Multimedia Đọc Báo in

Rực rỡ "các chiến binh sao vàng"!

08:15, 11/01/2023

Đánh bại Indonesia 2-0 ở bán kết lượt về trên sân Mỹ Đình, đội tuyển Việt Nam hiên ngang bước vào chung kết AFF Cup 2022 với rất nhiều kỷ lục rực rỡ.

Bệ phóng là hàng phòng ngự “thép”

Kết quả này giúp đoàn quân của Huấn luyện viên (HLV) Park Hang-seo tiếp tục bất bại sau 6 trận tại AFF Cup 2022 mà không để thủng lưới lần nào. Tính cả trận hòa 0-0 trước Thái Lan ở AFF Cup 2020, đội tuyển Việt Nam đã trải qua 7 trận liên tiếp giữ sạch lưới. Đây là điều chưa từng có trong lịch sử giải đấu số 1 Đông Nam Á.

Không nghi ngờ gì nữa, triết lý huấn luyện của ông Park trước hết phải dựa trên hệ thống phòng ngự “thép”. 10 hậu vệ/25 tuyển thủ được triệu tập cho giải đấu này là số lượng rất lớn. Ông dành tâm sức và sử dụng rất nhiều nhân tố với quyết tâm hạn chế việc để thủng lưới ở mức thấp nhất.

Bộ 3 trung vệ luôn được hoán chuyển: Ngọc Hải - Duy Mạnh - Thành Chung; Ngọc Hải - Thành Chung - Bùi Tiến Dũng hay thậm chí là Quế Ngọc Hải - Thanh Bình - Việt Anh. Trong khi đó, Văn Hậu (cánh trái), Hồ Tấn Tài (cánh phải) cũng từng được thay bằng Hồng Duy và Văn Thanh. Bất cứ lúc nào, hàng thủ của đội tuyển Việt Nam cũng có thể chơi theo tuyến nghiêng 4 người, lập tức biến tấu thành 5 người hoặc 3 người, có 1 trung vệ thòng cổ điển.

Đấy là chưa kể các tiền vệ trung tâm được chỉ đạo hoàn thiện cả tấn công lẫn phòng ngự. Dàn hậu vệ đội tuyển Việt Nam có chiều cao lý tưởng, được chỉ huy dưới hai thủ lĩnh “sừng sỏ” bậc nhất Đông Nam Á như Ngọc Hải, Văn Hậu, đã thế trong khung thành lại sở hữu thủ môn tuyệt vời như Văn Lâm, có khả năng thích nghi cao với bất cứ đồng đội nào. Lâm “tây” đang là cầu thủ duy nhất của đội tuyển Việt Nam đã chơi đủ 90 phút trong toàn bộ 6 trận đấu của đội tuyển Việt Nam, tại AFF Cup 2022.

Tiến Linh cùng đồng đội đã có trận bán kết lượt về quá xuất sắc.

Chúng ta hãy nhớ lại, suốt cả hành trình tại SEA Games 31, hàng phòng ngự của U23 Việt Nam cũng đã chơi cực kỳ chắc chắn, với trọn vẹn 570 phút giữ sạch lưới (bao gồm 4 trận vòng bảng, trận bán kết kéo dài 120 phút với U23 Malaysia và trận chung kết gặp U23 Thái Lan). Xa hơn, tại SEA Games 2019, U22 Việt Nam sạch lưới 5 trong số 7 trận cả giải. Tại AFF Cup 2018, tuyển Việt Nam sạch lưới 5 trong số 8 trận toàn giải (không thủng lưới bàn nào ở vòng bảng). Đấy là những lần Việt Nam vô địch.

Tài trí của “thuyền trưởng” Park

Có nghĩa, khi một đội bóng xây dựng được thành trì vững chắc, họ không những làm nản lòng và dễ phá vỡ cấu trúc chiến thuật đối phương, mà còn giúp huấn luyện viên nhạy cảm hơn trong việc triển khai các thế trận, chính xác trong việc bố trí nhân sự. Không chỉ hàng phòng ngự, các vị trí khác cũng luôn được điều chỉnh trong 90 phút, hoặc so với trận trước. Điển hình như trận đấu vừa qua, ông Park sau đó đã rút Quang Hải, Tiến Linh, Thành Chung, Bùi Tiến Dũng khỏi sân và đưa Văn Đức, Văn Toàn, Thanh Bình, Bùi Hoàng Việt Anh vào thay. Đỗ Duy Mạnh, Văn Thanh, Phan Văn Đức không được đá chính như trận bán kết lượt đi. Ngay cả tiền đạo sừng sỏ như Văn Quyết cũng phải ngồi làm khán giả.

Với một đội bóng chất lượng các vị trí không quá chênh lệch, các tuyển thủ đều phải luôn nỗ lực tối đa. Thật may mắn cho HLV Park Hang-seo khi ông đang có trong tay hai lứa cầu thủ được coi là “vàng ròng” của đội tuyển Việt Nam - thế hệ Quang Hải, Văn Hậu, Văn Lâm và Khuất Văn Khang, Việt Anh… Đấy là thuận lợi về mặt “nhân hòa”. Tuy nhiên, cần phải tiếp tục đánh giá cao dấu ấn cầm quân của HLV Park Hang-seo. Bởi, trong quá khứ, rất nhiều huấn luyện viên ngoại khác cũng từng tập hợp được lứa cầu thủ giỏi nhưng chỉ mỗi HLV Calisto một lần vô địch tại AFF Cup 2008 là minh chứng cho khả năng cầm quân. Ông Park đã rất nhiều lần thành công, cả phạm vi Đông Nam Á và châu Á.

Với những gì đã thể hiện, "các chiến binh sao vàng" tự tin bước vào chung kết với mục tiêu cao nhất là giành chức vô địch AFF Cup 2022. Cơ hội đó đang ở trong tầm tay khi rất nhiều thử thách gian nan đã vượt qua, giờ là lúc tinh thần và thực lực thầy trò ông Park đang sung sức nhất, khó gì có thể cản bước họ đến ngôi vị cao nhất.

Phong Uyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.