Tuổi cao vẫn nêu gương sáng làm kinh tế giỏi
Phát huy vai trò “Tuổi cao gương sáng”, nhiều cán bộ, hội viên người cao tuổi (NCT) ở huyện M’Drắk vẫn tích cực tham gia lao động sản xuất, trở thành những tấm gương tiêu biểu làm kinh tế giỏi và là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho con cháu.
Năm 1984, ông Đào Viết Hường từ quê hương Hà Tĩnh vào huyện M’Drắk lập nghiệp và làm cán bộ văn phòng tại xã Cư M'ta (M’Drắk). Vì tính chất công việc khá bận rộn nên việc đồng áng và chăm sóc 5 người con lúc bấy giờ của gia đình ông do một tay vợ là bà Nguyễn Thị Liên quán xuyến. Kinh tế cũng chỉ gọi là “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”.
Sau khi nghỉ hưu, ông Hường bắt tay vào thực hiện mô hình kinh tế vườn – ao – chuồng, nhưng sau đó nhận thấy khu vực vườn đồi không phù hợp với việc chăn nuôi, trồng cây hoa màu, ông đã cải tạo 4 ha đất đồi chuyển sang trồng rừng keo từ năm 2010.
Ông Hường cho hay, đất ở đây tuy bạc màu nhưng đặc biệt thích hợp với cây keo lai; công và chi phí chăm sóc lại thấp. Năm đầu xuống giống chỉ cần làm cỏ, bón một vài đợt phân; còn từ năm thứ hai đến khi thu hoạch chỉ cần chú ý phòng, chống cháy rừng vào mùa khô. Với chi phí đầu tư mỗi héc-ta rừng khoảng 20 triệu đồng cho một chu kỳ từ 4 - 5 năm, sau khi trừ chi phí còn lãi khoảng 50 - 70 triệu đồng/ha. Để có đồng vốn xoay vòng, ông Hường luân canh canh tác theo chu kỳ thu hoạch 1 ha rừng/năm. Ngoài trồng rừng, ông còn trồng hơn 5 sào cà phê xen canh hơn 50 gốc sầu riêng; kết hợp nuôi thêm gà thịt, gà đẻ trứng và một cặp bò sinh sản.
Ông Thêm (thứ hai từ phải sang) đón tiếp đoàn đến tham quan mô hình vườn cây ăn trái của gia đình. |
Với thu nhập từ vườn rừng, chăn nuôi, ông Hường, bà Liên có điều kiện chăm lo cuộc sống ổn định. Ông bà còn sẵn sàng tạo điều kiện cho các hội viên người cao tuổi trên địa bàn xã đến tham quan học tập về kỹ thuật và cho vay vốn khi cần thiết. Mô hình kinh tế của gia đình ông Hường còn tạo việc làm cho nhiều lao động thời vụ tại địa phương, với thu nhập từ 200.000 – 300.000 đồng/ngày.
Tương tự, ở tuổi 82 nhưng ông Bùi Xuân Thêm (ở thôn 11, xã Ea Pil) vẫn là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế tại địa phương. Quê ở huyện Tiền Hải (tỉnh Thái Bình), sau khi xuất ngũ năm 1976, ông Thêm làm công nhân xây dựng cầu Thăng Long và Thủy điện Sông Đà. Sau khi nghỉ hưu (năm 1991), ông quyết định đưa vợ con vào xã Ea Pil làm kinh tế mới.
Ngày mới vào lập nghiệp, vợ chồng ông Thêm gom góp hết số tiền dành dụm được và vay thêm họ hàng mua 1 ha đất rẫy và một con bò kéo. Ban đầu vợ chồng ông tập trung trồng các loại hoa màu như: ngô, đậu đỗ các loại, lúa nước. Sau một thời gian học hỏi kiến thức, kinh nghiệm, vợ chồng ông mạnh dạn chuyển đổi một phần diện tích sang trồng cây ăn trái. Ông tích cực cải tạo nền đất, đào ao vừa nuôi cá vừa tích nước phục vụ cây trồng vào mùa khô và thoát nước vào mùa mưa. Nhờ đó, sau thời gian dày công chăm sóc, vườn cây ăn trái của gia đình ông phát triển tốt. Hiện gia đình ông Thêm sở hữu hơn 400 gốc cây nhãn lồng Hưng Yên, xen canh một số cây ăn quả khác như: quýt, thanh long đã cho thu hoạch 5 năm. Ngoài ra, gia đình ông còn đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi, mỗi lứa xuất chuồng hơn 100 con heo thịt, 1.000 con gà thả vườn. Mỗi năm mô hình kinh tế của gia đình ông Thêm mang lại thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Bùi Xuân Thêm còn được biết đến bởi những nghĩa cử cao đẹp luôn sẵn sàng giúp đỡ người nghèo ở địa phương. Ông Thêm bộc bạch: “Với tôi, còn sức khỏe còn lao động, còn trí tuệ còn cống hiến. Dù tuổi cao nhưng tôi vẫn lao động, sẵn sàng giúp đỡ những người khó khăn trong khả năng của mình”.
Mỹ Sự
Ý kiến bạn đọc