Multimedia Đọc Báo in

Người phụ nữ năng động ở Quảng Phú

07:54, 21/09/2022

Với 1,5 ha rẫy trồng cà phê, hồ tiêu, gia đình chị Phạm Thị Hà (hội viên phụ nữ tổ dân phố 3A, thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar) có thu nhập bình quân 100 triệu đồng/năm, chưa kể 1 ha cây chanh dây chuẩn bị cho thu hoạch. Nguồn thu nhập từ nương rẫy giúp gia đình chị có cuộc sống khá ổn định và đủ nuôi các con ăn học.

Tuy nhiên, không dừng lại ở đó, chị Hà luôn trăn trở tìm tòi hướng phát triển kinh tế mới để vừa nâng cao thu nhập của gia đình vừa có thể hỗ trợ, tạo việc làm cho chị em phụ nữ trên địa bàn. Chị quyết định tìm hiểu tự học cắt may; sau đó kết nối được với một số doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh về tiêu thụ các mặt hàng may mặc. Chị bàn bạc với gia đình đầu tư mua 15 máy may công nghiệp và với sự hỗ trợ, giúp đỡ của Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Quảng Phú, chị đã đứng ra thành lập Tổ liên kết may mặc vào tháng 5/2021, với 15 thành viên là hội viên phụ nữ trên địa bàn.

Chị Hà (đứng) hướng dẫn kỹ thuật cho các thành viên Tổ liên kết may mặc.

Thời điểm ban đầu khi mới thành lập, Tổ liên kết may mặc của chị Hà gặp rất nhiều khó khăn do thiếu vốn, các chị em mới tiếp cận với kỹ thuật gia công nên nhiều sản phẩm không đạt chất lượng bị trả về. Chị Hà chịu khó học hỏi thêm về kỹ thuật may, cắt công nghiệp từ các cơ sở may mặc khác rồi về hướng dẫn lại cho các chị em trong tổ. Dần dần các sản phẩm của cơ sở được cải thiện về mẫu mã, nâng cao chất lượng kỹ thuật may nên được các doanh nghiệp tin tưởng đặt thêm nhiều đơn hàng. Hàng về và xuất đi thường xuyên nên thành viên trong Tổ liên kết có việc làm liên tục và thu nhập ổn định ở mức bình quân 7 - 9 triệu đồng/tháng. Nhờ vậy, cuộc sống của các chị em trong tổ được cải thiện rõ rệt; gia đình chị Hà cũng có thêm nguồn thu từ 15 - 20 triệu đồng/tháng.

H’Gluin Niê


Ý kiến bạn đọc


(Video) Đảm bảo quyền lợi bảo hiểm cho người lao động làm việc trong doanh nghiệp nước ngoài
Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã đầu tư vào Đắk Lắk góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế phát triển, giải quyết việc làm cho lao động ở địa phương. Cùng với phát triển sản xuất, các doanh nghiệp này đã quan tâm, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng bảo hiểm cho người lao động, đây chính là động lực giúp công nhân yên tâm lao động. ​​​​​​​