Multimedia Đọc Báo in

Giữ bình yên cho mùa thu hoạch cà phê

11:38, 26/12/2021

Là một trong những vùng trọng điểm trồng cà phê của tỉnh, mỗi mùa thu hoạch cà phê, huyện Krông Búk có rất đông lao động ngoại tỉnh đến làm công. Do đó, việc quản lý lao động tự do, bảo đảm an ninh trật tự (ANTT) được huyện đặc biệt chú trọng.

Huyện Krông Búk có trên 20.000 ha cà phê kinh doanh, hiện đang thu hút khoảng 800 lao động ngoại tỉnh đến làm công. Trung tá Nguyễn Trần Tuấn, Trưởng Công an huyện Krông Búk cho biết, để đảm bảo ANTT trong mùa thu hoạch cà phê, đơn vị đã tham mưu Huyện ủy, UBND huyện Krông Búk chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể đồng hành với nông dân thu hoạch cà phê kịp thời vụ. Đồng thời, chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều biện pháp tuần tra, mật phục, bảo đảm ANTT, phòng ngừa tội phạm; quản lý chặt số lao động tự do đến địa bàn, tránh tình trạng kẻ gian trà trộn thực hiện hành vi phi pháp.

Công an xã Cư Né tuần tra, bảo đảm an ninh trật tự khu vực rẫy cà phê.

Thượng úy Đàm Phi Hùng Mlô, Phó Trưởng Công an xã Cư Né chia sẻ, trong quá trình tuần tra an ninh, Công an xã kết hợp gặp gỡ, thăm hỏi người dân để nắm bắt tình hình, vận động bà con tránh thuê mướn người lao động có lý lịch không rõ ràng hoặc biểu hiện nghi vấn; thực hiện đăng ký tạm trú, tạm vắng cho người làm công. Hướng dẫn các tổ tự quản, tổ xung kích thôn, buôn, thường xuyên tuần tra vào ban đêm tại các khu rẫy vắng. Mặt khác, Công an xã còn làm việc trực tiếp với các đại lý trên địa bàn, vận động ký cam kết không thu mua cà phê trộm cắp; đăng tải thông tin, hình ảnh trên các trang Zalo, Facebook của Công an xã, Công an huyện về phương thức, thủ đoạn của các nhóm trộm cắp để người dân cảnh giác.

Gia đình ông Y Nguôn Niê ở buôn Drah 1 (xã Cư Né) có 3 ha cà phê đều ở cách xa nhà. Do không trông coi thường xuyên được nên những năm trước, rẫy cà phê của ông thường bị trộm “ghé thăm”. Hai năm trở lại đây, nhờ có lực lượng công an chính quy về xã, phối hợp với tổ tự quản an ninh buôn thường xuyên tuần tra ngày đêm nên tình trạng trộm cắp cà phê giảm hẳn, người dân khá yên tâm. Vừa qua, gia đình ông còn được các chiến sĩ Công an xã tới tận nhà hướng dẫn cách khai báo lưu trú đối với người lao động tới làm thuê, hướng dẫn khai báo y tế, phổ biến về tuân thủ quy tắc 5K trong phòng, chống dịch.

Người dân thôn Kty 4, xã Cư Kpô chế biến quả cà phê sau thu hoạch.

Nhằm quản lý tốt số lao động ngoại tỉnh đến địa phương, giúp ngăn ngừa nguy cơ phát sinh và lây lan dịch bệnh, UBND xã Pơng Drang đã chỉ đạo các thôn, buôn thông báo, yêu cầu người dân làm đơn đăng ký số lượng nhân công cần trước khi thuê; hướng dẫn các quy định, biện pháp phòng, chống dịch. Mỗi lao động đến địa phương được test nhanh COVID-19, theo dõi sức khỏe, giám sát, hạn chế giao tiếp với người địa phương. Nhiều hộ dân trong xã còn chủ động dựng lán trại ngay tại vườn cà phê để đảm bảo nơi ăn, chốn ở cho nhân công đến thu hái.

Ông Trần Văn Hoan, đến từ thị xã Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa) - đang thu hái cà phê tại xã Pơng Drang cho hay, từ đầu tháng 11, nhóm của ông gồm 15 người đến huyện Krông Búk hái cà phê thuê. Tất cả đã tiêm 2 mũi vắc xin phòng COVID-19. Khi đến xã Pơng Drang đều được đăng ký tạm trú, lấy mẫu xét nghiệm nhanh và chủ hộ còn bố trí nơi ăn ở tại nhà rẫy rất thuận tiện. Ngoài ra, các cán bộ thôn cũng thường xuyên đến thăm hỏi, động viên trong quá trình lưu trú.

Nhờ triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều biện pháp đảm bảo ANTT và phòng, chống dịch COVID-19 nhân dân huyện Krông Búk yên tâm lao động sản xuất, thu hoạch cà phê đúng tiến độ thời vụ. Công tác bảo đảm ANTT trên địa bàn tiếp tục được giữ vững. Các loại tội phạm được kéo giảm; tình hình dịch bệnh COVID-19 cơ bản được kiểm soát. Từ đầu niên vụ cà phê năm 2021 đến nay, Công an huyện mới phát hiện và xử lý 3 vụ trộm cắp cà phê (giảm 5 vụ so với cùng kỳ năm trước).

Lê Thành

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.