Multimedia Đọc Báo in

Tăng cường quản lý chất lượng hàng hóa dịp Tết Nguyên đán

16:08, 13/01/2023

Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023. Đây là thời điểm kinh doanh sôi động nhất trong năm, do vậy đa số các doanh nghiệp sản xuất lương thực, thực phẩm, kinh doanh bán lẻ... trên địa bàn tỉnh đều đang tăng tốc để chuẩn bị nguồn cung phục vụ thị trường Tết.

Là chủ cơ sở giò chả Bà The với hai cơ sở bán giò chả trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, chị Nguyễn Thị Nguyệt cho biết: Vào dịp Tết hằng năm lượng hàng cung cấp ra thị trường của cơ sở tăng gần 200%. Những ngày cao điểm có thể bán khoảng 7 tạ/ngày. Để có nguyên liệu sản xuất đạt chất lượng, ngay từ cuối tháng 10, cơ sở đã đi gom hàng và đặt trước để thu mua.

"Cơ sở của tôi đã kinh doanh cũng được 40-50 năm rồi. Cứ vào dịp Tết sản lượng bán ra nhiều. Chúng tôi rất chú trọng đến vệ sinh an toàn thực phẩm, nguyên liệu chỉ dùng thịt mới lấy tại lò, không dùng thịt đông lạnh. Các chất phụ gia thì làm theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế quy định…”, chị Nguyệt khẳng định.

Thành viên Đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm số 1 của UBND tỉnh kiểm tra tại cơ sở kinh doanh.
Thành viên Đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm số 1 của UBND tỉnh kiểm tra tại cơ sở kinh doanh.

Cơ sở chế biến thực phẩm Thành Phát, một trong những cơ sở chuyên cung cấp mặt hàng lương thực trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đến thời điểm này cũng đã dự trữ đầy đủ các mặt hàng gạo thơm các loại, nếp, đậu và một số mặt hàng nhu yếu phẩm khác.

Theo bà Vũ Thị Gấm, quản lý cơ sở, dự báo dịp Tết năm nay nhu cầu lương thực tăng khoảng 15-20% so với ngày thường. Do đó, để bảo đảm đủ lượng hàng, cơ sở đã chủ động đặt hàng tại các đơn vị cung cấp từ TP. Hồ Chí Minh và một số hợp tác xã sản xuất nông nghiệp sạch trong tỉnh.

Bà Gấm thông tin thêm: “Thời điểm này, các loại hàng hóa như bánh mứt, kẹo các thứ thì chúng tôi đã nhập được 90% rồi. Bây giờ cũng trong thời điểm làm các loại dưa món củ kiệu, các mặt hàng truyền thống Tết. Năm nào cũng thế, theo cam kết với cơ quan Quản lý thị trường, doanh nghiệp nhập hàng theo đúng nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tem nhãn, những hàng nhập khẩu cũng phải rõ ràng để đảm bảo quyền lợi khách hàng…”.

Nhằm đảm bảo việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, bảo đảm chất lượng và giá cả hàng hóa tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống trong dịp cao điểm này, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trên lĩnh vực hàng hóa cũng được các cơ quan chức năng tăng cường triển khai.

Lực lượng chức năng kiểm tra sản phẩm hàng hóa tại một cơ sở kinh doanh trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.
Lực lượng chức năng kiểm tra sản phẩm hàng hóa tại một cơ sở kinh doanh trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.

Ông Mai Mạnh Toàn, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh thông tin: Công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là nhiệm vụ quan trọng được lực lượng quản lý thị trường thường xuyên quan tâm, chú trọng. Để thực hiện tốt công tác này, đơn vị đã xác định địa bàn, đối tượng, mặt hàng trọng điểm, xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể để triển khai có hiệu quả, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đối với hàng hóa thiết yếu trong dịp Tết.

Hơn một tháng nay các đội quản lý thị trường trực thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh đã tăng cường các hoạt động kiểm tra, kiểm soát để đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm trong lĩnh vực hàng hóa; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến pháp luật và ký cam kết không vận chuyển tàng trữ, kinh doanh hàng giả không rõ nguồn gốc xuất xứ và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ… đối với các tổ chức, cá nhân trên địa bàn.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng thành lập 3 đoàn thanh kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm, tiến hành kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố tại 8 huyện, thị xã  và TP. Buôn Ma Thuột.

Ông Phạm Thế Hoan, Phó chánh thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành số 1 cho biết: “Qua kiểm tra thì hầu hết các hộ, tổ chức cá nhân sản xuất kinh doanh thực phẩm chấp hành tốt các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, bên cạnh đó một số cơ sở có vi phạm thì chúng tôi tiến hành xử lý theo quy định. Kết hợp với kiểm tra thì chúng tôi cũng tuyên truyền quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm và hướng dẫn cho các cơ sở sản xuất kinh doanh đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định…”

Sự vào cuộc của các cơ quan chức năng trong kiểm tra kiểm soát và sự chủ động của các đơn vị sản xuất kinh doanh đóng vai trò quan trọng nhằm ổn định thị trường và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như các cơ sở kinh doanh chân chính.

Lan Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.