Cú "ăn 3" huy chương SEA Games của thể thao Đắk Lắk
Các vận động viên thể thao thành tích cao Đắk Lắk đã làm nên kỳ tích khi lập một "cú hat-trick" huy chương tại SEA Games 31, đóng góp vào thành tích chung của đoàn Việt Nam tại ngày hội thể thao lớn nhất khu vực.
Tại SEA Games 31, Đắk Lắk có 3 vận động viên vinh dự có tên trong danh sách các đội tuyển tranh tài, gồm: võ sĩ boxing Trương Đình Hoàng, xạ thủ bắn cung Nguyễn Thị Hải Châu và cầu thủ Phan Tuấn Tài. Đây là 3 gương mặt xuất sắc nhất của thể thao Đắk Lắk hiện tại, nên người hâm mộ tỉnh nhà tin tưởng, kỳ vọng các vận động viên phát huy năng lực, thi đấu hết mình vì màu cờ sắc áo, mang vinh quang về cho Tổ quốc nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng. Sự kỳ vọng, tin tưởng của người hâm mộ hoàn toàn có cơ sở khi các gương mặt được tuyển chọn đã khẳng định “chỗ đứng” của mình qua các sân chơi chất lượng.
Với Trương Đình Hoàng, có lẽ chẳng cần phải bàn cãi thêm về sức mạnh trên võ đài của tay đấm được mệnh danh là “Nam vương quyền Anh Việt Nam” khi anh bất bại ở giải đấu trong nước 12 năm liên tiếp cùng với việc thâu tóm nhiều danh hiệu ở đấu trường chuyên nghiệp, trong đó có cả hai danh hiệu cao quý là WBA Đông Á và châu Á. SEA Games 31 là lần thứ 5 võ sĩ này góp mặt, hướng đến mục tiêu sưu tầm tấm huy chương thứ 5. Anh tranh tài ở hạng cân 75 - 81 kg và vào đến bán kết. Ở trận tranh vé vào chung kết, Trương Đình Hoàng so găng với tay đấm người Indonesia Muskita, nếu thắng trận này anh sẽ tái ngộ võ sĩ người Thái Lan Thongkratthok để đòi lại tấm Huy chương Vàng tại SEA Games 30 mà anh bị xử thua một cách oan ức. Ở trận bán kết này, Trương Đình Hoàng nhập cuộc khá tốt, nhưng một lỗi kỹ thuật sau pha húc của võ sĩ Muskita khiến Trương Đình Hoàng bị chấn thương chảy nhiều máu, không thể quan sát và các bác sĩ quyết định dừng trận đấu để đảm bảo an toàn. Dẫu vậy tấm Huy chương Đồng cũng đã là một phần thưởng xứng đáng, giúp anh đi vào lịch sử làng võ Việt Nam khi có 5 lần dự SEA Games và đều đoạt huy chương, trong đó có 1 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc và 3 Huy chương Đồng.
Võ sĩ Trương Đình Hoàng (võ phục đỏ) tranh tài ở trận bán kết. Ảnh: Giang Huy |
Với nữ xạ thủ bắn cung Nguyễn Thị Hải Châu, kiện tướng quốc gia chuyên “săn” huy chương về cho thể thao thành tích cao Đắk Lắk và có mặt trong đội tuyển quốc gia nhiều năm thì đây là lần đầu tiên cô được tranh tài ở đấu trường khu vực tổ chức ngay trên sân nhà. Nguyễn Thị Hải Châu thi đấu cả 3 nội dung: cung 3 dây cá nhân nữ, cung 3 dây đồng đội nữ và cung 3 dây đôi nam - nữ. Ở các nội dung cá nhân nữ và đồng đội nam - nữ, Nguyễn Thị Hải Châu đều vào đến trận tranh Huy chương Đồng song đáng tiếc không thể bước lên bục vinh quang. Tuy nhiên, ở nội dung đồng đội, cô cùng các đồng đội Lê Phương Thảo và Lê Phạm Ngọc Anh xuất sắc vượt qua các cung thủ Malaysia với điểm số 225 - 219 ở bán kết để vào tranh Huy chương Vàng với nhà đương kim vô địch của Thái Lan. Ở trận đấu quyết định, Nguyễn Thị Hải Châu cùng các đồng đội chỉ thua sít sao đội tuyển rất mạnh với điểm số chung cuộc 221 - 230 và đoạt Huy chương Bạc. Như vậy trong lần góp mặt đầu tiên, cô đã cùng các đồng đội đổi màu huy chương, từ Huy chương Đồng của SEA Games 30 lên Huy chương Bạc SEA Games 31.
Nguyễn Thị Hải Châu với tấm Huy chương Bạc đầu tiên tại đấu trường SEA Games. |
Vận động viên cuối cùng, lập nên cú "ăn ba" huy chương cho thể thao Đắk Lắk là nhà vô địch bóng đá nam SEA Games 31 Phan Tuấn Tài. Hậu vệ đang khoác áo Câu lạc bộ bóng đá Đắk Lắk trong lần thứ hai tham gia tranh tài ở giải đấu quy mô khu vực đã có một màn trình diễn cực kỳ xuất sắc. Anh được Huấn luyện viên Park Hang-seo tin tưởng bố trí ở đội hình xuất phát trong tất cả các trận đấu và đều hoàn thành tốt vai trò của mình dù là ở vị trí hậu vệ trái hay trung vệ. Dấu ấn rõ nét Phan Tuấn Tài để lại ở giải đấu này chính là đường chuyền cực kỳ chính xác ở trận chung kết với đại kình địch Thái Lan để đồng đội Nhâm Mạnh Dũng ghi bàn thắng quyết định, giúp tuyển U23 Việt Nam bảo vệ thành công ngôi vương trong niềm hạnh phúc vỡ òa của triệu triệu người hâm mộ Việt Nam.
Đăng Triều
Ý kiến bạn đọc