Multimedia Đọc Báo in

Khuyến nông Ea Kar "cầm tay chỉ việc" hỗ trợ nông dân

08:08, 14/06/2022

Để đưa khuyến nông vào đồng ruộng, Trạm Khuyến nông huyện Ea Kar đã đồng hành, “cầm tay chỉ việc” cho nông dân.

Chuyển đổi từ trồng mía, hoa màu sang trồng cây ăn quả, gia đình chị Hoàng Thị Lan Hồng (thôn 5, xã Ea Sô) đã có kinh nghiệm nên được chọn tham gia mô hình trồng cam xen ổi lê Đài Loan từ năm 2019.

Không chỉ được hỗ trợ 900 cây cam, 300 cây ổi giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, gia đình chị còn được tham gia tập huấn kỹ thuật. Trong quá trình trồng, chăm sóc, cán bộ Trạm Khuyến nông huyện và khuyến nông xã thường xuyên thăm vườn, tư vấn, hướng dẫn cách bón phân, tưới nước tiết kiệm, phòng trừ sâu bệnh, tỉa cành, tạo tán...

Để phát triển sản xuất bền vững, gia đình chị đã đầu tư đào 2 ao tích trữ nước, lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt giúp giảm bớt công lao động. Nhờ vậy, vườn cây phát triển xanh tốt và đã cho thu hoạch.

Chị Hồng cho hay, trồng cam xen ổi đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với chỉ trồng thuần một loại cây và hạn chế bớt sâu bọ phá hoại vườn cam. Đến nay, vườn cây trồng xen đã bước sang năm thứ tư, cho thu hoạch trung bình 8 tấn cam, ổi mỗi năm, giá bán từ 10.000 - 20.000 đồng/kg, lợi nhuận cao hơn nhiều lần so với trồng mía. Mô hình trồng xen này đã trở thành điểm tham quan, học tập của nhiều nông dân trong và ngoài xã.

Cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Ea Kar kiểm tra mô hình thâm canh giống lúa thuần chất lượng cao tại cánh đồng tái định cư số 1 (xã Cư Elang).

Để giúp nông dân phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, thích ứng với biến đổi khí hậu, Trạm Khuyến nông huyện đã triển khai mô hình trồng cỏ nuôi bò tại 15 hộ ở 5 thôn, buôn của xã Cư Bông với tổng diện tích 1,7 ha, đem lại hiệu quả rõ rệt. Các hộ tham gia đều được tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ giống cỏ VA06, phân bón, vôi bột để xử lý đất. Trong quá trình thực hiện, cán bộ kỹ thuật của Trạm đã đồng hành hướng dẫn các hộ cách chăm sóc, thu hoạch.

Ông Phan Ái Thượng, cán bộ khuyến nông xã Cư Bông cho hay, VA06 là loại cỏ có hàm lượng dinh dưỡng cao, khả năng lưu gốc tốt, trồng 1 năm có thể thu liên tục 6 - 7 năm. Mỗi lần thu hoạch, cắt đồng loạt, sát gốc, cách mặt đất 2 - 4 cm, sau đó làm sạch cỏ dại, vun gốc và bón phân để cây tăng trưởng tốt, năng suất cao, từ 300 - 450 tấn/ha. Mô hình này không chỉ tận dụng được lao động, quỹ đất sẵn có của các hộ mà còn giúp nông dân chuyển đổi từ tập quán chăn thả sang hình thức trồng cỏ năng suất cao phục vụ chăn nuôi, đồng thời chủ động được nguồn thức ăn dự trữ.

Theo đánh giá của Trạm Khuyến nông huyện Ea Kar, thành công của các mô hình đã triển khai không chỉ đối với các hộ được hưởng lợi mà còn được nhiều nông dân trên địa bàn ứng dụng và nhân rộng.

Để có kinh phí xây dựng mô hình trình diễn và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, Trạm Khuyến nông huyện đã xây dựng kế hoạch, tranh thủ, lồng ghép các nguồn vốn. Từ nguồn vốn sự nghiệp do UBND huyện bố trí và vốn do Trung tâm Khuyến nông tỉnh giao, Trạm đã triển khai mô hình trồng cỏ (xã Cư Bông, Cư Prông), nuôi dê nhốt chuồng (xã Cư Yang, Ea Sô), thâm canh giống lúa thuần chất lượng cao tại buôn Trưng (xã Cư Bông) và cánh đồng tái định cư (xã Cư Elang), trồng ngô sinh khối (xã Xuân Phú), cây ăn quả (xã Ea Sô, Ea Sar), nuôi cá nheo Mỹ (xã Cư Ni, Ea Sô)...

Các mô hình chủ yếu triển khai ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Sau khi xây dựng mô hình, Trạm Khuyến nông huyện đều phối hợp tổ chức hội thảo, tọa đàm vừa đánh giá, tổng kết, vừa chia sẻ kinh nghiệm, làm cơ sở cho các hộ trong vùng áp dụng vào thực tế sản xuất của gia đình.

Với sự hỗ trợ của đội ngũ khuyến nông, gia đình anh Phạm Xuân Toàn (xã Xuân Phú) có thêm điều kiện phát triển chăn nuôi bò.

Trạm phó Trạm Khuyến nông huyện Ea Kar Vương Khả Hùng cho biết, với phương châm “cầm tay chỉ việc”, các mô hình đều được cán bộ khuyến nông theo sát và đồng hành đến khi có hiệu quả. Nhờ vậy, đã giúp các hộ được tiếp cận các loại cây, con giống mới, thay đổi phương thức trồng trọt, chăn nuôi truyền thống sang ứng dụng khoa học kỹ thuật đem lại năng suất cao, chất lượng tốt, hướng đến sản xuất an toàn, bền vững. Thời gian tới, Trạm sẽ tiếp tục bám sát đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững của huyện cùng nhu cầu của nông dân để lựa chọn nội dung hoạt động khuyến nông phù hợp, hiệu quả.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.