Multimedia Đọc Báo in

Tiếp thị trên nền tảng số: Bắt kịp xu thế công nghệ hiện đại

08:05, 28/03/2023

Sự “bùng nổ” của công nghệ thông tin và mạng xã hội bắt buộc các doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh phải thay đổi phương thức tiếp cận khách hàng để thương hiệu, sản phẩm sản xuất ra được người tiêu dùng chú ý. Công tác chào bán sản phẩm, giới thiệu hàng hóa cũng có những thay đổi theo hướng gia tăng hình thức tiếp thị mới.

Đẩy mạnh marketing trên nền tảng công nghệ

Hiện nay, xu hướng bán hàng, tiếp thị trực tuyến đang tỏ ra tối ưa hóa, được nhiều DN, hộ kinh doanh lựa chọn. Ngoài tính nhanh chóng, thuận tiện để tiếp cận khách hàng, xu hướng này còn giảm bớt áp lực về mặt bằng kinh doanh, linh hoạt trong thanh toán, chào bán sản phẩm hàng hóa cho DN, hộ kinh doanh.

Chị Ngô Thu Thanh, tiểu thương bán quần áo tại chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột cho hay, có những thời điểm, người đến chợ thưa thớt, lượng khách hàng quan tâm đến sản phẩm tại sạp hàng cũng ít đi. Do đó, chị đẩy mạnh kinh doanh online qua mạng xã hội Zalo, Facebook để tiếp cận khách hàng một cách chủ động. Với chiếc điện thoại thông minh, chị đăng bài, chụp hình quảng cáo và tranh thủ buổi trưa livestream bán hàng. Nhờ kênh bán hàng này mà khách hàng biết đến chị ngày càng nhiều hơn, doanh thu được cải thiện.

Tiếp thị sản phẩm bằng cách chụp hình, quay video đăng tải trên các nền tảng số tại Công ty TNHH Một thành viên Anh Coffee.

Tại Công ty TNHH Một thành viên Anh Coffee, Cụm Công nghiệp Tân An (TP. Buôn Ma Thuột), ngoài bán hàng trực tiếp, hiện nay đơn vị có nhiều cách để tiếp cận khách hàng qua: website, email, kênh Youtube, Tiktok, Zalo, Facebook... Đặc biệt, đơn vị chủ động “đầu tư” nâng cao chất lượng về nội dung và đẩy mạnh tương tác qua các kênh Youtube, Facebook, Tiktok. Việc tiếp thị thông qua các video để đăng tải trên các nền tảng trên đã tạo ấn tượng và giúp khách hàng có thông tin về DN, sản phẩm một cách trực quan, sinh động, tăng độ tin cậy cho đối tác. Ngoài ra, công ty còn ứng dụng công nghệ số vào hoạt động quản lý như: xây dựng dữ liệu khách hàng, phần mềm quản lý phân phối, đưa sản phẩm bán trên sàn thương mại điện tử... Những công cụ marketing này có khả năng tiếp cận khách hàng cao hơn và đưa thông điệp lan tỏa mạnh mẽ hơn, tiếp cận được nhiều khách hàng và mang lại hiệu quả truyền thông tích cực.

Doanh nghiệp phải là chủ thể nòng cốt

Chuyển đổi số trong lĩnh vực marketing là sự tích hợp công nghệ kỹ thuật số vào các quy trình marketing và những quy trình có sự phối hợp của marketing. Tiếp thị số sử dụng các phương tiện điện tử, công nghệ truyền thông, mạng Internet để quảng bá sản phẩm tới khách hàng bằng các ứng dụng mạng xã hội, trên nền tảng công nghệ thông tin nhằm nâng cao doanh số bán hàng và tăng hiệu quả tiếp thị. Để đạt hiệu quả như mong muốn từ hoạt động này đòi hỏi DN, hộ kinh doanh phải có tư duy đổi mới, nhạy bén, luôn cập nhật xu thế thị hiếu, văn hóa tiêu dùng cũng như nắm vững về kỹ thuật số để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Tiểu thương ở chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột livestream bán hàng.

Chia sẻ về vấn đề này, anh Phạm Hoài Nguyên Anh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Anh Coffee cho biết, hoạt động quảng cáo sản phẩm và phát triển thương hiệu trên nền tảng số là vô cùng quan trọng với công ty. Thông qua các kênh online phù hợp trên nền tảng số, công ty sẽ thấu hiểu được nhu cầu và mong muốn của khách hàng hơn để cải thiện chất lượng dịch vụ, sản phẩm thương hiệu của mình, tăng khả năng tiếp thị và bán hàng, thúc đẩy tăng trưởng nhanh nhất. Tuy nhiên, để tăng lượng tương tác và tăng trưởng trong kinh doanh số, DN cần tìm kiếm cái riêng, chú ý tìm hiểu về “gu” tiêu dùng của mỗi khách hàng và làm tốt khâu chăm sóc khách hàng thường xuyên. Bên cạnh đó, cũng cần tối ưu website, nội dung, hình ảnh để thu hút người dùng mạng truy cập và tăng tính trải nghiệm cá nhân cho khách hàng.

Trên thực tế, đi cùng với chuyển đổi số, cách thức truyền thông và tiếp thị sản phẩm của DN, hộ kinh doanh cũng đang thay đổi để bắt nhịp xu hướng tiêu dùng mới. Nhờ tận dụng sức mạnh của công nghệ đã góp phần tăng hiệu quả kinh doanh. Ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Công Thương đánh giá, hiện các DN của tỉnh đã nhận thức được tầm quan trọng và ý nghĩa của việc chuyển đổi số để đáp ứng nhu cầu kinh doanh trong thời kỳ mới, bắt nhịp xu thế thị trường. Nhiều DN, hộ kinh doanh đang có sự “chuyển mình” đáng kể trong việc tiếp cận công nghệ thông tin, sử dụng và khai thác các nền tảng mạng xã hội để bán hàng, xây dựng, quảng bá thương hiệu. Tuy nhiên, DN cần xây dựng được chiến lược truyền thông bài bản, đầu tư kinh phí phát triển kinh doanh trên các nền tảng công nghệ hiện đại để khai thác khách hàng tiềm năng, mang đến sự tăng trưởng bền vững cho DN.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.