Multimedia Đọc Báo in

Nông dân Cư M’gar chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất

06:35, 24/08/2021

Thời gian qua, nhiều hội viên nông dân huyện Cư M’gar đã chủ động áp dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi sản xuất theo hướng công nghệ cao, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, đưa kinh tế ngày càng phát triển.

Nhiều mô hình hiệu quả

Trước đây, gia đình ông Nguyễn Văn Cường (thôn An Phú, xã Ea Đrơng) trồng 5 ha khoai lang, tưới nước theo phương thức truyền thống nên tốn nhiều công, lượng nước thất thoát nhiều, dẫn đến tăng chi phí sản xuất, lợi nhuận thu về không cao.

Cách đây 3 năm, ông Cường cùng hơn 30 hộ dân ở xã liên kết với Công ty TNHH thực phẩm Pepsico Việt Nam chi nhánh Lâm Đồng để trồng khoai tây.

Sau khi được tham quan các mô hình trồng khoai tây trong và ngoài tỉnh, đồng thời được công ty cung ứng trước cây giống, tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn chăm sóc cây trồng theo từng giai đoạn phát triển, ông Cường đã vay mượn thêm vốn để đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm nhỏ giọt, trang bị đầy đủ máy móc, thiết bị để phục vụ cho sản xuất.

Sau gần 4 tháng chăm sóc, vụ khoai đầu tiên ông Cường thu về bình quân 30 tấn/ha, được mua với giá trên 8.000 đồng/kg, tổng cộng 5 ha cho lợi nhuận hơn 500 triệu đồng.

Ông Cường cho biết: “Khoai tây khá phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương, việc thu hoạch nhờ sự hỗ trợ của cơ giới hóa nên tiết kiệm được chi phí, thu về lợi nhuận cao hơn gấp nhiều lần so với các loại cây trồng ngắn ngày khác”.

Cán bộ Hội Nông dân huyện Cư M'gar tham quan mô hình kinh tế của hội viên nông dân xã Ea M'nang.

Ông Lê Văn Hùng (thôn 2, xã Cư M'gar) có gần 3 ha cà phê đã già cỗi, năng suất thấp. Được sự tư vấn, hỗ trợ của Hội Nông dân xã, ông tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật (KHKT) và đã mạnh dạn phá bỏ cà phê kém năng suất để tái canh, đồng thời trồng xen thêm hồ tiêu. Nhờ áp dụng kỹ thuật chăm sóc tốt, đến nay, vườn cà phê xen tiêu của gia đình ông đã cho thu hoạch ổn định. Bình quân mỗi năm, gia đình ông thu trên 10 tấn cà phê nhân, gần 5 tấn tiêu, lợi nhuận trên 600 triệu đồng.

“Được hỗ trợ chuyển giao KHKT, nhiều nông hộ trên địa bàn đã làm chủ các công nghệ hiện đại, ứng dụng vào sản xuất có hiệu quả. Qua đó, đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cư M’gar Nguyễn Tấn Hiển.

Từ mô hình chăn nuôi tằm theo chuỗi khép kín, HTX Nông nghiệp dịch vụ Phú Khang (xã Ea Kiết) đã tạo điều kiện cho các thành viên tham gia có thu nhập ổn định ở mức 150 triệu đồng/năm. Để bảo đảm chất lượng sản phẩm, tằm nguyên liệu phải sạch nên khâu trồng dâu được thành viên HTX chú trọng, đặc biệt là không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, qua đó giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Ngoài sản phẩm tằm cấp đông, HTX cũng trang bị thêm máy sấy làm bột tằm khô và sản xuất thêm các sản phẩm khác như: rượu tằm, vỏ kén tằm, nhộng tằm tươi... để đa dạng hóa sản phẩm, phát triển thị trường tiêu thụ ra nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Gia tăng giá trị sản phẩm

Thời gian qua, Hội Nông dân huyện CưM'gar đã tích cực phối hợp với các ngành liên quan và các doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ KHKT cho nông dân; bám sát cơ sở, xây dựng các mô hình theo hướng “cầm tay chỉ việc”, giúp hội viên nông dân tiếp cận KHKT phù hợp với thực tế phát triển kinh tế hộ gia đình, trang trại, tổ hợp tác, HTX; nhân rộng những mô hình hay, cách làm tốt.

Với sự đồng hành từ tổ chức Hội, cùng sự nỗ lực của các nông hộ, đến nay, toàn huyện có 98% diện tích ngô, 68% diện tích lúa nước sử dụng giống mới cho năng suất cao; hiện có trên 50% hộ nông dân thực hiện mô hình thâm canh, xen canh hồ tiêu, cây ăn trái trong vườn cà phê có giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích đạt 100 triệu đồng/ha/năm. Riêng chương trình phát triển cà phê bền vững đạt kết quả đáng ghi nhận, diện tích cà phê già cỗi, năng suất thấp đã được tái canh; xây dựng được nhiều nhóm hộ, tổ hợp tác trồng cà phê bền vững trên 15.000 ha với 9.040 hộ tham gia, sản lượng cà phê hằng năm đạt 70.000 tấn nhân xô. Chăn nuôi cũng được duy trì và phát triển mạnh theo hướng gia trại, trang trại.

Ra mắt Chi hội nông dân nuôi dê thương phẩm tại xã Ea Drơng.

Nhiều hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đã thành lập các doanh nghiệp nhỏ hoặc làm thành viên sáng lập các tổ hợp tác, HTX nhằm liên kết, mở rộng quy mô, tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh tạo sản phẩm chất lượng.

Hiện nay trên địa bàn huyện đã có 10 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm) đạt tiêu chuẩn 3 sao, được UBND tỉnh quyết định phê duyệt cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP; có trên 9.000 hộ áp dụng quy trình sản xuất bền vững 4C, UTZ cho hơn 15.000 ha cà phê; có trên 300 trang trại sản xuất, chăn nuôi với tổng diện tích 2.320 ha. Đa số các nông hộ ứng dụng KHKT vào sản xuất, khai thác thế mạnh địa phương đều đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, tạo việc làm thường xuyên, thời vụ cho trên 1.000 lao động tại chỗ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.