phẩm nông nghiệp chất lượng mạnh dạn ứng dụng các thiết bị nông nghiệp thông minh (còn gọi là hệ thống điều khiển tự động) trong quá trình sản xuất, đặc biệt là lĩnh vực trồng trọt, góp phần làm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.
“Tổng kinh phí thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp theo kế hoạch được xác định khoảng 77 tỷ đồng, bao trùm trên tất các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, thủy lợi, quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, phát triển nông thôn, nông thôn mới, OCOP... để nông nghiệp của tỉnh không chỉ tiếp tục khẳng định vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, mà còn vươn lên trở thành ngành kinh tế năng động, phát triển bền vững, cùng với cả nước tham gia sâu vào hội nhập kinh tế thế giới” - Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Hoài Dương.
|
Theo Sở NN-PTNT, hiện trên địa bàn Đắk Lắk, ngoài các mô hình sản xuất nông nghiệp trong nhà màng, nhà kính, thì các mô hình sản xuất ngoài trời cũng đã ứng dụng các thiết bị thông minh, điều khiển tự động cho cà phê, cây ăn quả, rau hữu cơ và đã phát huy hiệu quả rõ rệt về nâng cao giá trị và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Điều này sẽ tạo nền tảng cho việc phát triển ứng dụng nhật ký canh tác, phân tích các dữ liệu cho nguồn cung - cầu, giúp người sản xuất và cơ quan quản lý dễ dàng dự tính sản lượng sản phẩm để có kế hoạch liên kết đầu ra tốt nhất.
Để vững vàng hội nhập
Giai đoạn 2021 - 2030, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và xu hướng toàn cầu hóa diễn ra ngày càng sâu rộng, kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và của Đắk Lắk nói riêng có nhiều điều kiện thuận lợi để tiếp tục phát triển, đặc biệt là mở rộng xuất khẩu, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa. Đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức, bởi cạnh tranh thị trường, xu hướng bảo hộ mậu dịch của các nước, nhất là các nước lớn sẽ ảnh hưởng, tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để xây dựng nền nông nghiệp thông minh và hiện đại hóa nông thôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và mang tính chiến lược. Chính vì vậy, tập trung cho công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp đang được Đắk Lắk đẩy mạnh với nhiều mục tiêu cùng nhiều giải pháp cụ thể để khai thác tiềm năng và phát huy lợi thế của địa phương, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Với việc xác định trước mắt và lâu dài, nông nghiệp vẫn là nền tảng, một trong 3 lĩnh vực quan trọng cần ưu tiên, và chiếm vị trí quan trọng trong cơ cấu nền kinh tế (đóng góp 30% GRDP, chiếm 90% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho khoảng 65% lao động của tỉnh), Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 - 2025 cũng đã chỉ ra những giải pháp trọng tâm hiện đại hóa nền nông nghiệp địa phương.
Thu hoạch lúa của HTX Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thăng Bình, xã Cư Kty (huyện Krông Bông). Ảnh: Đinh Nga |
Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện, coi trọng chiều sâu theo hướng hiện đại, bền vững, trên cơ sở phát huy lợi thế của từng vùng, từng loại sản phẩm. Đồng thời tổ chức lại sản xuất, thúc đẩy ứng dụng sâu rộng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ thông tin vào sản xuất, quản lý nông nghiệp và đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Bên cạnh đó, ưu tiên quy hoạch phát triển mạng lưới khu, vùng nông nghiệp sạch, gắn với ứng dụng công nghệ cao tại TP. Buôn Ma Thuột và một số huyện lân cận như Cư M’gar, Krông Pắc, Cư Kuin, Krông Ana, Buôn Đôn… Quy hoạch khu chăn nuôi tập trung tại các huyện Buôn Đôn, M’Drắk, Ea Súp, Krông Bông, Cư M’gar... gắn với liên kết mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, nhận thức rõ tầm quan trọng của chuyển đổi trong phát triển nông nghiệp, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 2-4-2021 về Chuyển đổi số tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Để bảo đảm các mục tiêu mà Nghị quyết đề ra, “phủ sóng” trên mọi lĩnh vực, Sở NN-PTNT đã chủ động nghiên cứu, tiên phong triển khai thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp.
Theo đó, đến năm 2025, ngành nông nghiệp sẽ tập trung xây dựng kinh tế số, với khoảng 15 doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp, chủ trang trại trong lĩnh vực nông nghiệp tiếp nhận chuyển giao ứng dụng một phần công nghệ số (hoặc toàn bộ nếu có) trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Phấn đấu tỷ trọng kinh tế số trong ngành nông nghiệp đạt tối thiểu 10% và năng suất lao động hằng năm tăng bình quân 7%. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển xã hội số, đó là tổ chức tập huấn, tuyên truyền và đào tạo cho doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp, quản trị sản xuất, quản lý doanh nghiệp và tham mưu ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp có hoạt động thương mại điện tử, ứng dụng nông nghiệp thông minh.
Lê Hương - Thuận Nguyễn - Đinh Nga
Ý kiến bạn đọc