Tăng cường kiểm tra việc buôn bán, sử dụng thuốc, vắc xin thú y không rõ nguồn gốc
Ngày 9/8, UBND tỉnh đã có Công văn số 6650/UBND-NNMT về việc tăng cường kiểm tra buôn bán, sử dụng thuốc, vắc xin thú y không rõ nguồn gốc, chưa được phép lưu hành tại Việt Nam.
Theo đó, UBND tỉnh đề nghị Ban Chỉ đạo 389 tỉnh; Cục Quản lý thị trường; Sở NN-PTNT; UBND các huyện, thị xã, thành phố tuỳ theo chức năng, nhiệm vụ thực hiện tốt các nội dung theo Công văn số 4792/BNN-TY, ngày 25/7/2022 của Bộ NN-PTNT về việc tăng cường kiểm tra buôn bán, sử dụng thuốc, vắc xin thú y không rõ nguồn gốc, chưa được phép lưu hành tại Việt Nam.
Tại công văn này, Bộ NN-PTNT nhận định, trong quá trình kiểm tra thực tế của các cơ quan chức năng và phản ánh của cơ quan truyền thông, hiện nay trên thị trường có một số sản phẩm thuốc, vắc xin thú y đang được buôn bán, sử dụng trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản nhưng chưa được phép lưu hành tại Việt Nam. Đặc biệt, một số loại vắc xin dịch tả lợn châu Phi chưa được phép lưu hành tại Việt Nam; công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, bao gồm cả buôn bán, sử dụng thuốc, vắc xin thú y chưa được quan tâm đúng mức, kém hiệu quả.
Tuyệt đối không sử dụng vắc xin nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chưa được cấp phép lưu hành tại Việt Nam để tiêm trên đàn vật nuôi. (Ảnh minh họa) |
Để sớm khắc phục những tồn tại, bất cập trên, UBND tỉnh đề nghị các ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm tra, kiểm soát ở lĩnh vực này. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng là chủ động lập kế hoạch kiểm tra, thanh tra về buôn bán, sử dụng thuốc thú y; tăng cường các biện pháp kiểm soát lưu thông, kịp thời phát hiện xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán thuốc, vắc xin nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chưa được cấp phép lưu hành tại Việt Nam theo đúng quy định của pháp luật về thú y và pháp luật khác có liên quan, đặc biệt là vắc xin phòng bệnh cúm gia cầm, vắc xin dịch tả lợn châu Phi.
Trong quá trình kiểm tra, thanh tra nếu phát hiện các vi phạm về buôn bán, sử dụng thuốc thú y trong Danh mục cấm sử dụng, kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái, sử dụng nguyên liệu kháng sinh và các vi phạm khác cần xử lý kiên quyết, triệt để theo quy định, gồm: Đình chỉ kinh doanh, thu hồi giấy phép, chứng chỉ hành nghề, xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; thông báo danh tính của doanh nghiệp và sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân được biết. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến cho tổ chức, cá nhân liên quan các quy định pháp luật về buôn bán, sử dụng thuốc thú y; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, quy định về xử lý vi phạm hành chính, hình sự nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật và thực hiện tốt công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng kém chất lượng không rõ nguồn gốc, chưa được phép lưu hành tại Việt Nam.
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc