Multimedia Đọc Báo in

Chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho lao động nữ: Hiệu quả từ cách làm phù hợp

08:10, 28/07/2022

Để xây dựng mối quan hệ hài hòa, ổn định tại nơi làm việc, công đoàn, ban nữ công các cấp đã tăng cường, linh hoạt, chọn cách làm phù hợp nhằm chăm lo, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động, nhất là lao động nữ.

Chọn cách làm phù hợp

Công đoàn cơ sở (CĐCS) Công ty Cổ phần Cao su Đắk Lắk có 15 CĐCS trực thuộc với hơn 2.500 lao động, trong đó có trên 60% là nữ. Thực hiện quy định về quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc, từ năm 2014, CĐCS Công ty đã chủ động phối hợp với Ban Giám đốc Công ty để xây dựng quy chế đối thoại phù hợp với tình hình thực tế tại doanh nghiệp.

Trên cơ sở đó, tổ chức đối thoại 3 tháng/lần hoặc đối thoại khi cần thiết và được chia thành 3 cấp: đội sản xuất, nông trường, công ty. Qua đó, thông tin kịp thời tình hình của doanh nghiệp, nắm bắt, giải quyết tâm tư, nguyện vọng của người lao động, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định.

Chế biến mủ cao su tại đơn vị trực thuộc Công ty Cổ phần Cao su Đắk Lắk.

Cùng với hoạt động đối thoại, CĐCS Công ty đã đề xuất, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể với những nội dung có lợi hơn cho người lao động, nhất là lao động nữ như: phụ cấp thêm 50.000 đồng/người/tháng cho lao động nữ để bù đắp thời gian nghỉ theo quy định của Bộ luật Lao động; hỗ trợ thêm 2 tháng lương cơ sở cho lao động nữ sinh con thứ nhất và thứ hai; hỗ trợ 100% kinh phí đóng bảo hiểm xã hội cho những trường hợp tạm thời nghỉ việc không lương do thanh lý vườn cây, khai hoang, trồng mới...

 
“Để nhân rộng mô hình bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của lao động nữ, Ban Nữ công Tổng LĐLĐ Việt Nam vừa tổ chức khảo sát, tìm hiểu các mô hình điểm tại tỉnh Đắk Lắk, Long An và Hải Phòng, làm cơ sở tham mưu xây dựng hướng dẫn về nội dung này để triển khai trên toàn quốc”
 
Ủy viên Ban Chấp hành, Quyền Trưởng Ban Nữ công, Tổng LĐLĐ Việt Nam Đỗ Hồng Vân

Chủ tịch CĐCS Công ty Cổ phần Cao su Đắk Lắk Nguyễn Thị Kim Hoa cho biết: Khi nắm rõ nhu cầu, nguyện vọng của người lao động, Công đoàn làm việc trước với trưởng các phòng, ban nhằm tạo sự đồng thuận, sau đó trao đổi trực tiếp với giám đốc, đồng thời có đề xuất bằng văn bản. Bản thân cán bộ công đoàn cũng phải am hiểu quy định pháp luật, nắm rõ tình hình doanh nghiệp để có những đề xuất chính đáng, phù hợp, hài hòa lợi ích các bên.

Đồng hành cùng lao động nữ

Nhằm bảo đảm quyền lợi của lao động nữ, nhất là trong công tác tuyển dụng, đề bạt, CĐCS Bệnh viện Mắt Tây Nguyên đặt một thùng phiếu kín để nhân viên đánh giá sự hài lòng đối với lãnh đạo, đề bạt những người đủ uy tín, năng lực.

Bên cạnh đó, thay vì tuyên truyền tất cả các nội dung theo công văn của công đoàn cấp trên, CĐCS và ban nữ công sẽ thảo luận, đề xuất chọn nội dung phù hợp, gần gũi nhất với người lao động, tổ chức tọa đàm để chị em trao đổi, chia sẻ. Vào dịp đầu năm mới, CĐCS tổ chức hoạt động "Rung chuông vàng", người lao động muốn được nhận lì xì cần tìm hiểu mục tiêu, kế hoạch hoạt động của đơn vị trong năm mới trả lời được câu hỏi. Từ đó, người lao động hiểu biết thêm các quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực của đơn vị và nỗ lực vì mục tiêu chung.

Không chỉ CĐCS Bệnh viện Mắt Tây Nguyên, CĐCS các doanh nghiệp ngoài Nhà nước trên địa bàn tỉnh cũng có nhiều cách làm linh hoạt, phù hợp nhằm chăm lo cho lao động nữ. Đơn cử như: Công ty Cổ phần Cà phê Trung Nguyên (Cụm Công nghiệp Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) đã tổ chức khám sức khỏe, khám chuyên khoa phụ sản cho lao động nữ theo quy định; thực hiện nghỉ giữa giờ hoặc ưu tiên bố trí công việc phù hợp, không phải làm đêm, được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi mang thai, nuôi con nhỏ...

Khai thác mủ cao su tại đơn vị trực thuộc Công ty Cổ phần Cao su Đắk Lắk.

Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Nguyễn Thị Lý cho biết, LĐLĐ tỉnh hiện quản lý 21 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở với gần 75.000 đoàn viên, trong đó đoàn viên nữ chiếm 56,7%. Trong những năm qua, các cấp công đoàn và 1.300 ban nữ công quần chúng đã phát huy vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, nhất là đối với lao động nữ.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.