Multimedia Đọc Báo in

Phát huy tốt vai trò của già làng, người có uy tín trong bảo tồn tài nguyên rừng

14:55, 15/11/2022

Ngày 15/11, Trung tâm Nghiên cứu lâm nghiệp nhiệt đới (Tropenbos Việt Nam) tổ chức Hội thảo “Tham vấn phong tục tập quán trong bảo tồn tài nguyên rừng của một số cộng đồng người dân vùng lưu vực sông Sêrêpốk, Đắk Lắk”.

Tham dự hội thảo có 40 đại biểu là đại diện các phòng, ban có liên quan; các già làng, người có uy tín đại diện cho người dân tại huyện Lắk và Krông Bông.

Tại đây, đại biểu đã được nghe các chuyên gia chia sẻ những kết quả nghiên cứu về “Phong tục tập quán về gìn giữ, bảo tồn tài nguyên rừng của dân tộc M’Nông và Êđê ở lưu vực sông Sêrêpốk, tỉnh Đắk Lắk”; Phong tục tập quán trong quản lý, sử dụng tài nguyên rừng của cộng đồng thiểu số ở Tây Nguyên.

Đại biểu tham dự hội thảo.
Đại biểu tham dự hội thảo.

Đồng thời, được các già làng, người có uy tín chia sẻ những câu chuyện điển hình về gìn giữ, bảo tồn tài nguyên rừng của cộng đồng M’Nông và Êđê (tập quán làm rẫy luân canh theo dòng họ của người Êđê và M’Nông; phong tục tập quán bảo vệ rừng đầu nguồn; sự khác nhau về phong tục tập quán gắn với tài nguyên rừng của dân tộc thiểu số tại chỗ và nhập cư; già làng, người uy tín trong bảo tồn, quản lý tài nguyên rừng…) tại nơi họ sinh sống.

Người uy tín tham gia chia sẻ các câu chuyện về bảo vệ rừng tại địa bàn sinh sống.
Người uy tín tham gia chia sẻ các câu chuyện về bảo vệ rừng tại địa bàn sinh sống.

Trên cơ sở đó, các chuyên gia khuyến nghị, để bảo tồn tài nguyên rừng của một số cộng đồng người dân vùng lưu vực sông Sêrêpốk thì phải phát huy tốt vai trò của già làng, người có uy tín được cộng đồng trân trọng thật sự, qua đó giúp duy trì những phong tục tập quán tốt, hỗ trợ chính quyền các cấp trong việc nhắc nhở, giải quyết những vấn đề của cộng đồng và giáo dục thế hệ con cháu…

Xem xét việc hỗ trợ xây dựng các quy ước cho tất cả các cộng đồng sống gần rừng ở các địa phương. Ưu tiên chính sách đào tạo, phát triển nguồn nhân lực tại chỗ là con em đồng bào dân tộc M’Nông, Êđê; chú ý các cộng đồng có quản lý rừng để bảo đảm nguồn nhân lực cho các vị trí quản lý chính quyền, các cơ quan liên quan tại địa phương để tạo điều kiện thuận lợi và trực tiếp hỗ trợ người dân của chính cộng đồng mình.

Những phong tục tập quán tốt của mỗi cộng đồng dân tộc liên quan đến bảo tồn, gìn giữ tài nguyên rừng cần được ghi nhận, sắp xếp hệ thống và văn bản hóa, phổ biến ngay chính sách trong các cộng đồng để áp dụng và lưu giữ, quảng bá để nhiều người cùng biết (đưa vào chương trình đào tạo có liên quan…).

Thùy Dung


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.