Multimedia Đọc Báo in

" Truyền lửa" tình yêu với đàn tính, hát then

06:25, 08/01/2023

Rời xa quê hương vào lập nghiệp trên vùng đất mới, những người Tày tại vùng biên Ea Súp vẫn tha thiết với điệu hát then và tiếng đàn tính của đồng bào mình. Họ đã giữ gìn và phát triển văn hóa đó như một “kho báu sống” trong cuộc sống hằng ngày.

Đam mê đàn tính, hát then

Xuân về, vùng biên giới tưng bừng, rộn ràng hơn bởi tiếng đàn tính, hát then của người Tày.

Sau 25 năm vào lập nghiệp tại xã Cư K’bang (huyện Ea Súp), ông Bế Sỹ Lâm (quê gốc ở xã Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) vẫn không thể quên được âm hưởng đàn tính, hát then nơi mình sinh ra. Bởi vậy, ông vẫn luôn đau đáu nỗi niềm lưu giữ văn hóa truyền thống.

Trong một lần ốm nặng, phải điều trị ở Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, khoảng thời gian về nhà dưỡng bệnh, ông nhớ lại giai điệu quê hương nên tìm cây đàn tính lâu năm bị đứt dây sửa lại, ngân nga tiếng hát để giải khuây. Tiếng đàn vang lên đã khơi dậy ký ức của người xa xứ vào quê hương mới lập nghiệp như ông.

Nhiều người dân sở tại không kể lớn hay nhỏ tìm đến ông để xin học đàn, học hát. Từ đó, “ngọn lửa” đam mê, khát khao giữ gìn văn hóa truyền thống trỗi dậy, ông bắt đầu tự tay làm nhạc cụ, vào các thôn tìm những nghệ nhân biết hát, tập hợp lại thành lập nên Câu lạc bộ (CLB) đàn tính, hát then vào năm 2018.

Một tiết mục biểu diễn của các nghệ nhân trong Câu lạc bộ đàn tính, hát then xã Cư K'bang (huyện Ea Súp).

Sinh ra trong cái nôi văn hóa truyền thống hát then nên từ nhỏ, tiếng đàn tính đã ăn sâu vào tiềm thức, thôi thúc ông có một tình yêu mãnh liệt. Ông kể, trước kia, người dân ở quê thường lấy đàn then để "giải bệnh", "giải cúng" mang âm hưởng tâm linh. Dần dần khi phát triển, các nghệ nhân cải biên lại mới mang âm hưởng nghệ thuật. Ngay từ nhỏ, ông được người bác ở quê cũng là thầy then, đi hát và dạy học hát. Cây đàn tính được ông xem là “kho báu” của mình, đi đâu cũng mang theo nó như vật tri kỉ, gắn bó như máu thịt cả cuộc đời.

Hiện nay, với vai trò là Chủ nhiệm CLB đàn tính, hát then, ông luôn nỗ lực phát huy vai trò và trách nhiệm, thường xuyên cùng với người dân luyện tập để đi biểu diễn vào các dịp lễ hội của địa phương nhằm truyền đến mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ “ngọn lửa” đam mê văn hóa truyền thống.

Những “truyền nhân” tiếp nối

Không chỉ có người lớn, CLB còn “truyền lửa” cho thế hệ trẻ để tiếp nối nền văn hóa dân tộc. Đều đặn những ngày cuối tuần, dưới hiên nhà nhỏ của ông Lâm, tốp học sinh khoảng 10 em lại rôm rả tập luyện.

Bắt đầu từ năm học lớp 4, em Hoàng Khánh Linh (lớp 9, Trường THCS Bế Văn Đàn) đã có niềm đam mê với tiếng đàn tính, hát then nhờ thường nghe mẹ hát. Từ đó, ngoài được mẹ chỉ dạy, em bắt đầu tìm kiếm trên mạng Internet nhiều bài hát khác của đồng bào mình để học. Lúc CLB thành lập, em thường xuyên theo chân mẹ đi tập luyện, ngồi nghe các cô chú say sưa với làn điệu của quê hương mình. Bởi vậy, em lại thêm say mê nên xin ông Lâm mở lớp dạy cho người trẻ để rủ bạn bè đến tập luyện. Em bày tỏ: “Khi mới làm quen với cây đàn tính, em không khỏi bỡ ngỡ. Nhưng về sau, được sự chỉ dẫn nhiệt tình của ông Lâm và mẹ nên càng đánh càng thích. Em đã biểu diễn được một số bài đơn giản và đảm nhiệm vai trò hát chính. Em rất thích câu hát vang lên cùng tiếng đàn ngợi ca về Đảng, Bác Hồ, quê hương... Được tham gia lớp học không chỉ giúp em biết hát các làn điệu dân ca mà còn thêm yêu nền văn hóa đặc sắc của quê hương mình”.

Những "truyền nhân" tiếp nối tiếng đàn tính, hát then của dân tộc Tày trên quê hương mới xã Cư K'bang (huyện Ea Súp).

Còn em Lục Thị Tươi (lớp 9, Trường THCS Bế Văn Đàn) thì bộc bạch, ban đầu, em chưa biết được nốt nhạc, không thể vừa đánh vừa hát, làm em có lúc nản lòng. Thế nhưng, sau nửa tháng được chỉ dẫn nhiệt tình và nỗ lực tập luyện, em đã tập đánh được. “Em sẽ cố gắng đánh thuần thục hơn nữa để lớn lên như ông Lâm truyền lại cho thế hệ sau”, Tươi chia sẻ thêm.

Là người đi đầu trong giữ gìn “kho báu sống” của đồng bào mình ở vùng biên giới này, ông Lâm luôn đặc biệt quan tâm “truyền lửa” cho thế hệ mai sau tiếp nối bản sắc văn hóa truyền thống. Ông cho hay: “Nhiều hôm dạy mệt, đau rát cả họng, nhưng nhìn thấy các cháu say sưa học hát, bao mệt nhọc đều tan biến. Thứ duy nhất đọng lại với tôi chỉ còn là niềm vui, sự mãn nguyện khi được là người hướng dẫn cho những “truyền nhân” gìn giữ tinh hoa văn hóa của quê hương mình”.

Khánh Huyền


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.