Multimedia Đọc Báo in

Câu chuyện thể thao:

Từ V-League đến Cúp C1 châu Á

08:17, 30/08/2023

Liên đoàn Bóng đá châu Á vừa tiến hành lễ bốc thăm AFC Champions League (Cúp C1) 2023 - 2024. Câu lạc bộ (CLB) bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (V-League) duy nhất tham dự là Hà Nội FC. Giấc mơ hóa rồng của các CLB bóng đá Việt Nam tại sân chơi châu lục vẫn đang dang dở.

1. Nhiều người đang hóm hỉnh tưởng tượng một kịch bản Cúp C1 2023 - 2024 như sau: CLB Hà Nội FC sẽ chạm trán CLB của Ronaldo, Neymar, Benzema. Đồng nghĩa, nhiều khán giả Việt Nam sẽ được chứng kiến các siêu sao bằng xương bằng thịt trên sân Mỹ Đình.

Tuy nhiên, căn cứ vào lịch sử, thực lực của đại diện bóng đá Việt Nam hiện nay, khả năng điều đó quá khó xảy ra. Theo thông báo từ ban tổ chức, thể thức các vòng loại trực tiếp của Cúp C1 châu Á 2023 - 2024 vẫn tương tự như mùa giải 2022 - 2023. Các vòng 1/8, tứ kết, bán kết sẽ diễn ra song song và riêng biệt ở hai khu vực Tây Á và Đông Á. Hai CLB giành chiến thắng tại 2 trận bán kết khu vực gặp nhau tại trận chung kết. Đó cũng là lần duy nhất đại diện của Tây Á và Đông Á trực tiếp đối đầu trong mùa giải.

Như vậy, Hà Nội FC chỉ có thể chạm trán với một CLB Tây Á (khu vực mà Ronaldo, Neymar và Benzema sẽ thi đấu) trong trường hợp lọt vào chung kết. Đây là một thử thách vô cùng khó khăn. Bởi trước đây chưa từng có CLB Việt Nam nào vượt qua vòng bảng. Đội sở hữu thành tích tốt nhất là Hoàng Anh Gia Lai vào năm 2004 cũng chỉ có 7 điểm và xếp nhì bảng.

Hà Nội FC từng 6 lần vô địch V-League, 3 cúp quốc gia và 5 siêu quốc gia nhưng vẫn lép vế ở giải châu Á.

Giải đấu châu Á đầu tiên dành cho các CLB bắt đầu từ năm 1967, theo mô hình của Cúp C1 châu Âu nên vẫn còn được gọi là Cúp C1 châu Á. Đến năm 2002, giải đổi tên thành AFC Champions League. Một giải đấu khác được ra đời vào năm 1990, dành cho các đội đoạt cúp quốc gia, thường gọi là Cúp C2 và đến năm 2004 trở thành AFC Cup.

Chiến thắng đầu tiên của bóng đá Việt Nam ở đấu trường cấp CLB thuộc về Đồng Tháp ở Cúp C2 châu Á năm 1997. Nhà vô địch Việt Nam khi đó đã đánh bại nhà vô địch Ấn Độ Churchill với tỷ số 1-0. Tuy nhiên, cũng kể từ đó, hành trình châu lục của các CLB Việt Nam trở nên kém cỏi khi thiếu động lực thi đấu. Chỉ đến khi bóng đá Việt Nam chuyển sang chuyên nghiệp, các doanh nghiệp sở hữu CLB cũng muốn quảng bá hình ảnh ra thế giới, nên việc thi đấu trở nên quyết tâm hơn.

2. Năm 2004 đã đánh dấu lần đầu tiên các CLB Việt Nam dự giải đấu AFC Champions League. Kết quả rất thành công, Hoàng Anh Gia Lai đá 6 trận vòng bảng, thắng 2 trận và đứng nhì bảng đấu sau CLB Đại Liên Shide rất mạnh đến từ Trung Quốc. Đó cũng là những gì tốt nhất các đội bóng Việt Nam làm được tại đấu trường danh giá nhất châu Á này. Một năm sau đó, Hoàng Anh Gia Lai tiếp tục tham dự nhưng toàn thua 6 trận.

Từ năm 2008 đến 2022, Việt Nam không có suất dự AFC Champions League. Năm 2009, B.Bình Dương vào đến bán kết của giải đấu này. Đến năm 2019, Hà Nội FC chơi tưng bừng để lọt đến trận chung kết liên lục địa thứ nhất (tương đương bán kết) mới dừng chân.

Nhìn chung, đã 56 năm tham dự giải châu lục và 23 năm giải chuyên nghiệp ra đời nhưng các CLB chuyên nghiệp Việt Nam vẫn không thể tạo được bất ngờ lớn ở hai giải đấu đỉnh cao châu Á. Nhiều CLB chấp nhận bị phạt để không tham gia giải. Nhiều đội góp mặt cho có, dẫn đến thi đấu bạc nhược làm mất thể diện nền bóng đá. Điển hình như Đà Nẵng từng thua Gamba Osaka (Nhật Bản)  0-15 năm 2006; 9 cầu thủ của CLB Ninh Bình thông đồng với nhau dàn xếp tỷ số hồi năm 2014 tại giải AFC Cup.

Không phủ nhận bóng đá Việt Nam đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ ở cấp độ đội tuyển quốc gia và U23 quốc gia, khiến vị trí trên bảng xếp hạng FIFA được cải thiện. Tuy nhiên, giải chuyên nghiệp vẫn xếp thứ 19 Đông Nam Á. Các CLB V-League vẫn quá “nhỏ bé” khi tham dự Cúp C1 và C2 châu Á.

Nhà vô địch Cúp C1 2023 - 2024 sẽ được thưởng tổng cộng 12 triệu USD, đấy là con số kỷ lục. Ngay cả đội thua cuộc trong trận chung kết cũng sẽ nhận được 6 triệu USD. Không biết đến bao giờ các CLB chúng ta mới chạm tay được vào số tiền thưởng “khủng” ở đấu trường châu Á.

Phong Uyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.