Nông trại của chàng trai 9x
Năm 2013, sau khi tốt nghiệp đại học ngành cơ khí chế tạo máy, anh Nguyễn Tuấn Dũng (SN 1992, xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar) làm việc tại một công ty của Nhật Bản có trụ sở ở TP. Hồ Chí Minh.
Khi được công ty cử đi làm việc tại Nhật Bản, anh được uống và trải nghiệm nhiều loại cà phê thế giới, tiếp xúc và học tập về nền nông nghiệp phát triển của Nhật Bản theo hướng bền vững. Năm 2018, anh Dũng quyết định nghỉ việc, trở về quê hương phát triển kinh tế bằng chính cây cà phê đã nuôi mình từ bé.
Anh Dũng trải lòng: “Trở về Đắk Lắk, tôi tìm đến các farm nông nghiệp sản xuất hữu cơ để làm việc, trải nghiệm và tìm hiểu, học hỏi. Nhận thấy quê hương có đất đỏ bazan tươi tốt, đặc biệt sau đại dịch COVID-19, mọi người chú trọng sức khỏe nhiều hơn, tôi đã cùng một người bạn thân chung ý tưởng xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, bền vững ngay tại địa phương”.
Anh Dũng (bìa phải) giới thiệu các loại cây trong nông trại của mình. |
Bắt đầu từ vườn cà phê của gia đình, anh Dũng tiếp nhận thêm các vườn cà phê robusta sẻ, TR4 trong vùng với tổng diện tích 6 ha và bắt tay vào chuyển đổi sản xuất theo hướng hữu cơ, gắn với bảo vệ môi trường. Bên cạnh cây trồng chủ lực cà phê, anh tận dụng những cây rừng có sẵn trong vườn như bình linh, me rừng, muồng, gạo, gòn, sữa... che bóng; đồng thời phát triển thêm những cây kinh tế: tiêu, mắc ca, sầu riêng, bơ, vối, bạch đàn chanh và trồng thêm chuối, cỏ vetiver… mô phỏng một khu rừng thu nhỏ.
Trong khu vườn của mình, anh không sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật hay các loại hóa chất mà dùng phân hữu cơ, đạm cá, ứng dụng vi sinh vào canh tác nông nghiệp. Anh Dũng lý giải, một số loại cây như cỏ vetiver, chuối được trồng xen kẽ nhằm bổ trợ cho cây cà phê. Cỏ vetiver rễ rất dài, từ đó có thể lấy nước từ tầng đất sâu bổ sung cho cây trồng chính, đồng thời chống xói mòn, khi cây già có thể làm phân bón. Cây chuối bổ sung lượng kali nhiều, vừa có trái thu lại kéo chim chóc về, bổ trợ lượng thiên địch. Thân chuối sau khi thu hoạch sử dụng để ủ vi sinh. Vườn cà phê trở thành môi trường sống của nhiều loại côn trùng, đặc biệt là kiến vàng, anh không diệt hoàn toàn vì loài này bổ trợ cho cây có múi.
Theo anh Dũng, xu hướng làm nông nghiệp hữu cơ gắn với bảo vệ môi trường là bài toán khó, bởi khi chú trọng vào chất lượng, sẽ phải chịu giảm năng suất giai đoạn đầu, sau đó theo lộ trình mới đưa về giai đoạn ổn định. Tuy vậy, khu vườn đa dạng tầng tán, đa dạng sinh học thì sẽ đa dạng về nguồn thu. Tùy thời điểm, từng loại cây sẽ cho thu hoạch sản phẩm khác nhau.
Anh Dũng (giữa) chia sẻ về quy trình sản xuất, chế biến cà phê trong nông trại. |
Từ năm 2022, anh bắt đầu học chế biến cà phê chất lượng cao, mạnh dạn mang 700 kg cà phê của nông trại trong mùa vụ năm 2022 tham gia Cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam 2023 do Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột tổ chức. Kết quả, sản phẩm đã đạt được chứng nhận cà phê đặc sản Việt Nam với số điểm 82,5 điểm, lọt vào top 15 cuộc thi. Anh cũng thành lập Công ty TNHH iForest chuyên sản xuất các dòng sản phẩm về cà phê và một số sản phẩm từ nông trại như: tiêu, mật ong… Đến nay, các sản phẩm đã có mặt ở 21 cửa hàng của 7 tỉnh thành trên cả nước. Vừa qua, 4 sản phẩm cà phê của Công ty TNHH iForest gồm: Cà phê đặc sản nông trại rừng, Cà phê honey nông trại rừng, Cà phê nông trại rừng, Cà phê túi nhúng đặc sản nông trại rừng đã được UBND huyện Cư M’gar công nhận đạt OCOP 3 sao cấp huyện.
Với mô hình canh tác thuận tự nhiên, đa dạng cây trồng, nông trại iForest thu hút nhiều du khách, doanh nghiệp quan tâm đến cà phê tìm đến trải nghiệm, tìm hiểu. Tháng 10/2023, Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột đã lựa chọn nông trại iForest là nơi tổ chức lớp chế biến cà phê chất lượng cao.
Huyền Diệu
Ý kiến bạn đọc