Multimedia Đọc Báo in

Bóng đá, trò chơi nghiệt ngã!

12:08, 14/11/2021

Bóng đá Việt Nam, cả cấp độ đội tuyển quốc gia cũng như U23 đang đối mặt với những khó khăn, áp lực rất lớn từ dư luận tại Vòng loại World Cup 2022 và Vòng chung kết U23 châu Á 2022 mà chính bản thân những người trong cuộc dù đã chấp nhận tham gia cuộc chơi song vẫn không ngờ điều đó lại nghiệt ngã đến như thế…

Ở cấp độ đội tuyển U23, dù các cầu thủ của Huấn luyện viên Park Hang-seo giành quyền lọt vào Vòng chung kết U23 châu Á với 6 điểm tuyệt đối sau hai chiến thắng với cùng tỷ số 1-0 trước Đài Loan và Myanmar song vẫn chịu sự chỉ trích rất nhiều từ dư luận, một bộ phận người hâm mộ cũng như các chuyên gia, bình luận viên bóng đá. Tựu trung các ý kiến đều có chung nhận định lối chơi của các cầu thủ trẻ - tương lai của bóng đá nước nhà quá cứng rắn, để lại hình ảnh không đẹp mắt, thiếu fair play ở sân chơi quy mô châu lục.

Nặng nề hơn, không ít ý kiến còn đưa ra những phân tích, so sánh các cầu thủ trẻ U23 hiện nay với lứa đàn anh thuộc “thế hệ vàng” của bóng đá Việt Nam, như Quang Hải, Công Phượng, Tiến Dũng, Đình Trọng, Văn Hậu… đã lọt vào đến trận đấu cuối cùng tại giải đấu này năm 2018; cho rằng các cầu thủ trẻ hiện nay thua kém toàn diện, không có nhân tố xuất sắc, nổi bật, từ đó có cái nhìn bi quan về tương lai bóng đá nước nhà.

Các cầu thủ U23 dù đã giành quyền lọt vào Vòng chung kết U23 châu Á song vẫn chưa làm hài lòng dư luận. Ảnh: VFF

“Mọi sự so sánh đều khập khiễng”, chắc hẳn những nhận định trên là thiếu công bằng, khách quan, làm tổn thương lòng tự trọng của các cầu thủ U23 Việt Nam, khiến các cầu thủ trẻ rơi vào tâm trạng hụt hẫng. Cần nhớ lại, thành tích của chúng ta tại vòng loại lần này còn tốt hơn năm 2018, bởi khi ấy chúng ta chỉ cán đích ở vị trí nhì bảng đấu. Đáng lý ra, thành tích trên của các cầu thủ càng phải đáng ghi nhận, nhất là trong bối cảnh các giải bóng đá chuyên nghiệp buộc phải tạm hoãn, cầu thủ phải tập luyện “chay”, thiếu cọ xát, tích lũy kinh nghiệm trên sân cỏ nhưng vẫn hoàn thành mục tiêu quan trọng là lọt vào vòng chung kết. Vậy còn lý do nào để chúng ta có cái nhìn quá khắt khe, đòi hỏi các cầu thủ U23 phải thật toàn diện “vừa chơi đẹp, vừa phải hiệu quả”. Có thể, khán giả hâm mộ vẫn chưa hài lòng, thỏa mãn khi đây đó trong những tình huống bóng, các cầu thủ trẻ còn có những pha đá rắn quá mức cần thiết, hoặc những pha phạm lỗi không đáng có, song những hạn chế ấy hoàn toàn có thể được Huấn luyện viên Park Hang-seo điều chỉnh, nhắc nhở, để các cầu thủ trẻ cải thiện ở những trận đấu phía trước.

Riêng đội tuyển quốc gia, sau những thất bại liên tiếp trước các đối thủ cực mạnh như: Úc, Ả Rập Xê út… bên ngoài sân cỏ diễn ra một cuộc tranh luận chuyên môn về công tác sử dụng nhân sự của ông bầu Đỗ Quang Hiển của Câu lạc bộ Hà Nội - đội bóng đóng góp nhiều cầu thủ trẻ trong tuyển U23 lẫn quốc gia, tất nhiên là chỉ với mục đích giúp đội bóng thi đấu tốt hơn, cải thiện hơn. Tuy nhiên khi mà những góp ý được đưa lên truyền thông, dưới góc nhìn không đúng bản chất sự việc, quan trọng hóa vấn đề của một bộ phận, hoặc là bênh vực cho người đã đưa ra ý kiến góp ý, hoặc ra sức bảo vệ Huấn luyện viên Park Hang-seo thì sự việc trở nên phức tạp, bị đẩy đi xa hơn, thậm chí cho rằng đây là cuộc “khẩu chiến”, có khả năng làm ảnh hưởng, rối ren đến nội bộ đội tuyển.

Trong thực tế thì ở một môi trường bóng đá chuyên nghiệp, việc đưa ra những nhận định, góp ý của các chuyên gia, những người am tường về bóng đá là chuyện hết sức bình thường; và tất nhiên về phía Huấn luyện viên Park Hang-seo, ông có thể quan tâm lắng nghe ý kiến đóng góp hoặc không, bởi với vai trò là người chèo lái đội tuyển, ông mới chính là người chịu trách nhiệm cuối cùng. Hơn ai hết, lúc này Huấn luyện viên Park Hang-seo cảm nhận được áp lực khủng khiếp từ phía người hâm mộ, giới chuyên môn bởi ông hiểu rằng tất cả những góp ý đều với mục đích cuối cùng là để đội tuyển có thành tích tốt hơn - điều đó cũng đồng nghĩa với việc dư luận đòi hỏi ở đội tuyển luôn phải có một kết quả thắng hoặc chí ít là… hòa. Còn nhớ, sau những thành tích vang dội trước đó, trong một cuộc trả lời phỏng vấn, Huấn luyện viên Park Hang-seo đã phát biểu rằng: “Người Việt Nam yêu thích bóng đá nhưng chỉ là bóng đá chiến thắng thôi!”. Hẳn nhiên những nhận định trên của thầy Park được đúc rút ra khi vị thuyền trưởng đến từ xứ sở kim chi chứng kiến làn sóng hâm mộ ăn mừng chiến thắng và cả những lời chỉ trích từ báo chí, người hâm mộ mỗi khi đội tuyển mắc lỗi.

Bóng đá là một trò chơi nghiệt ngã, nó có thể đưa một cầu thủ, một huấn luyện viên lên tột đỉnh vinh quang, song chỉ cần mắc một sai lầm, hoặc thất bại trong một trận đấu là có thể bị vùi xuống tận đáy vực thẳm. Bài học nhãn tiền của Huấn luyện viên tuyển Anh Gareth Southgate khi đã đưa đội tuyển xứ sở sương mù lọt đến tận trận chung kết EURO 2020, nhưng chỉ vì những sai lầm trong chọn lựa cầu thủ đá luân lưu đã khiến chính bản thân ông cũng như các cầu thủ hứng chịu búa rìu luận, để mọi thành tích phải “đổ sông đổ biển”. Khi hiểu như thế, chúng ta mới có cái nhìn đồng cảm, chia sẻ với các cầu thủ cũng như khâm phục bản lĩnh của Huấn luyện viên Park Hang-seo khi ông dũng cảm đối mặt với dư luận, âm thầm khẳng định năng lực bản thân qua việc dẫn dắt các đội tuyển giành những thành tích xứng đáng ở các sân chơi vừa tầm.

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.