Multimedia Đọc Báo in

Giá xăng giảm, bao giờ giá hàng hóa mới giảm?

08:05, 03/08/2022

Tính đến chiều 1/8, giá xăng dầu đã được điều chỉnh giảm lần thứ tư liên tiếp kể từ cuối tháng 6 đến nay. Người tiêu dùng địa phương nóng lòng chờ hàng hóa trên thị trường nhanh chóng "giảm nhiệt" theo giá xăng dầu.

Trong đợt điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ mới nhất vào ngày 1/8 của Liên bộ Công thương - Tài chính, giá xăng E5 Ron 92-II và Ron 95-III bán ra trên thị trường tỉnh đã về mức 25.000 - 26.000 đồng/lít. Giá dầu cũng đồng loạt được điều chỉnh giảm, có giá bán ra hơn 24.000 - 26.000 đồng/lít. Như vậy, so với hồi cuối tháng 6, giá xăng đã giảm 7.000 đồng mỗi lít, dầu giảm 5.000 đồng mỗi lít.

Giá xăng, dầu giảm là tín hiệu tốt với nền kinh tế và là cơ sở để hàng hóa trên thị trường giảm theo. Trong điều kiện nguồn thu của mỗi hộ gia đình bị eo hẹp hơn sau hai năm đại dịch COVID-19 thì việc giá xăng, dầu giảm sẽ giảm bớt gánh nặng chi tiêu cho người tiêu dùng.

Ghi nhận tại thị trường TP. Buôn Ma Thuột, sau khi giá xăng dầu giảm mạnh thì giá một số mặt hàng đã giảm theo, song không đáng kể. Đơn cử như dầu ăn Simply giảm 1.000 đồng/chai, từ 61.000 xuống còn 60.000 đồng/chai; nui khô giảm 1.000 đồng/kg...

Khách mua hàng tại chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột.
Tuy nhiên, nhìn chung hầu hết các mặt hàng bán ra vẫn chưa thể “hạ nhiệt”. Trừ các mặt hàng được cung ứng tại địa phương như thực phẩm tươi sống, rau củ quả, trứng thì đa phần hàng vận chuyển từ ngoài tỉnh về vẫn giữ đà tăng giá do liên quan đến chi phí vận chuyển. Chị Nguyễn Thị Thơm, chủ cửa hàng tạp hóa Thơm trên đường Lý Thường Kiệt (TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, đến hiện tại, chị vẫn chưa nhận được thông báo giảm giá hàng hóa từ các đầu mối cung ứng, dù nhiều khách hàng mua lẻ của chị cũng thắc mắc xăng đã giảm nhiều, tại sao hàng hóa thiết yếu vẫn chưa giảm.

Còn theo nhiều tiểu thương ở các chợ trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, giá xăng dầu đã giảm mạnh nhưng chi phí vận chuyển vẫn chưa thấy giảm. Chi phí vận chuyển tăng, tiểu thương đành phải cân đối cộng vào giá bán. Dù biết rằng làm như vậy sẽ bị chia sẻ khách hàng nhưng họ không còn cách nào khác. Nhiều tiểu thương cho biết, họ đang mong chờ được giảm giá cước vận tải nội địa và từ các đầu mối cung ứng nguồn hàng. Chị Nguyễn Thị Phượng, chủ quầy tạp hóa tại chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột cho hay, giá cước vận chuyển hàng hóa từ TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Khánh Hòa về liên tục tăng sau mỗi đợt xăng tăng giá, nhưng đến nay, mặc dù xăng dầu đã giảm mạnh, cước vận chuyển vẫn chưa chịu hạ. Mỗi thùng hàng chị gửi đi hiện vẫn giữ mức tăng 20.000 đồng/thùng (loại 30 kg). Giá cước tăng lên khiến hàng bán ra cũng phải tăng theo, trong khi sức mua trên thị trường đã sụt giảm mạnh từ đầu tháng 7 đến nay. Chị Ngô Thùy Trang (kinh doanh hàng khô gần đó) cho hay,  hàng hóa được tiểu thương ở chợ nhập về, cứ vài ba ngày có vài chục thùng hàng, chỉ cần các doanh nghiệp vận tải giảm giá cước thì tức khắc giá hàng hóa sẽ được điều chỉnh giảm theo.

Khảo sát các chợ dân sinh khác trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột như Tân An, Phan Đình Phùng, Tân Thành... cho thấy, các loại đồ khô, thực phẩm công nghệ... đều ở mức cao, thậm chí có loại còn tăng giá so với trước. Cụ thể như đường cát trắng tăng 1.000 đồng/kg, từ 20.000 đồng tăng lên 21.000 đồng/kg; muối bột canh có giá tăng 10.000 đồng/thùng (12 gói); các mặt hàng nước tương, xì dầu, gia vị, tương ớt của hãng Cholimex mỗi loại có mức tăng 1.000 đồng/chai; đậu xanh hạt sấy tăng 1.500 đồng/kg...

Khách chọn mua hàng giảm giá tại Siêu thị Go Buôn Ma Thuột

Trong khi ở các chợ dân sinh, hàng hóa có loại tăng, loại giảm trái chiều thì tại các siêu thị, giá các mặt hàng về cơ bản vẫn chưa có sự điều chỉnh. Đại diện Siêu thị Go Buôn Ma Thuột cho hay, đến hiện tại, khi xăng dầu giảm giá nhưng siêu thị chưa nhận được thông báo điều chỉnh giá từ nhà cung cấp. Trong bối cảnh nhà cung cấp chưa giảm giá thì siêu thị cũng chủ động thực hiện các chương trình giảm giá, khuyến mãi để kích sức mua trên thị trường. Trong đó, điểm nhấn tập trung vào các mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau củ quả... với mức giảm 10% vào mỗi sáng, lúc 8 giờ đến 10 giờ từ thứ hai đến thứ sáu hằng tuần.

Mỗi khi xăng dầu lên giá, hàng hóa trên thị trường nhanh chóng “ăn theo” giá xăng, nhưng hiện nay dù giá xăng dầu giảm, giá hàng hóa vẫn “án binh bất động” khiến người tiêu dùng không khỏi trông chờ. Chị Nguyễn Thị Lý (phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ, hàng hóa mỗi món tăng lên một vài giá, dù không nhiều nhưng cộng dồn lại thì chi phí cũng bị đẩy lên cao, tạo thêm áp lực cho người tiêu dùng. Trước việc xăng dầu giảm giá, chị rất kỳ vọng vào việc hàng hóa sẽ được điều chỉnh giảm tương ứng.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.