Multimedia Đọc Báo in

Agribank Buôn Đôn: “Bệ đỡ” vững chắc cho người dân phát triển kinh tế

08:12, 23/09/2022

Những năm qua, với sứ mệnh đồng hành cùng “Tam nông”, Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh huyện Buôn Đôn (Agribank Buôn Đôn) luôn khẳng định vai trò đồng hành cùng nông dân, giúp bà con đầu tư nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Năm 1998, anh Lê Đình Phục từ Nghệ An vào lập nghiệp tại thôn 13, xã Tân Hòa (huyện Buôn Đôn). Năm 1999, anh được Agribank Buôn Đôn cho vay hơn 500 triệu đồng để đầu tư trồng trọt trên diện tích 1,5 ha đất của gia đình. Nhờ nguồn vốn vay này, anh khoan giếng, mua cây giống, phân bón... trồng hơn 15.000 trụ tiêu xen cau xanh. Hiện tại, vườn tiêu của anh cho thu khoảng 4,5 tấn/năm, cau trái thu khoảng 20 tấn. Với giá cả như hiện tại, năm nay ước tính vườn tiêu xen cau mang lại cho gia đình anh nguồn thu gần 1 tỷ đồng. Sau khi trả hết nợ, nhận thấy cau trái được giá nên cùng với nguồn vốn vay của ngân hàng, anh còn bỏ ra hơn 900 triệu đồng để xây dựng 3 vườn ươm cau giống, cung cấp hàng vạn cây giống cho bà con trong và ngoài địa phương, đồng thời thêm nguồn thu lớn cho gia đình.

Khách hàng đến giao dịch tại Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh huyện Buôn Đôn.

Là khách hàng gắn bó lâu dài nhất với Agribank Buôn Đôn, từ năm 1988, ông Hà Đình Phùng (thôn 2, xã Tân Hòa) đã bắt đầu vay vốn để phát triển kinh tế. Hồi ấy, ông vay vốn để trồng cây công nghiệp, nuôi cá trên diện tích 3 ha đất của gia đình. Trải qua nhiều lần thất bại, song nhờ ý chí phấn đấu nỗ lực làm giàu, cùng nguồn vốn vay làm “bệ đỡ”, ông đã lập nghiệp thành công trên vùng đất khó. Đến nay, gia đình ông có 3 ao nuôi cá theo quy trình VietGAP, mỗi năm cho thu từ 400 - 450 kg cá thịt và hàng trăm cây ăn trái như vải, nhãn, sầu riêng... Không dừng lại ở đó, từ năm 2021, với nguồn vốn vay hơn 700 triệu đồng của ngân hàng, ông còn mở thêm dịch vụ giải trí hồ câu và ăn uống. Ông Phùng chia sẻ, là khách hàng lâu năm nên ông rất tin tưởng vào uy tín, khả năng đáp ứng nhu cầu vay vốn của Agribank. Khi đến làm thủ tục vay vốn, cán bộ ngân hàng rất nhiệt tình, giải quyết nhanh chóng, lãi suất lại hợp lý. Vì vậy, suốt hơn 30 năm qua, ông luôn chọn Agribank để vay vốn phát triển kinh tế cho gia đình.

Tương tự, từ năm 1995 đến nay, Agribank Buôn Đôn luôn là người bạn đồng hành giúp gia đình anh Võ Thành Sơn (buôn Kô Êđung, xã Ea Nuôl) phát triển kinh tế. Anh kể, những ngày đầu lập nghiệp chỉ vay thế chấp được từ ngân hàng khoảng 50 - 70 triệu đồng để mua rẫy trồng cà phê. Tuy nhiên, trên vùng đất khó, cây cà phê không phát triển được, đầu năm 2012, anh quyết định bán rẫy, tiếp tục vay khoảng 200 triệu đồng của ngân hàng xây dựng trang trại chăn nuôi vịt đẻ trứng và hệ thống lò ấp trứng. Ban đầu, anh vừa nuôi, vừa mày mò học hỏi kinh nghiệm với số lượng 2.000 - 3.000 con vịt. Sau đó, cứ cách 1 - 2 năm, anh tiếp tục vay thêm vốn ngân hàng để hoàn thiện trang trại và gia tăng số lượng đàn vịt đẻ trứng. Nhờ vậy, hiện tại trang trại vịt đẻ của gia đình anh đã lên tới hơn 20.000 con và hệ thống lò ấp có công suất từ 15.000 - 20.000 trứng/ngày mang lại doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm. Anh Sơn cho hay, không chỉ giúp phát triển kinh tế, Agribank Buôn Đôn còn là “bệ đỡ” giúp anh thoát khỏi khó khăn trong kinh doanh. Năm ngoái, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, gia đình anh thua lỗ. May mắn, nhờ có chính sách vay vốn của ngân hàng, anh vay được 1 tỷ đồng để “gỡ khó” mới duy trì được số lượng đàn vịt đẻ trứng, duy trì sản xuất, vượt qua cơn “khủng hoảng” chăn nuôi.

Cán bộ Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh huyện Buôn Đôn tham quan vườn tiêu xen cau trái của gia đình anh Lê Đình Phục (thôn 13, xã Tân Hòa). 

Giám đốc Agribank Buôn Đôn Lê Vũ Nam cho biết, đến nay, tổng dư nợ cho vay của đơn vị đạt hơn 1.100 tỷ đồng, với gần 3.900 khách hàng tại địa phương vay vốn để trồng trọt, chăn nuôi. Những năm qua, Agribank Buôn Đôn luôn phát huy vai trò của mình, nỗ lực đáp ứng nhu cầu vay vốn của khách hàng, giúp bà con địa phương tiếp cận được nguồn vốn vay nhanh chóng, kịp thời. Nhờ vậy, hạn chế được tình trạng "tín dụng đen" trên địa bàn, tạo điều kiện cho bà con có nguồn vốn để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.

Khánh Huyền


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.