Hoạt động vận tải hành khách bằng ô tô tiếp tục gặp khó
Sau khi các địa phương nới lỏng những điều kiện phòng, chống dịch COVID-19, hoạt động vận tải hành khách cả nước nói chung, tại Đắk Lắk nói riêng có nhiều tín hiệu tốt, lượng khách đi lại ổn định hơn. Tuy nhiên, những ngày gần đây, giá nhiên liệu tăng cao, trong khi số ca mắc COVID-19 nhiều khiến hoạt động vận tải tiếp tục gặp khó khăn.
Kể từ làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư xuất hiện, do điều kiện phòng, chống dịch của các địa phương còn thắt chặt, nhất là quy định người từ vùng dịch di chuyển về địa phương bắt buộc phải cách ly tập trung hoặc cách ly tại nhà… nên hoạt động vận tải hành khách (bao gồm cả hàng không và ô tô) đều trầm lắng. Nhiều doanh nghiệp vận tải hành khách bằng ô tô trên địa bàn tỉnh phải tạm dừng hoạt động hoặc hoạt động chỉ bằng 10% so với trước do “ế” khách. Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh, năm 2021, vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh đạt 662 tỷ đồng, giảm 47,55%; dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 109 tỷ đồng, giảm 9,43% so với năm 2020.
Đến ngày 22/1/2022, khi Bộ Y tế có Văn bản số 357/BYT-MT gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong nước về quê nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, trong đó nội dung quan trọng là bỏ quy định cách ly y tế đối với người dân di chuyển từ địa phương này đến địa phương khác, hoạt động vận tải hành khách dần phục hồi. Lượng hành khách di chuyển bằng ô tô và hàng không tăng khá cao.
Phương tiện vận tải tại Bến xe liên tỉnh Đắk Lắk. |
Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng 1/2022, khối lượng vận chuyển hành khách ước đạt 445 nghìn lượt, tăng gần 54% so với tháng 12/2021. Cụ thể, đối với hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô, lượng khách tăng cao chủ yếu các tuyến từ Đắk Lắk đi các tỉnh phía Bắc, miền Trung như Hà Nội, Thái Bình, Nghệ An…; tuyến phía Nam chủ yếu từ Đắk Lắk đi TP. Hồ Chí Minh dịp sau Tết.
Ông Thái Minh Vương, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Thái Minh Vương (Nhà xe Vương Chi, chạy tuyến Buôn Ma Thuột – Hà Nội) cho biết, tỷ lệ lấp đầy ghế của doanh nghiệp dịp cao điểm Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 khoảng 60%, số lượng khách cao hơn nhiều so với thời gian các địa phương đang áp dụng những biện pháp giãn cách phòng, chống dịch.
Tuy nhiên, hiện nay hoạt động vận tải hành khách bằng ô tô tuyến liên tỉnh khó cạnh tranh với hàng không giá rẻ. Chưa kể, giá xăng dầu tăng cao trong thời điểm hiện tại cũng khiến doanh nghiệp “khó chồng khó”, dù mọi hoạt động đều trong trạng thái bình thường.
Toàn tỉnh có 136 đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa và hành khách, trong đó có 58 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách với 298 tuyến liên tỉnh và 11 tuyến nội tỉnh. Vận tải khách công cộng bằng xe buýt có 6 đơn vị với 26 tuyến, 187 xe; vận tải khách bằng taxi có 9 đơn vị với 1.637 xe. |
Trong khi đó, tuyến từ Đắk Lắk đi các tỉnh phía Nam, chủ yếu đi TP. Hồ Chí Minh, với đặc thù trên địa bàn tỉnh có nhiều công nhân, sinh viên làm việc, học tập tại TP. Hồ Chí Minh nên dịp sau Tết lượng khách tăng khá cao. Theo số liệu của Hợp tác xã Vận tải hàng hóa và hành khách Cư Mil (huyện Ea Súp) thì tỷ lệ lấp đầy ghế đạt khoảng 60%, tăng cao so với tháng 12/2021 và nhiều tháng trong năm 2021. Đây là tín hiệu vui cho hoạt động vận tải hành khách của đơn vị nói riêng, nhiều doanh nghiệp vận tải nói chung. Song chưa kịp vui thì giá nhiên liệu biến động tăng trong nhiều đợt gần đây khiến doanh nghiệp lao đao.
Từ 15 giờ chiều ngày 21/2/2022, giá xăng dầu tăng cao với giá bán xăng RON95 lên tới 26.287 đồng/lít, E5RON92 giá bán 25.532 đồng/lít. Với mức tăng này, giá xăng RON95 trong nước hiện đã vượt đỉnh lịch sử vào năm 2014 và xác lập kỷ lục mới. Việc giá xăng dầu tăng cao khiến doanh nghiệp vận tải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Bởi nhiên liệu thường chiếm từ 40 - 50% tổng chi phí của hoạt động vận tải.
Trong khi đó, hiện nay tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, mọi hoạt động đều trong trạng thái bình thường mới, nhưng lo ngại dịch bệnh nên số lượng người đi lại vẫn chưa cao, do đó vận tải hành khách bằng xe ô tô hoạt động chưa hết tần suất, phương tiện. Giá nhiên liệu tăng, trong khi lượng khách chưa ổn định khiến doanh nghiệp vận tải khó xoay xở.
Bởi nếu doanh nghiệp giữ nguyên giá vận chuyển thì khả năng bù lỗ là khó tránh khỏi, trong khi nếu tăng giá ở thời điểm hiện tại thì không phù hợp với tình hình thực tế vì người dân còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Nhiều doanh nghiệp cho rằng nếu Chính phủ và các bộ, ngành liên quan không có biện pháp bình ổn giá xăng dầu thì nguy cơ phá sản, tạm dừng hoạt động của nhiều đơn vị vận tải hành khách là rất lớn.
Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc