Tạo việc làm cho lao động nông thôn từ nghề may gia công
Những năm gần đây, nhờ nghề may gia công, hàng trăm lao động ở xã Ea Hiu (huyện Krông Pắc) có việc làm với thu nhập ổn định mà không cần phải xa quê.
Trước đây, chị Võ Thị Lợi (buôn Roang Đơng) là chủ tiệm may nhỏ. Thế nhưng, hàng may mặc sẵn ngày càng phổ biến nên nghề may đo gặp nhiều khó khăn, khiến chị trăn trở tìm hướng đi mới để phát triển kinh tế gia đình.
Nhân công làm việc tại cơ sở may của chị Võ Thị Lợi (buôn Roang Đơng, xã Ea Hiu). |
Được người quen giới thiệu “mối” may gia công cho các công ty may ở TP. Hồ Chí Minh, đầu năm 2021, chị Lợi đầu tư máy móc, thiết bị mở cơ sở may gia công. Cở sở đi vào hoạt động, ngoài giúp chị ổn định kinh tế gia đình còn tạo việc làm cho lao động địa phương, nhất là những chị em có con nhỏ.
Chị Lợi cho hay: “Nghề này có lợi thế là thời gian làm việc linh hoạt. Ai làm được nhiều thì sẽ hưởng nhiều nên các chị em rất chịu khó học hỏi, hăng hái làm việc”. Hiện mỗi tháng, cơ sở may của chị Lợi nhận gia công trên 5.000 sản phẩm các loại, tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động, với mức lương 6 - 8 triệu đồng/người.
Là nhân công gắn bó với xưởng may của gia đình chị Lợi ngay từ những ngày đầu thành lập, chị Lê Thị Diễm Hương (buôn Jăr B) chia sẻ: “Sau khi tốt nghiệp lớp học nghề may công nghiệp tại địa phương, tôi được nhận vào làm tại xưởng may của chị Lợi. Từ ngày có công việc ổn định, tôi rất phấn khởi vì vừa có thu nhập trang trải chi phí sinh hoạt, vừa chủ động được thời gian chăm sóc gia đình”.
Chị Lê Thị Như Yến (đứng) hướng dẫn công nhân may tại cơ sở. |
Ông Nguyễn Hanh, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Hiu
|
Từng mở xưởng may ở TP. Hồ Chí Minh, nhưng sau khi dịch COVID-19 bùng phát, chị Lê Thị Như Yến (thôn Quảng Tân) quyết định trở về quê hương, mở cơ sở may công nghiệp tại nhà.
Theo chị Yến, để hoàn thành một sản phẩm may mặc phải qua nhiều công đoạn: cắt vải, se lai, vắt sổ, may... nên cần nhiều lao động. Tuy không đòi hỏi kỹ thuật cao nhưng người thợ cũng phải khéo tay và tỉ mỉ để tạo ra sản phẩm chất lượng và thẩm mỹ. Sau hơn 2 năm hoạt động, đến nay cơ sở may của chị Yến đã tạo việc làm thường xuyên cho 8 nhân công với thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng.
Không chỉ giải quyết việc làm cho phụ nữ nông thôn, cơ sở may của chị Yến cũng thu hút lao động làm ăn xa quê trở về làm việc. Như trường hợp của chị Huỳnh Thị Thu Phương (thôn Quảng Tân), từng là công nhân may tại TP. Hồ Chí Minh, cuộc sống xa nhà nhiều bộn bề thiếu thốn nên chị quyết định trở về quê xin việc làm ở xưởng may gia công. Nhờ có kinh nghiệm về nghề may và chăm chỉ làm việc nên thu nhập của chị luôn ổn định ở mức 5 triệu đồng/tháng.
Ông Nguyễn Hanh, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Hiu cho biết, nhằm tạo nguồn lao động ổn định, có tay nghề, chính quyền địa phương chú trọng công tác dạy nghề gắn với tạo việc làm tại chỗ cho lao động. Theo đó, hằng năm địa phương tiến hành khảo sát nhu cầu học nghề của người dân để xây dựng các mô hình dạy nghề phù hợp cũng như đáp ứng nhu cầu của xã hội và thị trường lao động. Từ năm 2021 đến nay, xã Ea Hiu phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Krông Pắc đã mở 3 lớp đào tạo nghề may công nghiệp cho 105 học viên. Ngoài dạy nghề, địa phương còn hỗ trợ cho vay vốn giúp người lao động có điều kiện phát triển nghề đã học.
Thùy Linh
Ý kiến bạn đọc