Multimedia Đọc Báo in

Tăng cường phối hợp, đẩy mạnh công tác giải quyết chế độ hưởng trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn tỉnh

16:18, 20/09/2022

Xác định rõ bảo hiểm thất nghiệp là một trong những chính sách xã hội quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và phát triển bền vững của đất nước, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh (thuộc Sở Lao động –Thương binh và Xã hội) đã phối hợp chặt chẽ với Bảo hiểm xã hội tỉnh giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. 

Theo đó, hai đơn vị phối hợp tuyên truyền và hướng dẫn việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động; phối hợp báo cáo, cung cấp, trao đổi, chia sẻ các thông tin liên quan như: Dữ liệu đóng và hưởng bảo hiểm thất nghiệp trên toàn quốc, việc giải quyết và quản lý chi trả chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động khi các bên có nhu cầu, cấp thẻ bảo hiểm y tế kịp thời cho người lao động, giải quyết và chi trả chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động đúng đối tượng, đúng thời gian theo quy định.

Về phía Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã có nhiều đổi mới, sáng tạo trong quá trình giải quyết hồ sơ nhằm thực hiện tốt chính sách này. Theo đó, Trung tâm đã tăng cường định suất lao động cho 2 Văn phòng giao dịch tại thị xã Buôn Hồ, huyện Ea Kar và tại Trung tâm để tiếp nhận, giải quyết chế độ hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp nhằm đảm bảo phương châm 3 đúng: đúng đối tượng, đúng chế độ và đúng thời gian.

Người lao động đến làm thủ tục đề nghị hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp.
Người lao động đến làm thủ tục đề nghị hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp tại Bộ phận một cửa Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh.

Ngoài tiếp nhận hồ sơ giải quyết chế độ hưởng trợ cấp thất nghiệp trực tiếp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, Trung tâm  đẩy mạnh tiếp nhận hồ sơ qua đường bưu điện, email của Trung tâm, Cổng dịch vụ công Quốc gia. Với những lao động nộp hồ sơ trực tiếp, cán bộ, nhân viên Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh hướng dẫn tận tình, trách nhiệm.

Chị H’Âng Êban, ở buôn Kna A (xã Cư M’gar, huyện Cư M’gar) chia sẻ, tôi từng làm việc tại Công ty Hwasung vina (tỉnh Đồng Nai). Do con nhỏ nên tôi xin nghỉ việc. Hôm nay, tôi lên đây làm hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, được nhân viên Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh hướng dẫn làm giấy tờ nhanh, tận tình. Mục nào tôi chưa hiểu, chưa rõ được nhân viên Phòng Bảo hiểm thất nghiệp của Trung tâm giải thích rõ ràng. Ngoài ra, còn tư vấn cho tôi chọn hình thức chi trả trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp hằng tháng qua thẻ tài khoản cá nhân và được tư vấn học nghề, việc làm phù hợp để sớm quay lại thị trường lao động.

Bên cạnh việc được nhận trợ cấp thất nghiệp, người lao động còn được Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí phù hợp với trình độ, chuyên môn của lao động và vị trí việc làm mới. Trong số 8.500 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp từ đầu năm 2022 đến nay Trung tâm tiếp nhận (gồm 5.700 lao động ngoài tỉnh, 2.800 lao động tại địa phương), 100% lao động hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp được tư vấn việc làm, tư vấn học nghề theo quy định.

Chị Nguyễn Thị Hà Giang (SN 1986, thường trú tại phường Thắng Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) công tác tại Trung tâm Bảo trợ tỉnh Đắk Nông được 14 năm thì quyết định nghỉ việc. Chị cho biết, mình nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đắk Lắk. Sau 2 tháng hưởng trợ cấp thất bảo hiểm thất nghiệp và được Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tư vấn, giới thiệu việc làm, chị đã tìm được việc làm tại Trường Trung cấp Tây Nguyên (Buôn Ma Thuột) với mức lương ổn định từ 8 -10 triệu đồng/tháng.

Việc tư vấn việc làm, tư vấn học nghề cho lao động thất nghiệp cũng được Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đổi mới hình thức tổ chức phù hợp với tình hình thực tế. Cụ thể từ đầu tháng 6/2022, Trung tâm tổ chức buổi tư vấn việc làm tập trung tại Hội trường vào sáng thứ Hai hằng tuần, thay vì tư vấn việc làm, dạy nghề, xuất khẩu lao động cho từng lao động như lâu nay.

Nhân viên Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh hướng dẫn người lao động hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp.
Nhân viên Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh hướng dẫn người lao động hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp.

Phát huy vai trò cầu nối hiệu quả giữa doanh nghiệp và người lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động về chế độ, chính sách bảo hiểm thất nghiệp, từ đó có trách nhiệm tham gia đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp theo quy định.

Ông Nguyễn Thiện Cung, Giám đốc Khách sạn Mường Thanh Luxury Buôn Ma Thuột thông tin, khách sạn đã tuyển 120 lao động, thực hiện đóng bảo hiểm thất nghiệp cho tất cả lao động đầy đủ, kịp thời. Trong những buổi đào tạo nâng cao nghiệp vụ hoặc hội nghị tổng kết kinh doanh cuối tháng chúng tôi luôn tuyên truyền cán bộ, công nhân viên hiểu rõ quyền lợi, trách nhiệm khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Ngoài ra, khách sạn Mường Thanh cũng thường xuyên phối kết hợp Trung tâm Dịch vụ việc làm của tỉnh để hỗ trợ, hướng dẫn cho tất cả cán bộ, công nhân viên để làm kịp thời các thủ tục, giấy tờ liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp nếu như nghỉ việc. Nhờ thực hiện nghiêm túc quy định về bảo hiểm thất nghiệp giúp người lao động yên tâm làm việc.

Thời gian tới để góp phần thúc đẩy việc thực hiện chính sách Bảo hiểm thất nghiệp ngày một hiệu quả hơn, ngoài tăng cường công tác phối hợp chặt chẽ với Bảo hiểm xã hội tỉnh, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác thu thập thông tin về thị trường lao động, nắm bắt, cập nhật tình hình biến động lao động, khai thác vị trí việc làm trống để tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động, điều tiết thị trường, giảm tỷ lệ thất nghiệp. Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện quy trình tiếp nhận, tư vấn, giải quyết các chế độ Bảo hiểm thất nghiệp tạo điều kiện thuận lợi để người lao động giảm thiểu thời gian đi lại nhưng vẫn được hưởng đúng, đủ, kịp thời chế độ, quyền lợi theo đúng quy định pháp luật. 

Hoàng Lê

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.