Multimedia Đọc Báo in

Xuất khẩu nông sản - Cần một chiến lược khoa học

08:10, 11/11/2022

Thông tin các lô hàng mắc ca xuất khẩu đi Nhật Bản, sầu riêng xuất khẩu đi Trung Quốc, đều theo đường chính ngạch đang mở ra những cơ hội xuất khẩu lớn, giá trị cao cho nông sản Đắk Lắk và Tây Nguyên. Song làm sao để biến những động thái đầu tiên, những cơ hội tiềm năng này trở thành hiện thực, lại là câu hỏi không dễ trả lời…

Còn bất ổn trong canh tác

Theo một số chuyên gia tư vấn, Đắk Lắk có các loại nông sản có giá trị cao là không ai phủ định. Nhưng để khẳng định các sản phẩm hàng hóa nông sản địa phương là có giá trị, nhất là giá trị xuất khẩu, thì không phải ai cũng tự tin đồng ý.

Ngay tại Hội thảo về xúc tiến đầu tư sản xuất sầu riêng ở huyện Krông Pắc diễn ra trong khuôn khổ Lễ hội Sầu riêng 2022 mới đây, một số nhà đầu tư đã tâm tư, nhìn con số tổng vài chục nghìn tấn sầu riêng thu hoạch mỗi năm, ai cũng lạc quan; nhưng trên thực tế việc vận chuyển, thu gom từng lô, từng đợt sầu riêng dễ khiến người ta nản lòng. Lý do đơn giản là việc canh tác sầu riêng vẫn bấp bênh, sản lượng có mà chất lượng không đồng đều, việc thu hoạch, bảo quản đều đang có vấn đề. Đa phần lượng sầu riêng bán ra thị trường đều có bàn tay thương lái can thiệp, kể cả các vấn đề xử lý trái cây trước khi đem bán…

Đại diện Công ty Cổ phần Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu  kiểm tra chất lượng sầu riêng xuất khẩu tại vùng nguyên liệu liên kết ở xã Tân Lập, huyện Krông Búk. Ảnh: Thuận Nguyễn

Một chuyên gia nông nghiệp miền Trung nhìn nhận, không riêng gì sầu riêng Đắk Lắk, gần như các loại nông sản xưa nay đều có dấu hiệu bất ổn trong đầu tư canh tác. Để xuất khẩu, yêu cầu theo dõi, tuân thủ các tiêu chí, thang điểm chất lượng ổn định càng gắt gao hơn. Nếu ví quy trình xuất khẩu như là một hệ sinh thái logistics, thì đáng tiếc là ngay công đoạn đầu tiên, gieo trồng canh tác đã luôn có vấn đề. Mấu chốt là, hàm lượng chất xám, tri thức khoa học hỗ trợ các hoạt động canh tác, sản xuất của người nông dân rất hạn chế.

Đại diện lãnh đạo Hội Nông dân Đắk Lắk tâm tư, nhiều năm qua, địa phương luôn lạc quan về sản lượng, chủng loại nông sản giá trị trên địa bàn. Đắk Lắk thực sự có dư địa lớn về diện tích canh tác nông nghiệp, và có hẳn những giống cây trồng, chủng loại nông sản giá trị mà không phải nơi nào cũng có được. Có điều, chính quan điểm nhìn nhận lạc quan ấy đã khiến chính các nhà quản lý, các tổ chức sản xuất và ngay người nông dân không nhìn nhận thấu đáo vấn đề hạn chế năng lực sản xuất của nông dân địa phương là thiếu tri thức khoa học, thiếu cập nhật những quy trình, giải pháp, các thành tựu khoa học kỹ thuật tiến bộ trong lĩnh vực nông nghiệp. Người nông dân chủ yếu vẫn canh tác theo kiến thức truyền thống, dựa vào các kinh nghiệm truyền đạt lâu năm, chứ không có được những hệ thống hỗ trợ, các nhà tư vấn, đặc biệt là đội ngũ các nhà khoa học yểm trợ phía sau, giúp thay đổi quan điểm và tư duy sản xuất manh mún, thụ động lâu nay.

Ba bước cần làm ngay

Các nhà tư vấn chỉ rõ, nông sản Đắk Lắk – Tây Nguyên có ba điểm yếu, là sản lượng không bảo đảm, thiếu cân đối với chất lượng; đầu ra tiêu thụ bấp bênh, giá trị bị giảm thấp; và hàm lượng tri thức khoa học trong sản phẩm làm ra rất thấp. Nhìn vào biểu đồ sản xuất của ngành nông nghiệp Đắk Lắk những năm qua, giới chuyên môn sẽ thấy rõ những nhược điểm này.

Để thay đổi, nông sản Đắk Lắk, Tây Nguyên nhất thiết phải có một chiến lược đầu tư bài bản, chi tiết về năng lực khoa học hóa trong sản xuất canh tác.

Lô hàng “MẮC CA KRÔNG NĂNG” đầu tiên được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản.

Trước hết, cũng là định hướng dài lâu, cần tiến hành thẩm tra, xây dựng lại vấn đề quy hoạch, phân vùng đất đai, chủng loại canh tác… trong lĩnh vực nông nghiệp, nông sản. Cần định vị rõ từng khu vực canh tác nông sản chuyên canh, luân canh…, phân loại đất đai, cây trồng phù hợp năng lực, điều kiện canh tác của nông dân để bố trí đầu tư hợp lý, hiệu quả. Việc này sẽ trực tiếp làm giảm nguy cơ, rủi ro trong đầu tư sản xuất, kích thích nông dân tập trung đúng nguồn lực chuyên canh, tạo giá trị và số lượng hàng hóa lớn hơn.

Rõ ràng phải có sự chuyển dịch mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các cơ quan quản lý, nhất là chuyên môn về khoa học, để cải thiện tình hình canh tác, ứng dụng sản xuất công nghệ cao trong nông dân Đắk Lắk – Tây Nguyên hiện nay mới có thể thay đổi mạnh mẽ chất lượng sản xuất hàng hóa nông sản địa phương.

Tiếp đó là làm rõ các khâu, các công đoạn canh tác sản xuất, thông qua tiếp cận kiến thức, bổ sung kiến thức cho nông dân. Đây thực chất là phần hạn chế trong quy trình, chiến lược phát triển nông nghiệp Đắk Lắk thời gian qua. Theo phản ánh của nhiều chi hội nông dân, lâu nay các hợp tác xã, hộ nông dân thiếu cơ hội tiếp cận với các hoạt động khoa học mới, sự hiện diện các nhà khoa học, các tổ chức nghiên cứu sản xuất trên đồng ruộng không nhiều. Ngay một số địa hạt nông sản giá trị cao, phát triển mạnh như hồ tiêu, sầu riêng, bơ…, nông dân vẫn chủ yếu tự mình tìm tòi cách xử lý, chăm sóc cây trồng, chống sâu bệnh… Việc chuyển giao quy trình sản xuất, công nghệ mới… chưa thường xuyên. Hệ lụy kéo theo, là nhiều vùng nông sản, hàng hóa cao sản dần suy giảm chất lượng, nảy sinh nhiều bệnh trạng trên cây trồng, không thể khắc phục được.

Cuối cùng, phải định hướng đẩy mạnh công nghệ cao, tiến đến số hóa canh tác nông nghiệp ở người nông dân, thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp. Không ít giám đốc doanh nghiệp chế biến nông sản tại Đắk Lắk chia sẻ, họ rất cần những nông dân có tư duy mới, chủ động chấp nhận các phương thức canh tác được theo dõi với quy trình công nghệ, đổi mới việc chăm sóc, hỗ trợ canh tác với các giải pháp công nghệ số. Nhưng đáng tiếc, đến nay vấn đề này vẫn chưa được phổ biến, đa số nông dân vẫn không tham gia vào quá trình chuyển đổi số nông nghiệp nông thôn địa phương.

Rõ ràng phải có sự chuyển dịch mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các cơ quan quản lý, nhất là chuyên môn về khoa học, để cải thiện tình hình canh tác, ứng dụng sản xuất công nghệ cao trong nông dân Đắk Lắk – Tây Nguyên hiện nay mới có thể thay đổi mạnh mẽ chất lượng sản xuất hàng hóa nông sản địa phương. Khi đã làm được điều này, những yêu cầu đi cùng như có thói quen tuân thủ kỹ thuật canh tác, chấp hành đúng những tiêu chí, hướng dẫn chỉ dẫn địa lý, đảm bảo quy trình kiểm soát chất lượng nông sản… mới có thể được người nông dân thực hiện.

Từ đó, vấn đề đạt các chỉ tiêu, tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu, dán nhãn mác hàng hóa, kiểm soát an toàn chất lượng vệ sinh trong môi trường nông nghiệp… mới có thể thực thi, và đây chính là những cơ hội hiện thực hóa mong muốn xuất khẩu hàng hóa nông nghiệp theo đường chính ngạch ra bên ngoài.

Nguyên Đức


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.